Thuế ô tô thay đổi xoành xoạch
Trong vòng sáu tháng, cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt thay đổi tới hai lần là quá nhanh.
- 06-04-2016Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế ôtô
- 30-03-2016Giảm thuế TTĐB đối với ô tô: Mũi tên trúng hai đích
Nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô tô cho rằng họ không kịp trở tay vì chính sách thuế thay đổi liên tục cũng như những bất cập trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới.
Tiền nước cũng chịu thuế
Đại diện 10 thương hiệu ô tô nhập khẩu chính hãng lớn tại Việt Nam như Audi, BMW, Rolls-Royce... vừa ký chung văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ cùng Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ủy ban Kinh tế-Ngân sách của Quốc hội.
“Việc liên tục điều chỉnh chính sách thuế trong thời gian ngắn gây khó khăn cho các DN nhập khẩu. Điều này cũng sẽ tác động đến thị trường, sức mua và gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước” - văn bản của các nhà nhập khẩu nêu rõ.
Cụ thể, từ 1-1-2016, việc tính thuế TTĐB với ô tô nhập khẩu được áp dụng theo Nghị định 180/2015 và Thông tư 195/2015. Theo đó, cách tính thuế của ô tô nhập khẩu dựa trên giá trị của nhà nhập khẩu cộng thêm 5%. Tuy nhiên, cách tính thuế theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1-7-2016 lại thay đổi cách tính thuế.
Ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Á quốc tế, đơn vị phân phối chính hãng xe Audi tại Việt Nam, cho rằng với cách tính thuế TTĐB có hiệu lực từ đầu năm nay đã khiến các hãng phải điều chỉnh tăng giá xe 3%-10%. Còn với cách tính thuế mới có hiệu lực từ đầu tháng 7, giá xe có thể tăng đến 20% so với cách tính hiện tại.
Để làm rõ hơn tác động về cách tính thuế mới, ông Phạm Vũ, chủ một đại lý kinh doanh ô tô ở TP.HCM, cho hay cách tính thuế áp dụng từ đầu năm nay dựa vào giá thành sản xuất từ đại lý. Còn với cách tính thuế mới áp dụng từ đầu tháng 7 tới thì các công ty ô tô hiểu rằng thuế tính trên giá xe đến tay người tiêu dùng.
Như vậy, theo ông Vũ, thuế TTĐB sẽ tính trên giá thị trường và không chỉ phải cộng thêm chi phí quản lý, quảng cáo, vận chuyển mà cả tiền lương nhân viên, lợi nhuận của đơn vị kinh doanh. “Nói chung là đến cái ly uống nước, tiền điện, tiền nước của công ty kinh doanh ô tô chi ra đều phải chịu thêm thuế TTĐB” - ông Vũ nói.
Ông Vũ đưa ra ví dụ đối với dòng xe có dung tích động cơ lớn như Mercedes-Benz 4.7L, với mức thuế hiện hành có giá bán ra thị trường hơn 5 tỉ đồng. Nhưng từ đầu tháng 7 tới đây mức thuế tăng thêm 70% cộng thêm mức tăng do cách tính thuế mới, loại xe này có thể bán ra với giá lên tới 6,7-6,8 tỉ đồng, tăng 1,8 tỉ đồng.
Điều này có nghĩa từ ngày 1-7, để mua một chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc, người tiêu dùng phải bỏ thêm hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng.
Không kịp trở tay
Trong công văn kiến nghị lên Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan, các công ty nhập khẩu ô tô cũng phản ánh đến nay vẫn chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch triển khai thuế TTĐB mới, trong khi ngày hiệu lực chỉ còn khoảng hai tháng nữa. Từ đó các công ty nhập khẩu ô tô kiến nghị tạm hoãn áp dụng phương thức tính thuế TTĐB mới cho đến khi Bộ Tài chính có hướng dẫn chi tiết nhằm đảm bảo việc thực hiện dễ dàng và tránh các hiểu nhầm, diễn dịch sai.
“Chỉ trong vòng sáu tháng, cách tính thuế TTĐB thay đổi tới hai lần là quá nhanh và mỗi lần thay đổi thì được áp dụng ngay trong vòng 2-3 tháng sau đó khiến DN gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, không trở tay kịp” - ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Á quốc tế, nói.
Không chỉ vậy, theo các công ty ô tô, việc áp dụng Luật Thuế TTĐB mới từ ngày 1-7 sẽ gặp vấn đề bởi phương thức tính thuế mới theo luật chưa rõ ràng. Chẳng hạn, việc xác định cơ sở kinh doanh thương mại là cơ sở đầu tiên trong khâu lưu thông thương mại (nhà bán sỉ/nhà phân phối) là chưa cụ thể…
Trong khi đó, theo giải thích của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh thuế TTĐB nhằm khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ dòng xe nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân. Đồng thời cách tính thuế mới này đảm bảo sự công bằng và thống nhất giữa các DN nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước chứ không vì mục đích tăng thu thuế.
Bên cạnh đó, điều này còn nhằm chống khai gian lận thuế của các nhà nhập khẩu, sản xuất ô tô nhỏ lẻ và tránh tình trạng thất thu thuế. Đồng thời để khắc phục hiện tượng chuyển giá tính thuế TTĐB qua công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ.
Tuy vậy, một chuyên gia kinh tế cho rằng cách tính thuế TTĐB dựa trên giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra không mang tính ổn định mà có tính thời điểm, không chính xác. Giá tính thuế là giá bán lẻ đến người tiêu dùng cuối cùng là không khả thi và chưa có cơ chế kiếm soát hữu hiệu. “Vì vậy việc các nhà nhập khẩu ô tô kiến nghị duy trì phương thức tính thuế hiện tại áp dụng từ đầu năm nay là hợp lý” - vị chuyên gia này nêu quan điểm.
Muốn tuân thủ cũng khó
Theo văn bản của các DN nhập khẩu gửi cơ quan chức năng, khi phương pháp tính thuế TTĐB được triển khai vào 1-1-2016, mặc dù nghị định và thông tư hướng dẫn đã được phát hành trước đó, các nhà nhập khẩu chính thức đã không thể thực hiện kê khai phần thuế TTĐB tăng thêm cho Cục Thuế. Nguyên nhân là do hệ thống kê khai trực tuyến đã không cập nhật mẫu biểu mới cho đến gần cuối tháng 3-2016.
Do vậy, các nhà nhập khẩu không muốn một lần nữa phải đối mặt với tình trạng muốn kê khai và tuân thủ luật thuế mà lại không thể làm được.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường trong ba tháng đầu năm nay đạt gần 60.000 chiếc, tăng 23% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 3, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 55%, trong khi xe nhập khẩu giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Pháp luật TPHCM