Thưởng Tết: Người thưởng cao, kẻ bị ‘xù’ lương
Ở Bình Dương, những năm qua, nhiều công ty “ăn nên làm ra” chi tiền thưởng tết lớn cho người lao động. Tuy nhiên, một số công ty thưởng ít, thậm chí không thưởng khiến công nhân thấp thỏm chờ đợi.
- 29-11-2018Báo cáo việc trả lương, thưởng Tết Kỷ Hợi 2019 cho giáo viên
- 31-10-2018Thưởng Tết năm 2019 dự kiến thấp hơn 2018
Theo công bố của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, mức thưởng tết cho người lao động (NLĐ) năm 2018 cao nhất gần 200 triệu đồng/người nhận mức thưởng này thuộc doanh nghiệp FDI. Mức lương thấp nhất là 3 triệu đồng. Cụ thể, mức thưởng tết bình quân của các công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn là 4,3 triệu đồng/người; công ty cổ phần 10,6 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh 5,8 triệu đồng/người; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 5,9 triệu đồng/người.
Tại tỉnh Bình Dương, nơi có số lượng công ty và khu công nghiệp nhiều nhất nước, lao động làm việc tại đây rất đông. Do đó, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, vấn đề tiền lương, thưởng tại địa phương này được chú ý. Trong khi, nhiều công ty, xí nghiệp tại Bình Dương “ăn nên làm ra”, công nhân nhận được tiền lương, thưởng khá cao thì một số doanh nghiệp lại không thưởng, thậm chí “xù” tiền lương tháng cuối năm của công nhân.
Anh Minh (phải) và các đồng nghiệp chia sẻ về lương, thưởng tết
Anh Nguyễn Văn Minh (35 tuổi, quê Nghệ An) đang làm việc tại một công ty trong khu Công nghiệp Đại Đăng cho biết, lương của anh nếu tính cả tiền tăng ca dao động 4 đến 5,5 triệu đồng. Mức thưởng tết hằng năm khoảng 4 đến 5 triệu đồng, tương đương với 1 tháng lương. Tuy nhiên, “Tiền thưởng tết bên công ty tôi thì “hên xui”. Lãnh đạo công ty thưởng theo kiểu “ngẫu hứng” chứ không quy định rõ ràng. Đến sát ngày nghỉ tết, chúng tôi mới được nghe thông báo có được thưởng hay không”, anh Minh nói.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thảo (40 tuổi, quê Thanh Hóa) làm việc tại Công ty Tr.T.P có trụ sở tại thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương cho biết thêm, mặc dù công ty quan tâm đến đời sống công nhân, thậm chí ngoài chuyện lương thưởng hằng năm còn chi hỗ trợ mỗi công nhân ở trọ hơn 100.000 đồng/tháng. “Tiền lương hằng tháng, chỉ đủ để tôi trang trải cho sinh hoạt. Tôi còn bố mẹ già nhưng không hỗ trợ được gì, vì lương không dư. Mỗi dịp tết đến, tôi chờ đợi được công ty thưởng để làm lộ phí về quê”, chị Thảo chia sẻ.
Một số công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp ở Bình Dương cho biết, tiền thưởng tết đối với họ được ví như “cứu tinh” để có một cái Tết vui vầy bên gia đình. Anh Trương Đan Huy (đang làm việc tại một công ty trong khu Công nghiệp Việt Hương) tâm sự: “Những năm qua, cứ Tết đến tôi lại thấy buồn. Nhiều bạn bè làm việc tại công ty phát triển, họ được nhận thưởng cao, có tiền về quê tiêu xài. Riêng tôi, công ty không những không có thưởng còn “xù” lương tháng cuối và hẹn qua Tết vào thanh toán. Chúng tôi làm cả năm chỉ chờ đến Tết có tiền về nhà, bảo qua Tết thanh toán chẳng khác nào đẩy chúng tôi vào đường cùng”.
Tăng hỗ trợ cho nhiều đối tượng
UBND tỉnh Bình Dương vừa đưa ra kế hoạch dự toán kinh phí chi tiền Tết Kỷ Hợi 2019 là 211 tỷ 357 triệu đồng, tăng 20% so với năm 2018. Theo đó, năm nay, Bình Dương không mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng, chỉ điều chỉnh tăng mức chi cho 3 nhóm đối tượng.
Cụ thể, mức chi hỗ trợ Tết Kỷ Hợi 2018 như sau: Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, chồng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng: 4.000.000 đồng/định suất; Anh hùng lực lượng vũ trang: 3.000.000 đồng/định suất; Gia đình có từ 2 liệt sĩ trở lên: 2.500.000 đồng/định suất; Gia đình liệt sĩ, gia đình có 1 liệt sĩ, cán bộ lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa, thương binh 1/4, 2/4: 2.000.000 đồng/định suất; Thương binh 3/4, 4/4: 1.800.000 đồng/định suất; Bệnh binh 1/3, 2/3: 1.700.000 đồng/định suất.
Cán bộ công chức, viên chức thuộc khu vực hành chính sự nghiệp do cấp tỉnh, huyện quản lý và cơ quan Đảng đóng trên địa bàn tỉnh, huyện, thị, thành phố; Cán bộ công chức thuộc các cơ quan hành chính do Trung ương quản lý đóng trên địa bàn; Lực lượng vũ trang thuộc tỉnh quản lý; Cán bộ công chức và không chuyên trách cấp xã được nhận: 2.000.000 đồng/người.
Công nhân trực tiếp làm công tác vệ sinh, thu gom rác ngày Tết: được nhận 4.000.000 đồng/người; Hộ nghèo: 1.500.000 đồng/hộ; Cán bộ ấp, khu phố: 500.000 đồng/người; Viên chức thuộc ngành Giáo dục, Y tế làm việc xa nhà có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: 500.000 đồng/người; Trẻ em khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo, nạn nhân nhiễm chất độc da cam, nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng hưởng bảo trợ xã hội sẽ được nhận: 700.000 đồng/người. Công nhân lao động nghèo, không có điều kiện về quê ăn Tết: 500.000 đồng/suất.
Tiền Phong