MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền điện tử được coi là sản phẩm tài chính ở Nam Phi

22-10-2022 - 15:54 PM | Kinh tế số

Ngân hàng Dự trữ Nam Phi đã làm việc với các cơ quan quản lý khác để công nhận tiền điện tử là sản phẩm tài chính

Ngân hàng Dự trữ Nam Phi đã làm việc với các cơ quan quản lý khác để công nhận tiền điện tử là sản phẩm tài chính

Nam Phi đã phát đi thông báo về việc công nhận tiền điện tử là sản phẩm tài chính, nhằm giúp quốc gia này dễ dàng hơn trong việc giám sát các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Mới đây, Cơ quan quản lý tài chính Nam Phi đã công bố, tiền điện tử có thể được giao dịch cho các mục đích thanh toán, như một động thái để đưa tài sản này vào khuôn khổ pháp lý của đất nước. Tuyên bố được đưa ra khi các Chính phủ trên toàn thế giới đang tăng cường thúc đẩy điều chỉnh quy định cho thị trường tiền điện tử, nhằm bảo vệ người dùng khỏi các gian lận.

Cơ quan quản lý Nam Phi khẳng định, mặc dù tài sản tiền điện tử không được phát hành bởi ngân hàng trung ương, nhưng có thể được giao dịch, chuyển nhượng hoặc lưu trữ điện tử cho các mục đích thanh toán, đầu tư hoặc các hình thức tiện ích khác.

Ông Marius Reitz, Tổng giám đốc khu vực Châu Phi tại nền tảng tiền điện tử Luno nhận xét, các yêu cầu cấp phép sẽ thúc đẩy tiêu chuẩn cao cho ngành, đặc biệt là liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng. Các nhà đầu tư tiềm năng có thể dễ dàng xác định những nhà cung cấp nào đã đáp ứng các yêu cầu quy định. “Một lợi ích quan trọng khác, là nó sẽ cho phép các cố vấn tài chính chính thức tư vấn cho khách hàng của họ về các khoản đầu tư tiền điện tử”.

Global Web Index ước tính, tại Nam Phi có khoảng 15% dân số đầu tư vào Bitcoin (BTC) năm 2020. Ngành công nghiệp non trẻ đã chứng kiến sự sụp đổ, bao gồm cả sự sụp đổ của Mirror Trading International vào năm ngoái với tổng thiệt hại khoảng 1,2 tỷ USD. Ngân hàng Dự trữ Nam Phi đã làm việc với các cơ quan quản lý khác để công nhận tiền điện tử là sản phẩm tài chính, nhằm giúp họ dễ dàng hơn trong việc giám sát các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang cởi mở với tiền điện tử và bắt tay vào xây dựng, thực thi các quy định cho thị trường tiền điện tử, các doanh nhân và nhà đầu tư tại Hồng Kông cũng bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý thực hiện nhiều biện pháp hơn để hỗ trợ ngành công nghiệp này, nhất là khi có nhiều lo ngại về tình trạng suy giảm các hoạt động liên quan tới tiền điện tử tại đây, do sự không chắc chắn về quy định. Điển hình là một số sàn giao dịch đã rời đi và các nhà đầu tư không mặn mà với khu vực pháp lý thiếu tính ủng hộ, khác xa với Singapore hay Dubai.

Ông Padraig Walsh, đối tác của công ty luật Tanner De Witt tại Hồng Kông cho biết: “Đã có thời điểm Hồng Kông đứng vị trí hàng đầu trong lĩnh vực tiền điện tử và kinh doanh liên quan đến tiền mã hóa. Nhưng đến nay, vị trí này đã không còn và tôi nghĩ quy định ngặt nghèo là một phần quan trọng gây nên”.

Trước đó, Hồng Kông là nơi sản sinh ra một số công ty tiền điện tử và mã thông báo không thể thay thế (NFT) nổi tiếng nhất thế giới, nhưng cộng đồng đầu tư đã phải thất vọng khi các công ty không chắc chắn về lập trường quy định của khu vực đối với tài sản kỹ thuật số.

Yang He, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Aspen Digital, một công ty quản lý tài sản tiền điện tử có trụ sở tại Hồng Kông bày tỏ, rất nhiều người ở Hồng Kông đã dịch chuyển tài sản số của họ đến những nơi khác nhau.

Thông qua việc sửa đổi luật chống rửa tiền của thành phố, Hồng Kông đang tiến tới khuôn khổ quy định mới yêu cầu cấp phép bắt buộc cho các nền tảng giao dịch tiền điện tử. Điều này sẽ yêu cầu các công ty chỉ cung cấp các dịch vụ như vậy cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nghĩa là các cá nhân có danh mục đầu tư ít nhất là 8 triệu đô la Hồng Kông (1 triệu đô la Mỹ).

Tại cuộc họp của Hội đồng lập pháp giải quyết sửa đổi vào tháng 7, May Chan, lãnh đạo Cơ quan Tài chính và Dịch vụ Tài chính Hồng Kông lý giải, chính quyền lưu ý đến nhu cầu duy trì sự cân bằng giữa quy định và sự phát triển lành mạnh của tài sản ảo. Nhưng do tài sản ảo là một sản phẩm đầu tư tương đối mới lạ và có rủi ro cao, nên việc hạn chế các dịch vụ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp là một biện pháp thận trọng.

Tuy nhiên, ông Padraig Walsh cho rằng: “Nhìn vào các sàn giao dịch tài sản ảo, tôi không nghĩ việc có các chính sách phù hợp về chống rửa tiền và nắm bắt thông tin khách hàng là sai. Nhưng tôi cũng không nghĩ điều đó nhất thiết phải tuân theo logic rằng, các sàn giao dịch tài sản ảo chỉ có thể cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Có thể sự chưa cân bằng đã làm thất vọng mọi người trong cộng đồng tiền điện tử”.

Đến nay, những cộng đồng nhà đầu tư tiền điện tử đang mong muốn để khôi phục vị thế của Hồng Kông như một trung tâm tiền điện tử và một số người tin tưởng, có những lý do để lạc quan bao gồm việc nới lỏng các kiểm soát của Covid-19 đã áp dụng trong hai năm qua. Đồng thời, theo Forex Suggest, Hồng Kông còn là một trong những nơi có mật độ máy ATM tiền điện tử cao nhất trên thế giới, nhưng mức độ chấp nhận còn thấp so với mức thu nhập của thành phố, khi xếp hạng thứ 46 trên Chỉ số chấp nhận tiền điện tử mới nhất của Chainalysis.

Vẫn chưa quá muộn để Hồng Kông có thể thay đổi chính sách với những lợi thế về vị trí của mình, quan trọng là cơ quản lý khu vực nên bắt đầu tiếp cận theo một cách có mục tiêu hơn.

Theo Diễm Ngọc

Diễn đàn Doanh nghiệp

Từ Khóa:
Trở lên trên