Thủy sản, dệt may, da giày sẽ hưởng lợi lớn sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực
CTCK Yuanta cho biết, ngành thủy sản sẽ hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực khi 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua EU sẽ giảm về 0% trong 3 – 4 năm (mức thuế nhập khẩu vào EU hiện tại khoảng 14%).
- 20-10-2018EVFTA: Cơ hội lớn cho nhiều ngành
- 19-10-2018Thủ tướng: Hoan nghênh DN châu Âu có tiếng nói để Hiệp định EVFTA sớm ký kết
- 18-10-2018Tín hiệu tích cực về EVFTA từ chuyến thăm của Thủ tướng
Vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu để chấp thuận ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến vào cuối năm 2018 và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn đầu năm 2019.
Theo đánh giá của CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN), EVFTA là một FTA thế hệ mới và khác với các FTA truyền thống mà Việt Nam đã từng ký kết, FTA với EU có quy mô cũng như độ phủ lớn hơn so với các FTA truyền thống. Cụ thể, bên cạnh những khía cạnh truyền thống như thương mại và đầu tư, EVFTA còn đề cập tới các khía cạnh khác như phát triển bền vững, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, quyền sở hữu trí tuệ,…
EVFTA sẽ loại bỏ hầu hết các dòng thuế giữa EU và Việt Nam. Khi Hiệp định có hiệu lực, thuế quan đối với 65% giá trị hàng hóa xuất khẩu từ EU sẽ được loại bỏ và phần còn lại sẽ được loại bỏ trong vòng 10 năm. Trong khi đó, 71% giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (84% các dòng thuế) vào EU sẽ được miễn thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, và tăng lên 99% trong 7 năm tiếp theo. Hiệp định sẽ mang lại những lợi ích to lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU. Theo số ước tính của Bộ Công thương, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 10 – 15% và xuất khẩu sang EU sẽ tăng từ 30 – 40% trong vòng 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU đạt 31,2 tỉ USD, tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 và nhập khẩu gần 10 tỉ USD từ thị trường này. Như vậy, Việt Nam xuất siêu 21,2 tỉ USD vào thị trường EU.
Điện thoại, máy tính và các linh kiện chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu vào EU 8 tháng đầu năm 2019, tiếp đến là các mặt hàng như giày dép, hàng dệt may, thủy sản, nông sản và gỗ, sản phẩm từ gỗ.
Theo đánh giá của Yuanta, thủy sản và dệt may, da giày được cho là những ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Ngành thủy sản sẽ hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực khi 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua EU sẽ giảm về 0% trong 3 – 4 năm (mức thuế nhập khẩu vào EU hiện tại khoảng 14%). Số liệu VASEP cho biết, 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đạt khoảng 6,4 tỉ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỉ USD và có thể cán mốc 1,6 tỉ USD trong năm nay.
Hiệp định sẽ có hiệu lực sau khi được Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam thông qua. Dự kiến sẽ thông qua vào thời điểm đầu năm 2019.