MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiến độ cao tốc Bắc - Nam: Rút kinh nghiệm vấn đề nguyên vật liệu

Tiến độ cao tốc Bắc - Nam: Rút kinh nghiệm vấn đề nguyên vật liệu

Ba yếu tố tác động trực tiếp đến tiến độ dự án gồm: cơ chế, thủ tục; giải phóng mặt bằng; và nguồn cung cấp vật liệu.

Theo báo cáo từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đến thời điểm hiện tại, 12/12 tỉnh/thành phố có dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đi qua đã có văn bản thỏa thuận hướng tuyến, công trình.

Cùng với đó, 9/10 dự án đã có ý kiến Bộ Quốc phòng. Riêng dự án Hậu Giang-Cà Mau chưa có ý kiến của Bộ Quốc phòng về hướng tuyến đi qua các khu vực đất quốc phòng, dự kiến hoàn thành trước ngày 15/5 tới đây.

Bộ GTVT cũng cho biết, công tác khảo sát hiện trường địa hình, địa chất, thủy văn tại 12/12 dự án đã hoàn thành. Công tác lập hồ sơ khảo sát vật liệu và bãi đổ thải đang được các đơn vị tư vấn hoàn thiện, dự kiến trước ngày 15/5.

Khác với giai đoạn 1, để đảm bảo tiến độ thực hiện giai đoạn 2 theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành cơ chế theo thẩm quyền cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngay từ trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Nhờ vậy, Bộ GTVT đã rà soát, tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương theo từng giai đoạn tùy theo mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến, cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6 tới.

Các địa phương khẩn trương thực hiện các công tác liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công cuối năm 2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý 2/2023.

Đến nay, các ban quản lý dự án đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng, bàn giao cho địa phương 424,8 km/729 km.

Có thể thấy, tính từ thời điểm Quốc hội có chủ trương đầu tư, dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 có thời gian chuẩn bị thực hiện đầu tư dự án nhanh hơn rất nhiều so với dự án giai đoạn 1.

Bài học kinh nghiệm từ giai đoạn 1

Đặc biệt, rút kinh nghiệm dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, công tác khảo sát vật liệu của dự án giai đoạn 2 đã được chú trọng.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, vấn đề nguyên vật liệu của tuyến cao tốc Bắc – Nam được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây.

Theo Bộ GTVT, có 3 yếu tố tác động trực tiếp đến tiến độ dự án, bao gồm: Cơ chế, thủ tục; giải phóng mặt bằng; và nguồn cung cấp vật liệu. Trong đó, cơ chế, thủ tục của dự án là vấn đề đầu tiên, sau khi hoàn thành khâu này mới có thể triển khai dự án.

Vấn đề giải phóng mặt bằng gồm các công tác từ bồi thường đến xây dựng các cơ chế chính sách để hỗ trợ cho người dân, xây dựng khu tái định cư hay việc giải quyết các kiến nghị của người dân.

Và cuối cùng, không kém quan trọng là nguồn cung cấp vật liệu tác động rất lớn đến vấn đề tiến độ, chất lượng của dự án.

Dự án cao tốc Bắc – Nam được khởi công từ năm 2019, về công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản được xử lý xong nhưng nguồn vật liệu cho dự án còn rất nhiều vướng mắc.

Riêng dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 hiện đang thiếu gần 5 triệu m3 đất. Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đang vào cuộc cố gắng đến tháng 5 sẽ giải quyết toàn diện.

Bộ GTVT cũng đang lập đề xuất để Chính phủ trình cơ chế, chính sách lên Quốc hội về trữ lượng vật liệu,…

"Rút kinh nghiệm dự án cao tốc Bắc – Nam từ khi lập hồ sơ dự án thì song song với đó phải tiến hành điều tra về các mỏ vật liệu có thể cung cấp cho dự án", Thứ trưởng Thọ nói, đồng thời nhấn mạnh, trong đề cương nhiệm vụ phải giao cho Ban quản lý dự án, tư vấn về việc điều tra mỏ vật liệu.

Trong quá trình thực hiện phải có sự giám sát chặt chẽ tư vấn về việc điều tra mỏ vật liệu, tránh tình trạng khi thực hiện dự án bị thiếu hụt về vật liệu. Các địa phương phải cùng Ban Quản lý dự án cần nghiên cứu kỹ, tiến hành khảo sát và chốt lại về vị trí, trữ lượng quy mô để khai thác vật liệu cho dự án.

Từ số liệu khảo sát, giao Sở Tài nguyên Môi trường các tỉnh để xem xét lại các dự án này để trình lên UBND tỉnh.

Tránh trường hợp như dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 khi lập hồ sơ là có trong quy hoạch nhưng khi vào khai thác, trữ lượng lại không được như kế hoạch, Thứ trưởng nêu vấn đề.

Phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, trong đó đặc biệt là các địa phương về quản lý giá cả vật liệu như tình trạng găm hàng, ép giá,… để xử lý đúng theo quy định của pháp luật, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Theo Nguyễn Thắm

BizLive

Trở lên trên