MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương chiến: Sở hữu thứ vũ khí ngàn tỉ USD, Trung Quốc vẫn chưa tấn công Mỹ vì đang bận "mài" cho sắc, hay vì... sợ?

09-08-2019 - 10:59 AM | Tài chính quốc tế

Theo CNN, Trung Quốc sở hữu một thứ vũ khí cực nguy hiểm trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhưng đến nay vũ khí ấy vẫn "nằm im". Vì sao lại như vậy?

Một tuần đã trôi qua kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nước Mỹ- Trung Quốc "tăng nhiệt" trở lại. Sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế lên 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc , Bắc Kinh đã hạ giá đồng Nhân dân tệ - một động thái được cho là nhằm mục đích trả đũa Washington.

Lập tức, Bộ Tài chính Mỹ đã tung ra đòn tiếp theo: liệt Trung Quốc vào danh sách các quốc gia "thao túng tiền tệ", khiến căng thẳng giữa hai bên càng leo thang.

Những đòn "ăn miếng, trả miếng" kể trên đã làm thị trường toàn cầu chao đảo và đe dọa sự phát triển của kinh tế thế giới. Tất cả đều đang nín thở dõi theo diễn biến của cuộc chiến và những nước cờ tiếp theo được mỗi bên tung ra.

Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ rằng họ sẵn sàng chiến đấu nếu cần thiết. Và họ vẫn còn một quân át chủ bài, một thứ vũ khí vô cùng lợi hại còn đang giấu trong tay áo: đó chính là lợi thế trong vai trò chủ nợ lớn nhất của Mỹ.

Trên lý thuyết, Bắc Kinh có thể gây chấn động trên thị trường trái phiếu bằng cách bán tháo số trái phiếu Mỹ có tổng giá trị lên đến 1.100 tỉ USD mà nước này đang sở hữu.

Việc Trung Quốc (theo giả thuyết) bán tháo trái phiếu Mỹ sẽ khiến giá trái phiếu giảm sâu, khiến lãi suất tăng vọt, và tất nhiên là khoản vay (cả vốn lẫn lãi) của Mỹ cũng sẽ tăng mạnh.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều lí do khiến giới chuyên gia tin rằng Trung Quốc sẽ không dùng đến thứ vũ khí này. "Có lẽ đó không phải là nước cờ hữu dụng nhất [đối với Trung Quốc] hiện nay", theo nhận định của ông Brad Setser, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, và từng là chuyên gia kinh tế tại Bộ Tài chính Mỹ.

Lựa chọn "hạt nhân"

Sau khi đồng Nhân dân tệ trượt giá qua mốc tâm lý, Trung Quốc đã có động thái đảo chiều, cho thấy việc đồng nhân dân tệ mất giá chỉ là một dấu hiệu cảnh báo gửi tới Mỹ. Tuy nhiên Tổng thống Trump vẫn có thể tiếp tục tung đòn trả đũa vì điều này, kể cả khi chính quyền Mỹ vẫn khẳng định tiếp tục kế hoạch tổ chức đàm phán thương mại vào tháng 9 tới.

Tình hình hiện nay có nguy cơ rất cao sẽ tiếp tục leo thang. Đó là lí do xuất hiện mối quan ngại về việc Trung Quốc có thể bán tháo trái phiếu Mỹ trong những ngày gần đây.

Nếu Trung Quốc thực sự muốn "đại náo" nước Mỹ, thì họ sẽ kích hoạt lựa chọn "hạt nhân" ấy: bán tháo ra thị trường, khiến trái phiếu Mỹ tụt giá thê thảm.

Điều đó sẽ khiến lãi suất tăng vọt. Và bởi lãi suất của Bộ Tài chính Mỹ là chuẩn mực cho tín dụng kinh doanh và tiêu dùng, cũng như các khoản nợ, thế chấp và cho vay tự động của doanh nghiệp cũng sẽ tăng cao, khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ bị hãm phanh lại. Tất nhiên, đồng USD cũng không tránh khỏi bị liên lụy.

Thương chiến: Sở hữu thứ vũ khí ngàn tỉ USD, Trung Quốc vẫn chưa tấn công Mỹ vì đang bận mài cho sắc, hay vì... sợ? - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa. Nguồn: USA Today.

Vấn đề nan giải của Bắc Kinh

Thực tế, việc bán tháo trái phiếu cũng đi kèm với nhiều rủi ro lớn và không phù hợp với chiến lược hiện tại của Trung Quốc, theo ông Michael Hirson, người đứng đầu nhóm phụ trách về Trung Quốc của Eurasia Group. Trước đây ông Hirson từng là trưởng đại diện của Bộ Tài chính Mỹ tại Bắc Kinh.

"[Hai nước] rõ ràng đã chìm trong vòng xoáy trả đũa leo thang", ông Hirson nói. "Tuy nhiên tôi cho rằng động cơ chính của Bắc Kinh trong cuộc thương chiến ở thời điểm hiện tại là chịu đựng áp lực từ ông Trump".

Nếu nói như vậy, thì việc bán tháo trái phiếu Mỹ sẽ là phản tác dụng. Nếu Bắc Kinh bán tháo lượng lớn trái phiếu Mỹ, thì số trái phiếu còn lại trong tay họ cũng sẽ gặp nguy. 

Trung Quốc vẫn cần giữ một số trái phiếu Mỹ nhất định để giữ giá cho đồng tiền của mình. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ nỗ lực kiểm soát việc đồng Nhân dân tệ tăng/hạ giá trong những tháng tới, nhằm giảm bớt một số áp lực đối với nền kinh tế quốc nội mà không mất đi tiền vốn đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa, việc bán tháo trái phiếu Mỹ còn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực của Trung Quốc trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn và trái phiếu.

"[Trung Quốc] vẫn cần dòng lưu động vốn nước ngoài để bảo vệ đồng tiền nội tệ của mình trong cuộc thương chiến", ông Hirson bình luận. "Nếu Trung Quốc biến trái phiếu Mỹ thành vũ khí, thì đó sẽ là hồi chuông báo động đối với các nhà đầu tư toàn cầu [khiến họ rút vốn khỏi Trung Quốc]".

Mỹ có thực sự bị ảnh hưởng như lời đồn?

Bên cạnh những nghi ngại, nhiều người vẫn còn hoài nghi về tác động tiêu cực của chiêu bài bán tháo trái phiếu. Chuyên gia Setser cho biết ông khá nghi ngờ về điều đó.

"Khi nó bắt đầu có ảnh hưởng tiêu cực tới Mỹ, thì Cục Dự trữ Liên bang chắc chắn sẽ hành động", ông Setser nói.

Trong bản báo cáo trình Quốc hội Mỹ năm 2012, Bộ Quốc phòng nước này đã nêu rõ rằng Cục Dự trữ Liên bang "hoàn toàn có khả năng" mua vào lượng trái phiếu bị Trung Quốc bơm ra thị trường nhằm hạn chế thiệt hại đối với nền kinh tế Mỹ.

Hơn nữa, Trung Quốc chỉ còn rất ít lựa chọn thay thế để bù đắp khoảng trống của Mỹ trong khoản dự trữ ngoại hối 3.100 tỉ USD. Họ có thể lựa chọn Đức và Nhật Bản, nhưng trái phiếu của hai quốc gia này hầu như không có lãi. Lãi suất 1,63%/10 năm của Mỹ chắc chắn tốt hơn nhiều so với lãi suất -0,59% của Đức.

Tất nhiên, lựa chọn hạt nhân này vẫn nằm trên bàn. Nhưng đối với Trung Quốc, thì việc bán tháo trái phiếu Mỹ vẫn là lợi bất cập hại.

Theo Hồng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên