Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công liên tục được cải thiện
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trong những năm gần đây, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công liên tục được cải thiện. Nguyên nhân là do các giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra đã phát huy hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
- 14-05-2024Lúng túng quản siêu xe biếu, tặng
- 14-05-2024Liên Khương sẽ ‘lên đời’ thành sân bay quốc tế
- 14-05-2024Bà Rịa - Vũng Tàu tham vọng trở thành trung tâm kinh tế biển
Những con số ấn tượng và giải pháp toàn diện trên tất cả các lĩnh vực
Năm 2024, yêu cầu về các động lực thúc đẩy tăng trưởng tăng mạnh hơn, nhanh hơn , trong đó đầu tư công cũng vậy . Thứ trưởng nhận định như thế nào về tình hình giải ngân vốn đầu tư công hiện nay?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Đầu tư là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Trong đầu tư, chúng ta luôn quan tâm đến khía cạnh đầu tư công, bởi đây là phần chi tiêu của Chính phủ, có thể chủ động về mặt chính sách để thúc đẩy tăng trưởng. Đầu tư công cũng có tác động lan toả tới sự phát triển của các lĩnh vực khác trong ngành kinh tế.
Đầu tư công trong những năm vừa qua được Chính phủ rất quan tâm và đã có những hành động cụ thể trong chỉ đạo điều hành thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả cho thấy, trong những năm gần đây, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công liên tục được cải thiện. Cụ thể nhất là năm 2023, một năm đặc biệt với số vốn giải ngân đầu tư công rất lớn, tỉ lệ chúng ta đạt gần 95%. Đây là con số hết sức ấn tượng.
Còn năm 2024, ngay từ những tháng đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt về tăng cường các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả, 3 tháng đầu năm, chúng ta cũng đã giải ngân được một lượng vốn khá lớn, hơn 80.000 tỷ đồng và đạt tỉ lệ là hơn 13,7%. So với cùng kỳ năm ngoái, kết quả mà chúng ta đạt được cao hơn rất nhiều (năm ngoái chúng ta đạt hơn 10%), cao hơn cả về số tương đối và số tuyệt đối.
Câu chuyện thú vị ở đây là số tuyệt đối, bởi lẽ năm 2023 là năm có lượng vốn đầu tư công rất cao, cao nhất từ trước đến nay. Còn năm 2024 thì thấp hơn một chút, vì đã kết thúc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Lượng vốn để giải ngân trong năm 2024 thấp hơn khoảng gần 100.000 tỷ đồng. Thế nhưng, điểm đặc biệt ở 3 tháng đầu năm nay, số tuyệt đối giải ngân đầu tư công lại cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do các giải pháp mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra đã phát huy hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa rất lớn trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các giải pháp đã được thực hiện để thúc đẩy đầu tư công hiệu quả trong thời gian qua?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Chúng ta có thể thấy rằng, các giải pháp đã toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đầu tiên phải kể đến khâu thể chế. Rất nhiều cải cách, đổi mới trong thể chế được thực hiện. Đặc biệt, có những cơ chế mới, cơ chế đặc thù, trình các cấp có thẩm quyền, trình Quốc hội ban hành trong thời gian qua áp dụng cho các dự án quy mô lớn, dự án quan trọng.
Thứ hai là công tác chỉ đạo điều hành. Các giải pháp trong chỉ đạo điều hành những năm vừa qua mà Chính phủ áp dụng và triển khai hết sức quyết liệt. Từ 5 tổ công tác đôn đốc giải ngân nay đã trở thành 26 tổ, do các đồng chí bộ trưởng, thành viên Chính phủ làm tổ trưởng để đi đôn đốc triển khai, thực hiện. Ngoài ra, có rất nhiều nghị quyết, chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp trong chỉ đạo điều hành.
Thứ ba, giải pháp tôi cho rằng quan trọng nhất, đó chính là sự tự giác, sự quyết liệt ở các đơn vị, tổ chức, các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức, triển khai thi công các công trình. Chúng ta thấy được không khí làm việc trên công trường, như Thủ tướng vẫn thường nói là "thi công 3 ca 4 kíp", "vượt nắng mưa"…
Hầu như những trở ngại thông thường ở các công trường thi công đều có những giải pháp để vượt qua, để làm sao thi công nhanh nhất, tốt nhất và đạt khối lượng cao nhất, từ đó mức vốn giải ngân sẽ tăng theo. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng.
Cuối cùng là các giải pháp về mặt phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan Trung ương, địa phương trong việc xử lý các tình huống. Trong đầu tư công có vô vàn các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện, như điều chỉnh dự án, thay đổi các cơ chế chính sách, hay các giải pháp... Rõ ràng, một cơ quan không làm được, mà phải có sự phối hợp nhịp nhàng từ Trung ương đến địa phương. Mỗi một giải pháp hiện nay, mỗi một thay đổi điều chỉnh đều có những quy định cụ thể, rõ ràng và phải thực hiện các quy trình đó. Điều quan trọng nhất là phải nhanh thì chúng ta mới có thể làm cho quá trình đầu tư công không bị ngắt quãng.
Cần phản ứng nhanh, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh
Mục tiêu của năm nay là tỉ lệ giải ngân vốn đầu công đạt 95%. Dù chúng ta đã có kinh nghiệm thành công từ năm trước, nhưng đây vẫn là một con số thách thức. Nhiệm vụ nào sẽ được chúng ta triển khai trong thời gian tới và sẽ có những giải pháp đặc thù nào không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Trong các báo cáo trình Chính phủ, Bộ KH&ĐT luôn tổng kết nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra để có những hành động, nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo trong thời gian tới.
Trong giải ngân vốn đầu tư công, chúng ta có rất nhiều bài học kinh nghiệm để có thể dễ dàng phát huy trong thời gian tới. Tôi cho rằng 4 giải pháp mà chúng ta vừa điểm qua về hiệu quả thì trong năm 2024 cần nhấn mạnh và nâng tầm lên cao hơn, hiệu quả hơn, để có thể phấn đấu đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm, nhưng để đạt được mục tiêu giải ngân hết được vốn đầu tư công, thì ngoài 4 giải pháp mà chúng ta đã thực hiện và phát huy tốt hơn, cần phải nhấn thêm một giải pháp nữa, đó là vấn đề xử lý các tình huống phát sinh đối với các dự án, đặc biệt là dự án lớn.
Hiện nay, Quốc hội đã có đoàn giám sát tối cao về tình hình triển khai các dự án quan trọng của quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, đấy là những dự án quy mô rất lớn, lượng vốn đầu tư đổ vào rất nhiều. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những tình huống phát sinh, từ khâu giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong các bước thủ tục đền bù cho người dân… Chỉ cần vướng một vài hộ gia đình là có thể ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Hay các điều chỉnh phát sinh, ví dụ như trong khảo sát thăm dò, thiết kế dự án phát sinh những yếu tố mà mà khi phê duyệt dự án chưa có được các thông số.
Tất cả các tình huống phát sinh như vậy cần phải làm nhanh, nếu không, dự án sẽ bị đình trệ, ngắt quãng và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Khó lường trước được tình huống của mỗi một dự án, nhưng tinh thần chung là các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án phải hết sức nhạy bén và linh hoạt trong các tình huống. Như vậy mới có thể đảm bảo được tiến độ.
Báo Chính phủ