Thương lái Trung Quốc có lũng đoạn thị trường thanh long?
Nhiều ý kiến nhận định, giá thanh long hoàn toàn phụ thuộc vào quy luật cung cầu, không ảnh hưởng bởi yếu tố thương lái Trung Quốc.
- 08-07-2016Bình Thuận xử phạt nhiều thương lái Trung Quốc kinh doanh trái phép
- 20-06-2016Thương lái Trung Quốc thao túng thanh long Bình Thuận
Gần đây, ở Bình Thuận đã có sự xuất hiện của thương lái Trung Quốc trong hoạt động mua bán thanh long. Không ít người lo lắng thị trường thanh long đang bị các thương lái Trung Quốc thao túng, lũng đoạn về giá cả.
Xã Hàm Thạnh là nơi trồng nhiều thanh long nhất ở vùng trọng điểm Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ông Nguyễn Văn Hiền, một người địa phương cho biết, bây giờ ông cũng như bà con nông dân trong vùng không còn xa lạ gì với việc các thương lái người Trung Quốc trực tiếp tận vườn mua trái thanh long.
“Người Trung Quốc tới đây rất đông, họ trực tiếp thương lượng và mua thanh long ngay tại nhà vườn, cứ thấy chỗ nào có thanh long người ta sẽ hỏi”, ông Hiền tiết lộ.
Đó là thực tế đang diễn ra ở thủ phủ thanh long Bình Thuận. Đi dọc quốc lộ 1A qua huyện Hàm Thuận Nam, người ta dễ dàng nhìn thấy bảng hiệu các công ty xuất khẩu thanh long đều có kèm theo chữ Trung Quốc bên cạnh chữ Việt.
Không ít cơ sở, doanh nghiệp trong tỉnh liên kết với người Trung Quốc thu mua thanh long của nông dân trong vùng. Các doanh nghiệp còn tạo điều kiện cho các thương lái Trung Quốc ăn ở, làm việc trong cơ sở của mình để thuận lợi hơn trong hoạt động xuất khẩu.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, việc thương nhân Trung Quốc liên kết với doanh nghiệp địa phương không có là gì bất thường nếu họ hoạt động theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và hiệp định ký kết giữa hai nước. Tuy nhiên, những người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam bằng hộ chiếu du lịch, sau đó núp bóng mua bán thanh long là vi phạm pháp luật, cần được ngăn chặn.
Trong 6 tháng đầu năm nay, theo kết quả kiểm tra của tổ liên ngành, UBND tỉnh Bình Thuận đã quyết định xử phạt hành chính 17 người Trung Quốc hoạt động trái phép với số tiền 410 triệu đồng.
Trước thông tin thị trường thanh long tại địa phương đang bị các thương lái Trung Quốc “núp bóng” lũng đoạn, Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận đã bác bỏ chuyện này.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận cho biết, thanh long Bình Thuận cũng như các loại nông sản khác của Việt Nam không nằm ngoài quy luật cung cầu của thị trường. Một vài cá nhân thương lái không thể thao túng.
“Người ta nói những người Trung Quốc đến đây lũng đoạn thị trường thanh long chẳng qua là sự suy diễn. Trên thực tế đây là quy luật cung cầu. Trong khi hiện nay, sản xuất thanh long của Bình Thuận đang ở mức cung vượt cầu. Nếu lúc nào ít hàng, thiếu hàng, giá thanh long sẽ tăng lên, khi nhiều hàng giá sẽ xuống”, ông Hiệp nêu rõ quan điểm.
Là chủ của Công ty thanh long Hoàng Hậu - một doanh nghiệp trồng và xuất khẩu thanh long quy mô lớn có tiếng ở Bình Thuận, nên ông Trần Ngọc Hiệp hiểu rõ về hoạt động xuất khẩu. Ông Hiệp cho biết, giá cả mua bán hằng ngày là do các chợ mua bán nông sản bên cửa khẩu quyết định. Nếu lượng hàng tồn nhiều, giá sẽ giảm ngay lập tức. Còn lúc hàng khan hiếm, các thương lái trong nước sẽ gom hàng với giá cao.
Cùng quan điểm, ông Ngô Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận dẫn chứng tình hình tiêu thụ thanh long trong năm nay đã cho thấy điều đó. Vừa qua, hạn hán khiến cho sản lượng thanh long bị sụt giảm, nên giá giữ ở mức cao trong thời gian dài.
Trong tháng 1 và tháng 2, giá bình quân từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Tháng 3, giá nhích lên từ 15.000-16.000 đồng. Từ cuối tháng 3 đến tháng 6, giá bình quân từ 17.000-20.000 đồng, có lúc lên đến 25.000-30.000 đồng. Giữa tháng 7 này, do hàng mùa rộ, nên giá đã giảm xuống ở mức từ 11.000-12.000 đồng. Tuy vậy, đây cũng là mức giá cao trong thời điểm chính vụ, nông dân hoàn toàn có lãi.
Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thanh long chính ngạch qua 11 nước chỉ được khoảng 4.100 tấn; còn xuất tiểu ngạch qua các cửa khẩu Trung Quốc lại đạt hơn 285.000 tấn. Thế nên, giá thanh long phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc là đương nhiên. Nếu muốn thoát khỏi sự lệ thuộc này, trái thanh long Bình Thuận cần có thêm nhiều thị trường khác tiêu thụ.
“Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận cũng đã có rất nhiều cố gắng để mở rộng thị trường vì biết nếu lệ thuộc vào một thị trường là rất nguy hiểm. Chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, của UBND tỉnh và các sở ngành có liên quan, trong đó có Sở Công Thương đều nhận thấy rằng, xuất khẩu thanh long lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc là phức tạp, khó lường, dễ đổ vỡ”, ông Hùng bày tỏ.
Hiện nay, trong số hơn 230 doanh nghiệp và cơ sở thu mua, xuất khẩu thanh long, chỉ có có 8 đơn vị tham gia xuất khẩu trực tiếp qua đường chính ngạch; còn lại đều có quan hệ mua bán với thị trường Trung Quốc. Theo ông Ngô Minh Hùng, tỉnh Bình Thuận còn thiếu các doanh nghiệp tầm cỡ để xuất khẩu thanh long chính ngạch qua các thị trường khác.
Những năm qua, vì lợi nhuận cao, nên rất nhiều nông dân chuyển từ các loại cây kém hiệu quả sang trồng thanh long, với tổng diện tích hiện có của toàn tỉnh hơn 26.000 ha. Diện tích tăng đột biến, trong khi thị trường chủ yếu vẫn là Trung Quốc, nên giá thanh long đều do thị trường tiêu thụ khổng lồ này quyết định./.
VOV