Thượng đỉnh Mỹ - Nhật: Tín hiệu gửi Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Joe Biden "gửi tín hiệu rõ ràng" đến Trung Quốc bằng cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tại Nhà Trắng vào ngày 16-4, đài CNN dẫn lời một quan chức Washington cấp cao cho biết.
- 16-04-2021Trung Quốc tuyên bố GDP tăng trưởng 18,3% trong quý 1/2021 nhưng vẫn thấp hơn so với kỳ vọng
- 16-04-2021Vì sao giới đầu tư toàn cầu đổ xô mua trái phiếu Trung Quốc?
- 16-04-2021Nhìn lại vụ tham nhũng gây chấn động Trung Quốc: Quan chức giấu 3 tấn tiền mặt trong nhà, công ty 'dọn dẹp nợ xấu' nay mắc kẹt trong đống nợ
- 15-04-2021Từ bỏ chiến lược của Ray Dalio, một quỹ phòng hộ Trung Quốc ghi nhận tỷ suất sinh lời hơn 250% trong năm 2020
- 15-04-2021Kinh tế Trung Quốc đang quá phụ thuộc vào nhà đất và xuất khẩu như thế nào?
Theo quan chức này, trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với một nhà lãnh đạo nước ngoài, ông Biden thảo luận về đại dịch Covid-19, đánh giá chính sách của Mỹ về Triều Tiên, an ninh khu vực, khủng hoảng khí hậu, công nghệ và trọng tâm là mối quan hệ với Trung Quốc. Qua đó, Washington và Tokyo sẽ nhấn mạnh cam kết chung nhằm duy trì hòa bình và ổn định, đồng thời thực hiện các bước xoa dịu căng thẳng và ngăn chặn những hành động khiêu khích.
Quan chức trên cho biết Mỹ sẽ cố gắng "gửi tín hiệu rõ ràng" đến Trung Quốc rằng những bước đi của Bắc Kinh, bao gồm các hành động trong Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan gần đây, là "trái ngược với sứ mệnh duy trì hòa bình và ổn định". Bên cạnh đó, Washington cũng nhận ra mối quan hệ kinh tế và thương mại sâu sắc giữa Tokyo và Bắc Kinh, đồng thời tôn trọng việc ông Suga muốn thực hiện các bước đi thận trọng.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tới căn cứ không quân Andrews, bang Maryland - Mỹ hôm 15-4 Ảnh: AP
Cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Yoshihide Suga có mục đích đưa liên minh hai nước lên một tầm cao mới, không những về an ninh, đối ngoại mà còn về công nghệ, kinh tế cùng các vấn đề khác.
Hai ông Biden và Suga cũng dự kiến thảo luận về Triều Tiên vì Mỹ sắp kết thúc quá trình rà soát chính sách đối với Bình Nhưỡng; sáng kiến hợp tác mạng 5G, tăng cường chuỗi cung ứng công nghệ không phụ thuộc vào Trung Quốc; cắt giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch; hội nghị "bộ tứ" (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) kế tiếp... Chính quyền ông Biden có thể đưa ra yêu cầu cứng rắn hơn với Nhật Bản, chẳng hạn như thúc ép ông Suga công khai tuyên bố ủng hộ Đài Loan.
Hãng tin AP tiết lộ 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật đang tìm cách phản ứng lại thông điệp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rằng "Mỹ và các nền dân chủ nói chung đang trên đà suy giảm" sau những bất ổn chính trị và sự kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump. Chính quyền ông Biden từng mô tả việc quản lý các chính sách của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi Bắc Kinh đang tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự, là thách thức chính của Washington.
Trước chuyến thăm của ông Suga, truyền thông Trung Quốc đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo người đồng cấp Nhật Bản không để quan hệ Trung - Nhật bị ảnh hưởng bởi "cuộc đối đầu giữa các nước lớn". GS Akio Takahara, chuyên gia về Trung Quốc tại Trường ĐH Tokyo, bình luận: "Sự ủng hộ của Nhật Bản đối với sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương ngày càng tăng nhưng nền kinh tế Nhật Bản gắn liền với nền kinh tế Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi lo ngại về an ninh, Nhật Bản vẫn phải thực hiện cách tiếp cận hai chiều để cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác".
Cùng ngày 16-4, Reuters dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Kang Min-seok, cho biết ông Biden sẽ gặp người đồng cấp Hàn Quốc tại thủ đô Washington vào cuối tháng 5 để thảo luận nỗ lực ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Mỹ bày tỏ mong muốn khuyến khích hợp tác ba bên với Hàn Quốc, Nhật Bản về vấn đề đó cũng như các mối quan tâm an ninh khu vực khác, bao gồm cả Trung Quốc.
NLĐ