MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủy sản đóng hộp xuất khẩu lên ngôi thời Covid-19

27-03-2021 - 15:23 PM | Thị trường

Hình minh họa.

Hình minh họa.

Bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến Thương mại (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam) cho biết, dịch bệnh Covid, giãn cách xã hội trong hơn một năm qua khiến cho xu hướng tiêu thụ thủy sản ở các thị trường XK của Việt Nam thay đổi khá lớn. Trong khi thủy sản tươi, sống, đông lạnh điêu đứng vì Covid, thì các sản phẩm thủy sản có thời hạn bảo quản lâu, dễ chế biến lại lên ngôi.

Theo bà Lê Hằng, đó là lý giải cho mức tăng trưởng gần 9% trong XK thủy sản đóng hộp của Việt Nam trong năm 2020 với doanh số trên 331 triệu USD.

Với đà tăng trường trên, trong 2 tháng đầu năm 2021, mức tăng trưởng XK thủy sản đóng hộp còn đột phá hơn, tăng 42%, đạt gần 55 triệu USD, chiếm gần 6% tổng kim ngạch XK thủy sản. Các loài thủy sản đóng hộp XK chủ yếu gồm cá ngừ, cá nục, cá trích, cá sa ba, cá thu đao, ghẹ, tôm… Trong đó cá ngừ đóng hộp, đóng lon và đóng túi chiếm tỷ trọng lớn nhất 66%, thịt ghẹ đóng hộp chiếm 13%, cá nục chiếm 8%, tôm chiếm 1,6%, cá sa ba chiếm gần 2%...

Các sản phẩm cá ngừ đóng hộp, đóng lon gồm các loài cá ngừ vằn, vây vàng, mắt to ngâm dầu, ngâm nước, cắt khúc ngâm muối… Thịt ghẹ chế biến dạng thanh trùng, tiệt trung đóng lon cũng được xuất nhiều sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Autralia, Canada,Hongkong, Thái Lan…

Cũng theo bà Hằng, năm 2020 có 90 thị trường nhập khẩu thủy sản đóng hộp của Việt Nam, trong đó top 10 thị trường gồm Mỹ, Thái Lan, Đức, Ai Cập, Canada, Nhật, Pháp, Israel, Hongkong, Jordan chiếm 73% tổng XK. Trong đó, Mỹ chiếm tỷ trọng chi phối 38%.

Có trên 40 doanh nghiệp có sản phẩm thủy sản đóng hộp XK trong năm 2020, trong đó top 10 doanh nghiệp chiếm 84%, chủ yếu là các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ. Trong đó, top 3 doanh nghiệp gồm Highland Dragon chiếm 21% doanh số XK, Pataya chiếm 16% và Foodtech chiếm 11,5%.

Hai tháng đầu năm 2021, có 28 doanh nghiệp tham gia XK thủy sản đóng hộp, đóng lon và đóng túi ra thị trường thế giới. Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu chiếm trên 83% với khoảng 44,5 triệu USD. Trong đó, có 3 doanh nghiệp lớn nhất là Highland Dragon, Pataya và Đồ hộp Việt Cường, chiếm tỷ trọng lần lượt là 19,4%, 14% và 10%.

Có 55 thị trường nhập khẩu thủy sản đóng hộp Việt Nam 2 tháng đầu năm nay, trong đó top 10 thị trường chiếm trên 84% với trị giá khoảng 45 triệu USD. Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất (40%) nhờ có doanh số tăng mạnh gần 60% so với cùng kỳ.

Thủy sản đóng hộp xuất khẩu lên ngôi thời Covid-19 - Ảnh 1.

Top 10 thị trường xuất khẩu thủy sản đóng hộp của Việt Nam năm 2020-2021.

Nhận định về tình hình thương mại thủy sản năm 2021, bà Hằng cho rằng, ngoài sản phẩm đóng hộp, năm 2021, tình hình thương mại thủy sản sẽ vẫn bị tác động mạnh bởi đại dịch này, thậm chí đây vẫn là yếu tố chính chi phối xu hướng XNK thủy sản của Việt Nam.Trừ thị trường Đức, các thị trường còn lại trong top 10, như: Nhật Bản, Canada, Ai Cập, Australia, Thái Lan… đều tăng mạnh nhập khẩu cá hộp của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo bà Lê Hằng, Việt Nam vẫn có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho XK thủy sản Việt Nam hồi phục ở một số thị trường. Sau một năm DN thủy sản Việt Nam sẽ có thêm kinh nghiệm và sự linh hoạt thích ứng với biến động và thay đổi nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

Do vậy, XK thủy sản năm 2021 được dự báo sẽ có kết quả khả quan hơn năm 2020, ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng gần 5%. Trong đó, các sản phẩm thủy sản đóng hộp, đóng túi, đóng lon của Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng cơ hội trên các thị trường xuất khẩu, ít nhất trong nửa đầu năm khi dịch Covid -19 vẫn chưa được kiểm soát trên thế giới.

Theo Anh Vũ

Pháp luật Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên