Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia Phạm Chi Lan nói gì về dự thảo 20 ngành nghề cấm tư nhân kinh doanh?
Đầu tháng 2, Bộ Công thương đã trình lên Chính phủ bản dự thảo mới nhất của Nghị định về hàng hoá, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại. Dự thảo này đang là chủ đề gây tranh cãi liên quan đến câu chuyện nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh.
- 11-02-2017Dự kiến có 20 ngành nghề cấm tư nhân kinh doanh
- 13-01-2017Kinh tế tư nhân, sức mạnh kinh tế Việt Nam
- 27-12-2016Doanh nghiệp tư nhân cần cơ chế công bằng và bình đẳng
- 24-11-2016Xổ số - kinh doanh độc quyền sao nước ngoài được tham gia?
Hoàn toàn phản cải cách
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét: “Những danh mục mặt hàng độc quyền nhà nước? Từ cái tên nó đã không đúng rồi”. Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, việc cho ra đời một bản danh mục hướng dẫn về độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại là phản thị trường, ngược lại với xu thế cải cách.
Mặc dù danh mục này được lấy cơ sở từ khoản 4, điều 6 của Luật Thương mại nhưng vị viện trưởng CIEM cũng khẳng định những quy định nào đã lỗi thời thì phải loại bỏ, phải thay đổi.
Tư duy níu kéo lại quyền cho doanh nghiệp nhà nước
Khi được hỏi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ bà rất buồn khi đọc dự thảo. Bà cũng hoàn toàn đồng tình với ý kiến của TS. Nguyễn Đình Cung, cho rằng dự thảo trên sẽ “trói” tinh thần cải cách mà Chính phủ đang thúc đẩy về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân làm động lực…
“Nếu coi tư nhân làm động lực quan trọng của nền kinh tế nhưng lại có tới 20 ngành nghề chỉ dành cho doanh nghiệp quốc doanh thì nghĩa ra làm sao? Trong đó, có những lĩnh vực tôi thấy là hoàn toàn chẳng mang tính chất nhạy cảm hoặc không có lý do gì thuyết phục để mà giữ lại cho doanh nghiệp nhà nước làm”, bà Chi Lan nói.
Mặt khác, bà Chi Lan cho rằng cách thức tiếp cận như vậy đang thể hiện tư duy của một số lãnh đạo vẫn đang “đặt một niềm tin quá mức” vào doanh nghiệp nhà nước.
“Cái gì họ cũng chỉ nghĩ là để cho doanh nghiệp nhà nước làm thì mới đảm bảo, trong khi cũng chính những doanh nghiệp này gây ra bao vấn đề cho kinh tế hiện nay. Đặt niềm tin thái quá vào doanh nghiệp nhà nước mà thực tế chưa kiểm soát được họ thì cách đặt vấn đề có đúng không?”, bà đặt câu hỏi.
Đối với lý lẽ đưa ra khi trình dự thảo là thực hiện Luật Thương mại, bà Chi Lan cho rằng “những thứ chưa thật sự đúng với tinh thần cải cách, cản trở phát triển thì phải ‘gạt’ đi”.
Mặt khác, vị chuyên gia này cũng chỉ ra rằng nếu dự thảo này được phê duyệt, nó sẽ làm cho thị trường kém minh bạch hơn, khi ở một số lĩnh vực, doanh nghiệp tư nhân hoặc ẩn mình thành “sân sau” cho doanh nghiệp nhà nước, hoặc phải trả giá rất “đắt” để “mua lại” quyền kinh doanh.