Thưởng đậm để thu hút tài xế nhưng Go-Viet lại đang mất điểm vì xử lý không khéo nạn các đối tác "bào tiền thưởng?"
Bằng việc nhờ chéo tài xế khác book chuyến đi, một xe ôm công nghệ có thể tạo được chuyến ảo, chạy mỗi chuyến chỉ vài trăm mét nhưng vẫn nhận được 25.000 đồng tiền thưởng cuốc.
Tài xế tạo chuyến ảo để lấy tiền thưởng
Chính thức ra mắt đầu tháng 8/2018, tân binh Go-Viet, được hậu thuẫn từ Go-Jek đến từ Indonesia không chỉ thu hút khách hàng bằng khuyến mãi "sốc" 5.000 đồng /chuyến dưới 8km, mà còn nhờ chính sách thưởng hấp dẫn để thu hút tài xế thưởng 25.000 đồng với chuyến đi khách trả 5.000 đồng, kèm theo các mức thưởng hấp dẫn cho tài xế như “1 ngày 9 chuyến được tặng thưởng 220.000 đồng”.
Sau đó, khi mức khuyến mãi cho khách hàng tăng lên 9.000 đồng/chuyến dưới 8km, Go-Viet cũng nâng chỉ tiêu thưởng cho tài xế lên, nhưng mức thưởng vẫn rất hấp dẫn, có thể lên tới 300.000 đồng/ngày.
3 mức thưởng 10, 18, 28 của Go-Viet hiện tại, tương đương với 80.000 đồng, 180.000 đồng, 300.000 đồng. Mỗi điểm tương ứng với 1 chuyến đi hoàn thành. Ảnh: Facebook
Thưởng đậm để thu hút tài xế, nhưng có lẽ Go-Viet không ngờ thưởng quá hấp dẫn cũng là nguyên nhân khiến tài xế muốn gian lận, tìm cách "bào tiền thưởng." Bằng việc nhờ chéo tài xế khác book chuyến đi, tài xế có thể tạo được chuyến ảo, chạy mỗi chuyến chỉ vài trăm mét nhưng vẫn nhận được 25.000 đồng tiền thưởng cuốc.
Hơn nữa, hoàn thành nhiều chuyến ngắn như thế còn giúp tài xế nâng số lượng chuyến hoàn thành trong ngày, dễ đạt chỉ tiêu số cuốc thưởng của ngày hơn.
"Tài xế người ta chạy thật, nhưng chuyến ảo, tài xế book chéo cho nhau lấy thưởng, gian lận đến khi đủ chuyến xong rồi tắt app," đại diện của một ứng dụng đặt xe công nghệ tiết lộ.
Khi được hỏi về tình trạng này, một tài xế Go-Viet trẻ tên Trung thừa nhận: "Chuyện cuốc ảo đó nhiều lắm, tài xế book cho nhau để lấy tiền thưởng."
Một tài xế khác tên Nghĩa cho hay trong những ngày đầu Go-Viet mới xuất hiện, còn có tình trạng tài xế không nhận những cuốc xa (6 – 7km) mà chỉ nhận những chuyến đi gần (khoảng 2 - 3km), vì chỉ cần chạy cuốc ngắn cũng được nhận 30.000 đồng y như cuốc dài.
Khóa nhiều tài khoản tài xế, Go-Viet mất điểm trong mắt các "đối tác"
Trước tình trạng đó, ngoài việc nâng chỉ tiêu thưởng cho tài xế, Go-Viet còn có động thái khóa tài khoản tài xế tạm thời – nhẹ thì 24 giờ, nặng thì 14 ngày – nếu hệ thống định vị phát hiện các chuyến đi đáng nghi. Hệ thống Go-Viet khi phát hiện có dấu hiệu bất thường về điểm bắt đầu và kết thúc của chuyến đi sẽ đặt nghi vấn về cuốc ảo và tự động khóa tài khoản tài xế.
Nhiều tài xế trên group Facebook CLB Go-Viet Sài Gòn than vãn đã bị khóa tài khoản tạm thời. Những bác tài nào chưa bị khóa cũng nơm nớp lo sợ. Và từ việc ưa chuộng các chuyến đi ngắn, tài xế kháo nhau không nên nhận các cuốc quá ngắn vì sợ Go-Viet nghi là chuyến ảo.
Thêm vào đó, việc khóa tài khoản diễn ra tràn lan và tổng đài Go-Viet phản hồi không thỏa đáng khi tài xế có ý kiến cũng khiến nhiều bác tài bức xúc.
"Sao khóa app anh em hoài vậy?" "Chào GoViet, mình thấy đối tác dạo này toàn kêu bị khóa app vô tội vạ rất nhiều, mặc dù họ không đặt cuốc ảo... Goviet có thể giải thích rõ hơn được không?"… là những thắc mắc được đặt ra trên Fanpage Go-Viet.
Ảnh được 1 tài xế Go-Viet chia sẻ trên Facebook
Mặt khác, theo ghi nhận thực tế, có những tài xế chân chính còn không biết hay không quan tâm đến chuyện cuốc ảo. Bác tài full-time Hồ Trung Nghĩa tại TPHCM trả lời khi được hỏi về nạn cuốc ảo: "Cái đó nghe nói chứ tôi chưa tận mắt thấy. Tôi thì có khách thì chạy, không có thì thôi."
Còn chị Nguyễn Thị Kim Khanh – một nội trợ tranh thủ chạy Go-Viet sau khi đưa con tới trường - cho hay: "Mình chỉ chạy thêm thôi, không quan tâm đến chuyện cuốc ảo."
Ra mắt rầm rộ và thưởng hấp dẫn để thu hút tài xế nhằm giành thị phần với Grab , nhưng có lẽ thưởng quá đậm và xử lý không khéo léo khi gặp trục trặc với các "xe ôm công nghệ" đã khiến tân binh Go-Viet phần nào "mất điểm" trong mắt các đối tác - một phần vô cùng quan trọng trong cuộc cạnh tranh của họ tại Việt Nam?
Minh Phạm
Theo Trí Thức Trẻ