Thương mại Việt Nam - Trung Quốc dự báo cán mốc kỷ lục 200 tỷ USD
Theo Bộ Công Thương, trong tháng cuối cùng của năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa phục vụ dịp lễ Tết của cả Việt Nam và Trung Quốc đều ở mức rất cao. Dự kiến, kim ngạch thương mại giữa hai nước có thể đạt 200 tỷ USD - mức kỷ lục từ trước đến nay.
- 03-12-2024Việt Nam lại sắp có thêm một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới
- 02-12-2024Bà Rịa - Vũng Tàu muốn xây khu thương mại tự do hơn 1.000 ha
- 27-11-2024Thủ tướng giao 2 bộ kiểm soát chặt hàng hóa nhập khẩu qua thương mại điện tử
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng qua, thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt con số cao chưa từng thấy, với 185,4 tỷ USD; mức này còn vượt cả kim ngạch năm ngoái gần 15 tỷ USD.
Đóng góp cho kim ngạch này, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 55,2 tỷ USD, giảm nhẹ 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này đạt 130,2 tỷ USD, tăng 29,7%, cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam nhập siêu khoảng 75 tỷ USD, tăng 67,7%. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng kim ngạch thương mại hai nước đạt 16,8 tỷ USD/tháng.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là nông, lâm, thủy sản. Trong 11 tháng qua, kim ngạch một số mặt hàng như rau quả đạt xấp xỉ 4,1 tỷ USD, tăng 28,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,7 tỷ USD tăng 22,3%; thủy sản đạt 1,4 tỷ USD tăng 23,2%...
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu hàng công nghiệp chế biến chế tạo có trị giá lớn như điện thoại, máy tính, linh kiện, sắt thép, xơ sợi và giày dép…Riêng giá trị những mặt hàng này đã chiếm gần 70% kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc.
TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương - đánh giá, hiện kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tương đối lớn. Tuy nhiên, hàng hoá nhập khẩu từ thị trường này chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu nên không quá đáng ngại. Hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là nguyên phụ liệu sản xuất có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Việc vận chuyển hai chiều lại gặp nhiều thuận lợi, do vị trí địa lý gần gũi nên doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên nhập khẩu từ thị trường này. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản, giá trị tuyệt đối không thể cao như nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.
Bộ Công Thương đánh giá, thương mại song phương 2 nước còn nhiều dư địa tăng trưởng, dựa trên nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định thương mại đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). Tới đây, khi ACFTA được nâng cấp sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư, thương mại…
Theo Bộ Công Thương, dù cuối năm, nguồn cung một số loại trái cây chủ lực giảm, nhưng nhu cầu trên thế giới tăng cao (đặc biệt là tại Trung Quốc) sẽ là động lực hỗ trợ xuất khẩu.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Bộ Công Thương đánh giá, hoạt động trao đổi thương mại hàng hóa 2 chiều vẫn sôi động trong tháng cuối cùng, nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của cả 2 nước. Dự kiến, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc có thể đạt 200 tỷ USD, là con số kỷ lục từ trước đến nay, tương đương với gần 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.
Tiền phong