Tiên phong chuyển đổi số, Viettel đặt nền tảng cho hệ sinh thái giao thông số
Là tập đoàn công nghệ đi đầu Việt Nam, Viettel không chỉ thực hiện các nhiệm vụ phục vụ cho vấn đề an ninh quốc phòng, phục vụ cho một số lĩnh vực khác như viễn thông, mà hiện nay Viettel bắt đầu tham gia phát triển các sản phẩm giao thông số.
Doanh nghiệp viễn thông đồng hành phát triển giao thông đất nước
Viettel luôn là doanh nghiệp đứng đầu cả nước về nộp ngân sách với mức trung bình hơn 40.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong những năm qua, Viettel đã đưa viễn thông-công nghệ thông tin (VT-CNTT) vào mọi lĩnh vực của đời sống, tạo ra sự bùng nổ lần thứ 2 trong lịch sử ngành VT-CNTT Việt Nam.
Viettel từng bước hình thành nền móng công nghệ cao với 2 mũi nhọn là công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp điện tử Viễn thông với việc nghiên cứu, làm chủ hơn 40 dòng sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí trang bị trên nhiều lĩnh vực… Bên cạnh đó, tập trung đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu công nghệ AI trong lĩnh vực xử lý tiếng nói, xử lý ngôn ngữ và xử lý hình ảnh, bảo đảm an ninh thông tin.
Không chỉ dừng ở đó, ngày 29/12/2020, Viettel đã chính thức khai trương dịch vụ thu phí không dừng (ETC) đường bộ tư động ePass. Tham vọng của Viettel là sẽ có 1,3 triệu khách hàng dán thẻ chỉ sau 15 tháng. Công ty sẽ tiếp tục phát triển công nghệ và các giải pháp mới để giúp bùng nổ thị trường nhằm đưa mật độ thâm nhập dịch vụ từ 26% lên 65%, sau 3-5 năm sẽ thay đổi vị thế của Việt Nam trên bản đồ giao thông thế giới.
Dịch vụ thu phí không dừng ePass cho phép khách hàng nạp tiền từ 40 ngân hàng nội địa, thẻ Visa, ví Momo và ViettelPay. Đặc biệt, khách hàng có thể sử dụng hình thức thanh toán trực tiếp khi qua trạm thông qua liên kết với tài khoản Viettelpay mà không cần phải nạp tiền vào tài khoản giao thông, đồng thời có thể hưởng các ưu đãi cũng như hệ sinh thái sẵn có của Viettelpay.
Thẻ thu phí không dừng ePass - chỉ là khởi đầu của một tham vọng
Theo thiếu tướng Lê Đăng Dũng-Quyền chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel: "Kể từ khi Viettel tuyên bố sứ mệnh của mình là tiên phong và chủ lực xây dựng xã hội số Việt Nam thì các lĩnh vực đầu tiên Viettel xác định phải đầu tư vào là chuyển đổi số cho giáo dục, y tế và giao thông". Bởi vậy ông cho biết, Tập đoàn không đặt nặng vấn đề lợi nhuận khi đầu tư dự án thu phí không dừng (ETC) mặc dù cần tới 27 năm để hoàn vốn, mà muốn xây dựng hệ sinh thái giao thông số cho người Việt Nam.
Ông Dũng cho rằng, "Lĩnh vực giao thông ở Việt Nam chưa thực sự có chuyển đổi số tiên tiến, còn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là bấp cập về tắc nghẽn, các thiết bị thông minh hỗ trợ cho người tham gia giao thông thì chưa được ứng dụng nhiều". Chính vì vậy, "nhu cầu đặt ra là phải thông minh hoá, tự động hoá, số hoá để hỗ trợ tốt nhất cho hệ thống giao thông vận hành một cách hiệu quả.".
Tới đây, VDTC sẽ phát triển dịch vụ để khi người lái vận hành một chiếc ô tô thì tất cả các quy trình như đỗ xe, trả phí, các cảnh báo, hỗ trợ xử lý vi phạm… sẽ được xử lý một cách thông minh, tự động. Ngoài ra thì hệ thống điều khiển giao thông như gắn kết với camera giám sát, đèn báo hiệu, các trung tâm giám sát, điều hành giao thông cần được trang bị hệ thống số hiện đại nhất, tự động hoá toàn bộ quá trình giám sát, điều hành hệ thống giao thông của Việt Nam.
Về lợi thế của Viettel khi đầu tư thông minh hoá hệ thống giao thông Việt Nam dựa trên nền tảng số, người đứng đầu Viettel khẳng định ngay: "tiềm lực công nghệ thông tin thì Viettel là công ty có thể khẳng định là mạnh nhất cả nước, chúng tôi đang thực hiện công cuộc chuyển đổi số cho các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Hệ thống giao thông thông minh cũng dựa rất nhiều vào các phần mềm, các nền tảng công nghệ hiện đại".
Chẳng hạn, với hệ thống Trung tâm dữ liệu ePass của VDTC là hệ thống sử dụng đa dạng các nền tảng công nghệ mới nhất hiện nay, có nhiều ưu điểm vượt trội so với hệ thống hiện hành. Cụ thể như hệ thống tính cước thời gian thực (OCS); Áp dụng công nghệ ảo hóa (Cloud) đảm bảo mức dự phòng cao cho hệ thống; Áp dụng công nghệ nhận diện hình ảnh quang học (OCR) giúp cho việc đăng kí sử dụng dịch vụ của khách hàng được nhanh và tiện lợi hơn. Áp dụng tự động hóa toàn trình việc thực hiện đối soát hàng ngày với BOT giúp giảm thiểu sự cố do yếu tố con người.
Bày tỏ về khát vọng của Viettel khi đầu tư vào hệ sinh thái giao thông số và dự báo tương lai gần, thiếu tướng Lê Đăng Dũng nói: "Tôi cho rằng đến năm 2025 thì xã hội số sẽ hình thành ở Việt Nam và tôi cũng tin tưởng rằng đến thời điểm này thì hệ thống giao thông Việt Nam sẽ là một hệ thống giao thông số thông minh, hiện đại.".