MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương vụ mua 40 máy bay Airbus là đòn bẩy cho hợp tác Việt – Pháp

07-09-2016 - 16:28 PM | Xã hội

Đây là nhận định của Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao, trong cuộc trao đổi với báo điện tử Tri thức trẻ về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande.

- Tổng thống Pháp François Hollande đang thực hiện chuyến công du kéo dài 3 ngày tại Việt Nam. Ông là nguyên thủ Pháp đầu tiên thăm Việt Nam trong 12 năm qua. Chuyến thăm có ý nghĩa gì với cả hai nước?

- Với Pháp, Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung đang là trung tâm phát triển năng động của thế giới với rất nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh. Vị thế của Việt Nam trong ASEAN cũng như khu vực và trên trường quốc tế cũng đang ngày càng nổi bật. Các doanh nghiệp Pháp sẽ nhìn thấy ở Việt Nam rất nhiều tiềm năng hợp tác.


Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao. Ảnh: Linh Anh

Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao. Ảnh: Linh Anh

Với Việt Nam, chúng ta bắt đầu triển khai đường lối đối ngoại, được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XII. Pháp là một trong 5 quốc gia thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có vai trò quan trọng trong khu vực và quốc tế. Ngoài ra, Pháp cũng là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam. Đón Tổng thống Hollande và làm sâu sắc hơn quan hệ với Pháp có ý nghĩa quan trọng không chỉ với việc triển khai chính sách đối ngoại mà còn thúc đẩy, tạo dựng môi trường hoà bình, ổn định, thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá và hội nhập quốc tế cho Việt Nam.

- Pháp là nước đứng thứ 3 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Chuyến thăm của ông Hollande diễn ra 3 năm sau khi Việt Nam và Pháp ký hiệp định đối tác chiến lược. Nó tác động như thế nào tới hợp tác song phương Việt – Pháp?

- Thứ nhất là về quan hệ kinh tế, thương mại, hàng loạt hiệp định và biên bản ghi nhớ về đầu tư giữa Pháp và Việt Nam đã được ký kết. Không chỉ dừng lại ở những hợp đồng mua bán máy bay trị giá nhiều tỷ USD, các doanh nghiệp Pháp còn nhìn thấy những tiềm năng lớn của Việt Nam, tạo động lực mở rộng đầu tư để sản xuất một số linh kiện, phụ tùng và gia tăng các hoạt động kinh tế, thương mại.


CEO Jetstar Pacific Lê Hồng Hà (phải) và CEO của Airbus (trái) ký hợp đồng mua bán máy bay A320 trước sự chứng kiến của Tông thống Hollande và Chủ tịch Trần Đại Quang (giữa). Ảnh: Reuters

CEO Jetstar Pacific Lê Hồng Hà (phải) và CEO của Airbus (trái) ký hợp đồng mua bán máy bay A320 trước sự chứng kiến của Tông thống Hollande và Chủ tịch Trần Đại Quang (giữa). Ảnh: Reuters

Theo quan điểm của tôi, những thoả thuận về kinh tế, thương mại vừa qua, bao gồm việc mua và thoả thuận mua 40 chiếc Airbus, sẽ có tác dụng đòn bẩy cho hợp tác sâu rộng hơn giữa hai nước. Sau chuyến thăm của Tổng thống Hollande, mối quan hệ Việt – Pháp nói chung và kinh tế, thương mại nói riêng, sẽ có bước chuyển lớn.

Ngoài kinh tế, Việt Nam và Pháp còn thúc đẩy nhiều mối quan hệ hợp tác khác như về pháp luật, giáo dục, y tế, văn hoá…. Đặc biệt, Việt Nam và Pháp cũng sẽ tăng cường hợp tác về an ninh - quốc phòng cũng như an ninh - an toàn hàng hải trong thời gian tới. Đó là những điều đưa mối quan hệ Việt – Pháp đi vào chiều sâu.

- Tuyên bố chung Việt – Pháp cũng đề cập nhiều tới hợp tác về lĩnh vực quốc phòng. Điều này gây tác động ra sao tới tình hình khu vực trong bối cảnh Biển Đông đang rất nóng. Hay nói cách khác, liệu hợp tác quốc phòng với Pháp có giúp gì Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền Biển Đông?

- Pháp là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về tiềm năng công nghiệp quốc phòng. Đại sứ Pháp tại Hà Nội, ông Jean-Noël Poirier, cũng từng nhấn mạnh Pháp sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng cũng như hợp tác để xử lý những thách thức và quan ngại chung trong khu vực và thế giới.

Về vấn đề Biển Đông, cả Việt Nam và Pháp đều chia sẻ nhận thức thượng tôn pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải cũng thực thi nghiêm chỉnh Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như ủng hộ lập ra Bộ quy tắc chung về Ứng xử trên Biển Đông (COC). Ngoài ra, việc thúc đẩy quan hệ Việt – Pháp sẽ góp phần duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Pháp có thể diễn ra trên nhiều lĩnh vực chứ không nhất thiết là các hợp đồng mua bán vũ khí. Trên thực tế, 90% vũ khí của Việt Nam có nguồn gốc từ Nga. Tuy nhiên, nếu Paris sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Việt Nam, chúng ta sẽ có thêm cơ hội lựa chọn để phục vụ mục đích bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.

Tôi xin nhấn mạnh, chính sách hợp tác quốc phòng của Việt Nam với Pháp hay bất cứ quốc gia nào, cũng chỉ nhằm mục đích bảo vệ tổ quốc mà không nhằm vào một nước thứ ba. Chúng ta hợp tác với tất cả các nước, trong đó có Pháp, là để đóng góp tích cực vào hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

- Theo đánh giá của ông, chuyến thăm của Tổng thống Hollande tác động như thế nào tới Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)?

- Quốc hội Pháp đã thông qua Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Là một nước lớn trong khu vực, việc Pháp thông qua hiệp định sẽ tạo tiền lệ tốt để các nước khác thông qua EVFTA và đưa vào triển khai. Đây là điều rất có lợi cho phía Việt Nam.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) bắt tay Tổng thống Hollande trong chuyến công du Việt Nam. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) bắt tay Tổng thống Hollande trong chuyến công du Việt Nam. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng, vẫn còn những khó khăn, nhất là vấn đề khủng bố, người di cư hay khủng hoảng lòng tin về thể chế. Nó tạo ra nhiều vấn đề nảy sinh xung quanh EVFTA. Quyết tâm của Pháp với Việt Nam là rất rõ nhưng Pháp cũng chỉ là một nước trong cộng đồng hơn 20 quốc gia EU. Vì vậy, để thúc đẩy EVFTA, Việt Nam cần tăng cường quan hệ và vận động các nước khác.

- Các thoả thuận và hợp đồng mua 40 chiếc Airbus đã được ký trong chuyến thăm của Tổng thống Hollande. Trước đó, các hợp đồng mua máy bay trị giá hơn 11 tỷ USD cũng đã được ký trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông đánh giá như thế nào về nhận định cho rằng các nguyên thủ hàng đầu thế giới cũng là những nhà bán hàng thượng đẳng?

- Trong bối cảnh hiện nay, ngoại giao luôn gắn chặt với kinh tế. Bên cạnh chính trị, nhà lãnh đạo nào trên thế giới cũng coi trọng thúc đẩy hợp tác, thương mại với các nước đối tác. Ngay cả với Việt Nam cũng vậy. Các nhà lãnh đạo của chúng ta cũng rất quan tâm tới các dự án hợp tác, nhất là những dự án quy mô lớn, vì nó có giá trị không chỉ về kinh tế, thương mại mà nó còn ý nghĩa chiến lược, làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác.

Ngoại giao đang ngày càng gắn chặt với phát triển. Nó cũng phù hợp với chủ trương chung của Việt Nam và thế giới là đưa ngoại giao ngày càng tới gần hơn tới công chúng cũng như sử dụng ngoại giao để phục vụ cho mục đích kiến tạo hoà bình và sự phát triển của mỗi quốc gia. Ngoài ra, nó cũng có thể tạo thêm công ăn việc làm và cải thiện cuộc sống của người dân.

Linh Anh thực hiện

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên