MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủy sản nắm cơ hội thị trường Trung Quốc

04-04-2017 - 16:22 PM | Thị trường

Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam sau Mỹ, EU và Nhật Bản, cũng là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 4 thế giới.

Nhiều chuyên gia, doanh nhân Việt Nam và Trung Quốc cho rằng Việt Nam cần nắm cơ hội “Kinh doanh thủy sản thành công cùng thị trường Trung Quốc” tại cuộc hội thảo cùng tên do Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức ở Cần Thơ.

Cần lựa chọn đối tác

Một trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất hiện nay và chỉ xuất sang Trung Quốc là Cty TNHH Vạn Đạt, kim ngạch năm 2016 là 44 triệu USD. Tổng GĐ Lục Đông Thái bày tỏ, sang Trung Quốc có thuận lợi là đi được cả đường bộ và đường biển, tuy nhiên kiểm tra kháng sinh trên đường bộ còn yếu và đây là nỗi lo hiện nay, vì Trung Quốc đang yêu cầu chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc. Bên cạnh, tình trạng phản bội nhau giữa hai bên còn nhiều. Theo ông, xuất khẩu cần có hợp đồng rõ ràng để chia sẻ khó khăn mới bền vững.

Ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Cổ phần XNK Thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX), cho biết đã bán hàng sang Trung Quốc ba năm nay. Trung Quốc có sức mua rất lớn, sử dụng cá tra nguyên liệu gần giống với Việt Nam từ phi-lê đến phụ phẩm và nguyên con xẻ bướm. Kim ngạch xuất khẩu cá tra của CASEAMEX năm ngoái 30 triệu USD chủ yếu sang Mỹ và EU, năm nay đặt kế hoạch 35 triệu USD, chú ý phát triển thị trường Trung Quốc. Vấn đề lớn nhất của thị trường Trung Quốc là thanh toán, nếu xuất chính ngạch thanh toán ngoại tệ không đáng ngại, còn xuất tiểu ngạch thì thanh toán ngoại tệ không nhiều và dễ bị nợ.

Ông Cen Jian, Tổng thư ký Hội thương mại ngành thủy sản Hội công thương toàn quốc - đơn vị tổ chức Triển lãm thủy sản quốc tế Trung Quốc, đề nghị các doanh nghiệp nên xuất khẩu chính ngạch. Bởi vì, xuất khẩu chính ngạch sẽ quan hệ được với doanh nghiệp lớn có uy tín của Trung Quốc; còn xuất khẩu biên mậu (tiểu ngạch) hầu hết qua doanh nghiệp nhỏ, không an toàn, không phát triển được kinh doanh. “Xuất khẩu chính ngạch, làm ăn với doanh nghiệp lớn của Trung Quốc để có chiến lược thị trường, mới phát triển bền vững”, ông Cen Jian kết luận.

Đại diện Hiệp hội Thủy sản Sóc Trăng nêu hiện tượng thương lái Trung Quốc sẵn sàng mua tôm bơm tạp chất, cho rằng đó là nhu cầu của Trung Quốc, có đúng không? Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM Wang Zhenbao khẳng định: “Không đúng, đó là luận điệu của người làm ăn bất hợp pháp. Chính phủ Trung Quốc kiên quyết chống thương lái ra nước ngoài hoạt động bất hợp pháp”.

"Kim ngạch xuất khẩu cá tra đến ngày 15/2/2017 đạt 164 triệu USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thị trường Mỹ, EU, ASEAN giảm; thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, Brazil, Mexico tăng và Trung Quốc - Hồng Kong tăng nhiều nhất với 53,3%. Đến thời điểm này, thị trường Trung Quốc - Hồng Kông là lớn nhất, chiếm 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra" - Hiệp hội Cá tra Việt Nam.

Ông giải thích, chênh lệch thương mại giữa hai nước rất lớn nên Chính phủ Trung Quốc cho hoạt động biên mậu rộng rãi để cân bằng lại. Tuy nhiên, qua đó cũng nảy sinh nhiều nguy cơ, “doanh nghiệp Việt Nam và cả doanh nghiệp Trung Quốc đều gặp lừa dối, bị mất tiền, chúng tôi nhận được khiếu nại của cả hai bên rất nhiều”. Theo ông, để ngăn chặn, các doanh nghiệp cần lựa chọn đối tác có uy tín.

Chủ động nắm cơ hội

Bà Fu Jian Bing, Tổng thư ký hiệp hội thủy sản Yue Xi tỉnh Quảng Đông, cho biết tháng 6/2017, tổ chức Triển lãm Thủy sản Quốc tế Trung Quốc ở thành phố Zhan Jiang. Đây là thành phố ven biển gần EU nhất trên địa lý Trung Quốc, nổi tiếng với danh hiệu “thành phố tôm sú”.

Bà nói: “Chúng tôi chân thành mời các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, các nhà thu mua thủy sản và các doanh nghiệp bán lẻ cùng hội tụ ở Zhan Jiang, tham gia triển lãm thủy sản quốc tế Trung Quốc năm 2017”.

Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông Võ Hùng Dũng, nhận xét, thương nhân Trung Quốc chủ động sang Việt Nam mời tham gia triển lãm, tìm nguồn hàng cho thấy họ rất cẩn thận, tỉ mỉ. Rõ ràng, doanh nghiệp Trung Quốc cũng muốn mua bán chính ngạch, phát triển thương mại hai nước ổn định. Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt các cơ hội, chủ động làm quen với thị trường Trung Quốc, ngoài việc đã khá quen với thị trường Mỹ, EU.

Ông Dũng cho biết, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông những năm gần đây liên tục phát triển mạnh, năm 2011 mới chiếm 3% tổng kim ngạch, đến năm 2016 đã chiếm 17,8%. Xuất khẩu tôm cũng tăng đều liên tục. Đặc điểm của thị trường Trung Quốc là yêu cầu về chất lượng đa dạng từ thấp đến cao, thường là nơi “gỡ khó” cho thủy sản Việt Nam khi thị trường truyền thống giảm sút.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cty Wuhan Lanesync, hiện tại sản phẩm cá tra tại thị trường Trung Quốc chưa nổi bật, do thiếu tiêu chuẩn của ngành. Mới chỉ 15% nhà hàng Trung Quốc có món ăn cá tra, nhập khẩu chủ yếu theo đường tiểu ngạch và qua nhiều trung gian nên lợi nhuận thấp. Đặc biệt, thông tin giữa người mua và người bán chưa đối xứng.

Nhận định của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc có uy tín và tạo dựng thương hiệu cá tra Việt Nam, thì cá tra có thể xuất hiện ở 30% nhà hàng Trung Quốc. Nhu cầu cá tra tại thị trường này sẽ tăng 3 lần trong vòng 2 năm tới so với hiện tại. Cần chú ý, thị trường Trung Quốc đang đòi hỏi tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, không còn là thị trường dễ tính.

Theo nhóm cố vấn và nghiên cứu lương thực và kinh doanh nông nghiệp ngân hàng Rabobank: “Nếu 20 năm qua, Trung Quốc là nhà máy chế biến thủy sản hàng đầu thế giới, thì trong 20 năm tới, quốc gia này sẽ lột xác thành người tiêu dùng thủy sản khổng lồ”. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nắm lấy.

"Chịu ảnh hưởng bởi thay đổi môi trường trong và ngoài nước, ngành thủy sản Trung Quốc đang trong thời kỳ khó khăn về phát triển chuyển đổi mô hình, nhằm tìm ra lối đi tốt hơn, mở ra một con đường phát triển mới cho ngành thủy sản.

Hội thương mại ngành thủy sản kết hợp ngành công thương toàn quốc kiên trì tổ chức Triển lãm thủy sản Quốc tế Trung Quốc mang tính chất chuyên nghiệp nhất tại thành phố Zhan Jiang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, xây dựng một môi trường giao lưu, hợp tác, cùng thành công cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước." - Ông Cen Jian.

Theo Ngọc Duyên

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên