MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương vụ SASCO của ông Hạnh Nguyễn: Thu về nghìn tỷ từ hàng miễn thuế nhưng phòng chờ thương gia mới là “con gà đẻ trứng vàng”

27-04-2017 - 13:01 PM | Doanh nghiệp

Mặc dù doanh thu thua xa hai lĩnh vực bán hàng miễn thuế và kinh doanh TTTM, tuy nhiên nhờ biên lợi nhuận lên tới gần 50%, gần một nửa lợi nhuận của SASCO có được là từ hoạt động cung cấp phòng chờ thương gia.

Là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại tại sân bay lớn nhất cả nước với doanh thu trong những năm gần đây xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, nguồn thu của CTCP Dịch vụ Hàng không Tân Sơn Nhất - SASCO (SAS) cũng tương tự những đơn vị khác đến từ 3 hoạt động chính là kinh doanh hàng miễn thuế, bán lẻ tại trung tâm thương mại và dịch vụ phòng chờ thương gia tại sân bay.

“Con gà đẻ trứng vàng”

Theo báo cáo tài chính năm 2016 của SASCO, doanh thu của toàn công ty năm 2016 đạt gần 2.090 tỷ đồng thì 3 hoạt động kinh doanh chính đã chiếm hơn 1.630 tỷ đồng doanh thu, tương đương gần 80%. Trong đó, kinh doanh hàng miễn thuế tiếp tục là bộ phận đem về doanh thu cao nhất cho đơn vị này với quy mô trên 1.000 tỷ đồng, trong khi bán lẻ tại trung tâm thương mại và cung cấp dịch vụ phòng chờ - mỗi hoạt động đem về trên 300 tỷ doanh thu.

Tuy nhiên, mặc dù chỉ chiếm khoảng 15% tổng doanh thu nhưng hoạt động cung cấp dịch vụ phòng chờ thương gia mới thực sự là “con gà đẻ trứng vàng” cho SASCO khi mang về hơn 40% lợi nhuận. Mức lợi nhuận của bộ phận này thậm chí còn tương đương tổng mức lợi nhuận của kinh doanh hàng miễn thuế và bán lẻ tại các trung tâm thương mại.

Điều này cũng không khó lý giải khi bản chất của hoạt động cung cấp dịch vụ phòng chờ thương gia là hoạt động dịch vụ có biên lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với hai hoạt động còn lại đơn thuần là bán lẻ. Theo BCTC năm 2016, với hơn 300 tỷ đồng doanh thu thì hoạt động này đạt kết quả kinh doanh trên 148 tỷ đồng, tương đương với biên lợi nhuận xấp xỉ 50%, gấp gần 5 lần so với mức biên lợi nhuận 12 – 13% của kinh doanh hàng miễn thuế và bán lẻ.

Ngoài ra, lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không tăng mạnh trong những năm gần đây cũng tác động tích cực đến hoạt động này của SASCO - đơn vị vận hành hệ thống 9 phòng chờ hạng thương gia tại ga đi quốc nội và quốc tế phục vụ hành khách hạng thương gia, hành khách bay thường xuyên của Vietnam Airlines và 43 các hãng hàng không quốc tế khác.

Liên tục trong 3 năm gần đây kết quả hoạt động của bộ phận này cũng tăng liên tục không chỉ kết quả tuyệt đối và còn cả hiệu suất hoạt động. Trong khi doanh thu từ năm 2014 đến 2016 của hoạt động này tăng 45% thì lợi nhuận tăng hơn 87%, biên lợi nhuận từ mức 38% năm 2014 đã tăng lên 49% vào năm 2016.

Thậm chí so sánh giữa quy mô tài sản hoạt động và doanh thu đạt được, cung cấp phòng chờ hãng thương gia cũng đang là hoạt động có hiệu suất sử dụng tài sản cao nhất của SASCO. Riêng năm 2016, mỗi đồng tài sản được sử dụng cho hoạt động này đem về 5 đồng doanh thu, cao hơn khoảng 32% so với kinh doanh hàng miễn thuế.

Cứu cánh trong ngắn hạn

Theo báo cáo phân tích của CTCK Bản Việt (VCSC), triển vọng trong ngắn hạn của SASCO sẽ không tích cực do Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã hoạt động với công suất tối đa, khiến các lĩnh vực cốt lõi không còn nhiều cơ hội tăng trưởng.

Hiện sân bay Tân Sơn Nhất đã hoạt động với 111% công suất thiết kế và mặt bằng bán lẻ tại sân bay đã được sử dụng hoàn toàn, trong khi SASCO trên thực tế đã độc quyền lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế tại Sân bay Tân Sơn Nhất nhiều năm, nên việc tăng trưởng đối với lĩnh vực đem lại khoảng 50% doanh mỗi năm bằng cách tăng thị phần là điều không thể.

Sân bay này dự kiến cũng cần hai năm nữa mới nâng có thể công suất thiết kế từ 25 triệu hành khách lên 40 triệu hành khách mỗi năm, nên cách duy nhất lĩnh vực này đạt tăng trưởng theo VCSC là giá trị mua hàng trung bình mỗi khách phải tăng trưởng, tuy nhiên đây là yếu tố vốn không hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát SASCO. Bên cạnh đó, việc phát triển các dịch vụ hàng không giá rẻ khiến cơ cấu khách hàng đối với lĩnh vực bán lẻ của SASCO hiện cũng đang có sự phân hóa, các hóa đơn bán hàng trị giá dưới 200.000 đồng năm 2016 chiếm 60% tổng số hóa đơn của lĩnh vực thương mại, trong khi năm 2015 chưa đến 50%.

VCSC cho rằng, giải pháp để doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại tại sân bay lớn nhất cả nước cải thiện kết quả lợi nhuận sẽ là điều chỉnh cơ cấu sản phẩm trong lĩnh vực thương mại, cũng như tăng đóng góp doanh thu từ lĩnh vực cung cấp dịch vụ, vốn có biên lợi nhuận cao. Ban lãnh đạo SASCO cũng dự kiến sẽ giảm dần quy mô các lĩnh vực kinh doanh không mang lại hiệu quả, đồng thời mở rộng lĩnh vực cũng cấp dịch vụ phòng chờ thương gia - lĩnh vực mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Ngoài ra, với quyết định bổ nhiệm ông Johnathan Hạnh Nguyễn vào vị trí Chủ tịch SASCO thay cho bà Đoàn Thị Mai Hương mới đây, bộ mặt của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không này cũng kỳ vọng sẽ có sự chuyển biến đáng kể. Đặc biệt khi lĩnh vực hàng không và dịch vụ hàng không là những lĩnh vực ông Johnathan Hạnh Nguyễn từng thực hiện trước đây khi xây dựng lên đế chế hàng hiệu như ngày nay.

Tuyết Lan

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên