MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương mại điện tử TP.HCM tăng trưởng mạnh trong đại dịch

Các mô hình kết nối trực tiếp với nhà nông đã cắt bỏ các bước trung gian, hỗ trợ nông dân tối ưu chi phí, giúp người dân mua sản phẩm với giá tốt hơn.

Năm 2021, TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề dịch bệnh Covid-19, nhiều ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ rất khó khăn, doanh thu giảm mạnh. Tuy nhiên, thương mại điện tử (TMĐT) vẫn là điểm sáng với mức tăng trưởng rất tốt và dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Vậy doanh nghiệp và cơ quan chức năng có giải pháp gì để nâng cao chất lượng dịch vụ trên sàn TMĐT, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng?

Doanh thu tăng cao

Hiện nay, TP.HCM có 567 sàn TMĐT, hơn 20.680 website bán hàng và 134 ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại. Bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, năm 2021 nhiều sàn TMĐT và website bán hàng doanh thu vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Đơn cử như sàn TMĐT Tiki vẫn duy trì mức tăng trưởng 2 con số, riêng dịch vụ giao hàng thực phẩm tươi sống lập kỷ lục với mức tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Số lượng hội viên sử dụng dịch vụ giao hàng nhanh "TikiNOW 2 giờ" tăng gấp 3 lần, danh mục hàng hóa thực phẩm tươi sống tăng gấp nhiều lần. Còn sàn thương mại điện tử Lazada, số lượng đơn hàng cũng tăng hơn gấp đôi, riêng đơn hàng thực phẩm tươi sống tăng gấp 17 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong thời điểm dịch bệnh, nhiều sàn TMĐT đã phát triển các dịch vụ mới, cung ứng, giao hàng nhanh. Đồng thời kết nối, hỗ trợ nông dân, người sản xuất đưa nông sản, sản phẩm lên sàn, đến với người tiêu dùng. Các mô hình kết nối trực tiếp với nhà nông đã cắt bỏ các bước trung gian, hỗ trợ nông dân tối ưu chi phí, giúp người dân mua sản phẩm với giá tốt hơn. Lazada tái kích hoạt gói kích cầu kinh tế hỗ trợ người bán chuyển đổi số trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4. Lúc cao điểm bùng phát dịch bệnh, doanh nghiệp này tổ chức kênh bán hàng bình ổn giá, đáp ứng nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.

“Doanh nghiệp tăng cường các kênh bán hàng bình ổn giá; phối hợp đưa các hàng thực phẩm thiết yếu cung cấp rau, củ quả… đến người tiêu dùng TP.HCM thông qua gian hàng bình ổn trên nền tảng,  đưa nông sản của nông dân lên sàn Lazada”, bà Lưu Hạnh, Giám đốc Truyền thông Lazada cho biết.

Đẩy mạnh đầu tư công nghệ cho logistics

TMĐT ở TP.HCM đang phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, hạ tầng logistics cho thương mại điện tử ở thành phố chưa đáp ứng được tốc độ phát triển, nhất là hệ thống kho lạnh. Trong đợt dịch bệnh vừa qua, hạn chế này càng bộc lộ rõ hơn. Hệ thống kho lạnh của thành phố chỉ dự trữ được 60.000 tấn thực phẩm tươi sống, cung cấp thực phẩm cho người dân khoảng 1 tuần, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu.

Để đáp ứng tốc độ tăng nhanh của TMĐT trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư cho logistics. Lazada tiếp tục nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng logistics. Riêng TiKi đang đầu tư phát triển nhiều kho lạnh trên địa bàn thành phố để tạo sự kết nối và tăng độ bao phủ; sử dụng robot để sắp xếp, lưu trữ hàng hóa ở kho.

“Chúng tôi  tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng gồm hệ thống kho bãi, đội ngũ vận hành, nhân viên giao hàng… nhằm đẩy mạnh hoạt động giao vận, phủ toàn bộ khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận. Năm 2022, chúng tôi hướng tới mục tiêu tự động hóa 50% hệ thống trung tâm vận hành và kho với kì vọng sẽ giúp TiKi rút ngắn thời gian giao hàng”, bà Bùi Thảo Anh - Quản lý quan hệ công chúng Tiki cho biết thêm.

Tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa 

Bên cạnh sự tiện lợi, TMĐT tai TP.HCM thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Đó là vẫn có trường hợp hàng hóa mua qua kênh TMĐT chưa đảm bảo chất lượng và nguồn gốc, xuất xứ. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Sở Công Thương TP.HCM đang đẩy mạnh việc kết nối để doanh nghiệp tham gia bán hàng trên các sàn TMĐT uy tín, đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát, xử lý những trường hợp bán hàng không đảm bảo chất lượng và nguồn gốc.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, Sở đang phối hợp chặt chẽ với Cục quản lý thị trường, Cục Thuế, Công an TP, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát và phát hiện các trường hợp vi phạm và sẽ xử lý. “Đặc biệt, tập trung việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, các giấy tờ chứng minh chất lượng, đảm bảo hàng hóa kinh doanh qua các sàn này phải đúng tiêu chuẩn”, ông Phương khẳng định.

Sau đại dịch Covid-19, nhiều người dân ở TP.HCM đã hình thành thói quen tiêu dùng mới, đó là mua sắm trực tuyến. Đây cũng là xu hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả các nền tảng TMĐT, cơ quan chức năng cần có những cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ hơn, tạo nên kênh tiêu thụ hàng hóa tốt cho người sản xuất, cung cấp hàng hóa chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Theo Lệ Hằng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên