MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ô tô Việt: Nhân tố bất ngờ mang tên VINFAST

Nhìn lại năm 2017, VINFAST được đánh giá là điểm sáng tạo nhiều yếu tố bất ngờ và là câu chuyện truyền cảm hứng nhất trong cộng đồng doanh nghiệp Việt.

Sự ra đời của VINFAST không chỉ dừng lại ở khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt mang tầm thế giới mà còn cho thấy những bước đi chiến lược, bài bản khiến giấc mơ ngày càng đến gần với hiện thực.

Đầu tháng 9-2017, Tập đoàn Vingroup chính thức khởi công tổ hợp sản xuất xe ô tô VINFAST tại Khu kinh tế Cát Hải tại Hải Phòng với vốn đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD. Sự kiện này ngay lập tức nhận được sự chú ý từ dư luận khi một lần nữa giúp thổi bùng lên ngọn lửa hi vọng về ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam với giấc mơ sản xuất ô tô thương hiệu Việt.

Dưới góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, Việt Nam cần phải có thương hiệu ô tô quốc gia để có một nền công nghiệp ô tô tự chủ.

“Đây là điều giúp cho chúng ta giữ lại việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, giữ lại kinh nghiệm và khả năng ứng dụng, đón đầu công nghệ mới để có thể tiến xa hơn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 mà công nghiệp ô tô là một trong những tiền đề”, ông Cung nói.

Viết lại giấc mơ xe hơi của người Việt

Đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á, VINFAST sẽ đạt công suất thiết kế 500.000 xe mỗi năm vào năm 2025. Một trong những điểm nhấn đặc biệt chính là lộ trình xuất xưởng những sản phẩm đầu tiên đã được chủ đầu tư Vingroup ấn định ngay trong ngày khởi công với một sự quyết liệt và chắc chắn. Theo đó, chỉ 24 tháng sau ngày khởi công, VINFAST dự kiến sẽ cho xuất xưởng sản phẩm xe ô tô thương hiệu Việt đầu tiên.

Cụ thể hóa lộ trình của mình, đúng 5 ngày sau lễ khởi công nhà máy, Vingroup đã chính thức bắt tay với đại gia công nghệ Đức Siemens hợp tác về xây dựng doanh nghiệp số và lĩnh vực ô tô.

Ngay sau đó là Bosch – nhà cung cấp công nghệ, dịch vụ hàng đầu thế giới với thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực sản xuất ô tô. Tiếp đó, VINFAST hoàn tất ký kết với Phòng thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam hợp tác đào tạo nhân lực trong ngành ô tô.

Bộ máy nhân sự cấp cao của nhà máy cũng nhanh chóng được kiện toàn với việc bổ nhiệm ông James B.DeLuca – cựu Phó Chủ tịch General Motors toàn cầu làm Tổng Giám đốc Nhà máy sản xuất ô tô VINFAST. Với kinh nghiệm và sự am hiểu sâu sắc trong ngành công nghiệp ô tô, ông James B.DeLuca được kỳ vọng sẽ dẫn dắt VINFAST cho ra đời chiếc ô tô thương hiệu Việt đầu tiên xứng tầm thế giới. Đồng thời, qua đó cũng cho thấy tiềm lực, uy tín, quyết tâm và tầm nhìn quốc tế của Vingroup trong mảng hoạt động hoàn toàn mới này.

Tiếp theo, chỉ đúng 1 tháng sau ngày khởi công dự án, ngày 2-10-2017, VINFAST một lần nữa lại khiến người tiêu dùng phấn khíchh với việc công bố 20 mẫu thiết kế cho dòng xe Sedan và SUV do 4 studio hàng đầu thế giới là Pininfarina, Zagato, Torino Design và ItalDesign đảm nhận. Người Việt bất ngờ trước vẻ đẹp hiện đại và thời thượng của các mẫu xe thương hiệu Việt trong tương lai.

Khi cảm xúc chưa kịp lắng xuống, VINFAST lại làm công chúng hào hứng tham gia cuộc thi “Chọn xế yêu cùng VINFAST”. Đây cũng là dịp hiếm hoi người Việt được nhà sản xuất trân trọng trưng cầu ý kiến về sản phẩm ô tô tương lai mà không phải nhà sản xuất nào cũng từng làm trước đó.

Tin vào giấc mơ lớn

Trên thực tế, trước khi VINFAST của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ra đời, Việt Nam có 20 năm trong hành trình xây dựng ngành công nghiệp ô tô với mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa trên 60% đối với xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi, nhưng thực tế, tỷ lệ nội địa hóa vẫn chỉ đạt chưa tới 10%. Trong hành trình này, rất nhiều công ty sản xuất ô tô đã ra đời, liên doanh có, nội địa có nhưng cho tới thời điểm hiện tại, giấc mơ ô tô thương hiệu Việt vẫn chưa thành hình.

Chia sẻ với báo giới, PGS TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: “Chúng ta không cạnh tranh trên nền tảng công nghệ cũ mà cạnh tranh trên nền tảng công nghệ mới. Vì vậy, chúng ta có cơ sở để đặt niềm tin vào ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ có thương hiệu ô tô Việt với sự ra đời của VINFAST”.

Với cách làm và mục tiêu đặt ra, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, VINFAST đang thể hiện một tầm nhìn khác hẳn và một giấc mơ lớn hơn nhiều.

Thực tế, trước tầm quan trọng của công nghiệp ô tô, ngay từ đầu năm 2017, Chính phủ đã công bố nhiều chính sách tạo điều kiện, ủng hộ doanh nghiệp Việt tham gia lĩnh vực này. Bởi đó không chỉ là tương lai của ngành ô tô – đó còn là tầm nhìn dài hạn và bền vững cho nền công nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện tại, VINFAST ra đời không những thể hiện khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt mang tầm thế giới mà hơn nữa, qua ngành ôtô, Vingroup cũng mong muốn tham gia góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nặng và chế tạo tại Việt Nam.

Giới chuyên môn cũng nhìn nhận, trong suốt quá trình phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam từ năm 1995 đến nay, chưa có một bản kế hoạch nào rõ ràng và mục tiêu lớn như VinFast đang đặt ra.

Về mặt thị trường, thị trường ôtô Việt Nam đang ở thời điểm bản lề trước khi có những đột phá và có tiềm năng phát triển lớn. Quy mô thị trường hiện mới chỉ bằng 1/10 so với Thái Lan và 1/4 so với Indonesia, theo thống kê của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương. Trong khi đó, công suất lắp ráp các loại xe của Việt Nam đạt khoảng 500.000 xe mỗi năm, kém xa so với mức 2 triệu tại Thái Lan và 1 triệu xe của Indonesia.

Với nhiều cơ hội rõ ràng, việc Vingroup tham gia vào ngành bốn bánh là tín hiệu tích cực cho thị trường, ít nhất là người tiêu dùng sẽ được lợi khi có nhiều lựa chọn trong tương lai gần. VINFAST bắt đầu thắp lại ước mơ của nhiều người Việt, về những chiếc xe hơi "Made in Vietnam". Và hơn cả, sự tham gia của một doanh nghiệp tư nhân hàng đầu vào một lĩnh vực đòi hỏi rất nhiều vốn và lực, chính là dấu ấn cho thấy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã được nâng lên một tầm cao mới, họ dám nghĩ dám làm và đủ cơ sở để làm tốt mục tiêu đề ra.

Theo Trà Phương

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên