MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiến sĩ tại Mỹ chia sẻ góc nhìn về tự do tài chính: "Chúng ta phải tự trả lời các câu hỏi bằng trải nghiệm của bản thân mới tìm ra cách hiệu quả nhất với mình"

12-10-2021 - 08:15 AM | Sống

Tiến sĩ tại Mỹ chia sẻ góc nhìn về tự do tài chính: "Chúng ta phải tự trả lời các câu hỏi bằng trải nghiệm của bản thân mới tìm ra cách hiệu quả nhất với mình"

Luôn có những điều đáng tiếc khác nhau trong cuộc sống, rất nhiều người khi sắp đối diện với những vấn đề khó khăn về tiền bạc mới bắt đầu hối hận bản thân chưa từng quản lí tốt tài chính cá nhân. Nhận thức về quản lý tài chính cá nhân đúng đắn càng sớm, bạn càng bớt những lo lắng căng thẳng trong cuộc sống và sớm đạt được những mục tiêu của cuộc đời.

Mới đây, blogger nổi tiếng Chi Nguyễn đã chia sẻ về hướng giải quyết những lo lắng tài chính cá nhân trong một buổi livestream cùng chuyên gia tài chính cá nhân Nguyễn Tuấn Anh – Giám đốc Khối Dịch vụ đầu tư và Quản lý tài sản, công ty VNDIRECT.

Tiến sĩ tại Mỹ chia sẻ góc nhìn về tự do tài chính: Chúng ta phải tự trả lời các câu hỏi bằng trải nghiệm của bản thân mới tìm ra cách hiệu quả nhất với mình - Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình

Tiến sĩ giáo dục Chi Nguyễn là một trong những người Việt đầu tiên thực hiện các bài viết chi tiết, giải đáp các tranh cãi cũng như đưa ra quan điểm chi tiết về trào lưu tự lập tài chính, hướng tới nghỉ hưu sớm của người trẻ. Trong một bài viết chủ đề FIRE, Chi Nguyễn nhận định: "Một khi đã đạt được tự do tài chính, bạn không bị buộc làm bất cứ điều gì vì đồng tiền, vì miếng cơm, manh áo, bạn làm chỉ vì bạn thích thôi. Rất nhiều người trong chúng ta muốn điều này nhưng ít ai làm được..."

Nghiên cứu về tài chính cá nhân giúp tôi nhìn mọi việc thông tỏ hơn

Blogger Chi Nguyễn, đang là tiến sĩ giáo dục tại Mỹ. Chị chia sẻ rằng, bản thân đi du học sống nhờ học bổng, không phụ thuộc vào gia đình. Chi Nguyễn chia sẻ, gia đình chị không có điều kiện để sắp xếp và hỗ trợ tài chính cho con gái đi du học. Bởi vậy, bản thân chị và gia đình phải cố gắng rất nhiều để có thể thực hiện được ước mơ đi học ở nước ngoài.

"Mặc dù có học bổng nhưng rất hạn hẹp, sau khi trừ thuế, tiền thuê nhà và các chi phí khác thì chỉ còn một khoản rất nhỏ cho sinh hoạt cá nhân, nếu đổi ra tiền Việt thì chỉ 4 – 6 triệu đồng mỗi tháng.

Với số tiền eo hẹp đó, không có sự hỗ trợ của gia đình, tôi ý thức rằng mình phải học và biết cách quản lý tài chính cá nhân để có thể tiết kiệm được 900 đô tiền thuê nhà, để nếu có chuyện gì thì không bị đuổi ra khỏi nhà. Trải nghiệm khi tự lập tài chính ở nước ngoài cho tôi nhận thức khác hoàn toàn về tài chính cá nhân", blogger Chi Nguyễn bày tỏ.

Thời gian đầu sống và học tập tại Mỹ, Chi Nguyễn mất thời gian khá lâu để thích nghi với cuộc sống ở nước ngoài. Khi chưa sống theo lối sống tối giản, chị thường chi tiêu, mua sắm để xả stress và việc đó tốn rất nhiều tiền.

Bên cạnh đó, khó khăn tài chính lớn nhất là Chi Nguyễn phải vay một khoản tiền lớn để chi trả những chi phí học tập ban đầu bên ngoài học bổng. Ban đầu, Chi cho rằng, mình cứ đi học và tiết kiệm trả tiền lãi là ổn, tiền gốc để tới khi nào mình học xong, có công việc tốt thì sẽ trả dần. Nhưng rồi chị nhận ra đó là sai lầm lớn về tài chính. Khoản tiền Chi Nguyễn vay để đi học khá lớn, với thời gian học tập càng lâu, số tiền lãi nhân lên càng lớn. Khi chị không cố trả gốc trước, thì số tiền lãi cộng gốc sẽ nhân lên ngày một lớn và bản thân chị cũng khó biết được mình sẽ phải trả bao nhiêu tiền để hoàn tất khoản nợ đó.

"Tôi quyết định, mỗi tháng cần để tiết kiệm 100 đô để trả dần dần, rồi 200 USD… Dù chỉ là số tiền nhỏ, nhưng nó dần tạo ra động lực để tôi cố gắng làm nhiều hơn nữa. Chăm chỉ và cố gắng tìm ra các hướng làm việc khác nhau để tăng thu nhập, tôi cũng có thêm nhiều cơ hội mới, nhờ đó tôi được phát triển trí tuệ, thông minh hơn. Nghiên cứu về tài chính cá nhân giúp tôi nhìn mọi việc thông tỏ hơn. Khi có sự ghi chép, chi tiêu tôi cảm thấy tự do hơn nhiều, được quyền quyết định chi tiêu. Trước mỗi tháng tôi tính toán mình có bao nhiều tiền và chia ra từng khoản, dự trù trước chứ không phải tiêu rồi mới thấy tội lỗi", Chi Nguyễn chia sẻ.

Khó khăn nhất là thuyết phục bạn đời cùng cái nhìn giống mình. Các thành viên cùng gia đình cần có sự chia sẻ với nhau về tài chính, tiết kiệm. Quá trình chia sẻ lâu dài sẽ giúp nhân lên động lực. Nếu giấu giếm, không chia sẻ với con thì đối phương cũng thấy tránh né tiền, không nên nói đến.

Điều cần thiết nhất với tài chính cá nhân là khả năng phải tự tìm hiểu thông tin và xác nhận đúng sai

Tiến sĩ tại Mỹ chia sẻ góc nhìn về tự do tài chính: Chúng ta phải tự trả lời các câu hỏi bằng trải nghiệm của bản thân mới tìm ra cách hiệu quả nhất với mình - Ảnh 2.

Blogger Chi Nguyễn, Tiến sĩ giáo dục tại Mỹ.

Chi Nguyễn chia sẻ, độc lập tài chính nghĩa là không nhất thiết phải dựa vào công việc mà vẫn có thể sống. Khi đó bạn có thể tự do theo đuổi đam mê mà không quá áp lực bởi công việc, chuyện kiếm tiền để sinh sống. Bản thân Chi Nguyễn đã bắt đầu theo đuổi độc lập tài chính từ hơn 1 năm nay và lập kế hoạch trong 10 năm sẽ đạt được mục tiêu.

Chị chia sẻ, những trải nghiệm về khó khăn tài chính trong quá khứ trở thành động lực để chị vượt qua các trở ngại. Chị nghĩ ra nhiều hướng đi khác, tìm công việc mới để tăng thu nhập, giảm thời gian để làm được nhiều việc hơn…

"Tôi rất tâm đắc với lời khuyên về tài chính cá nhân rằng: Tài chính cá nhân 20% là có hiểu biết, 80% là có động lực. Bạn cần có động lực để duy trì việc theo đuổi mục tiêu trong thời gian dài/ Tôi lựa chọn cách chậm mà chắc, không lựa chọn cách làm giàu nhanh", Chi Nguyễn chia sẻ.

Chị khuyên người muốn tìm hiểu về quản lý tài chính cá nhân cần tìm hiểu và tiếp cận những nguồn thông tin có sự tổng hợp, nghiên cứu, theo dõi những người có chuyên môn tài chính và có tâm định hướng các bạn tới con đường đúng đắn.

"Chúng ta phải tự trả lời các câu hỏi bằng trải nghiệm của bản thân. Như vậy bản mới tìm ra cái hiệu quả nhất với mình. Tôi luôn luôn học những cái mới từ người khác để mở mang kiến thức của mình.

Mục đích lớn nhất là sự tự do để không phụ thuộc vào 1 công việc, 1 vị trí nào. Chủ nghĩa tối giản phù hợp với tôi vì tôi muốn giải phóng bản thân. Tôi cũng không muốn ở cố định nơi đâu. Sau khi đạt được FIRE tôi sẽ có thể sống ở các địa điểm khác nhau và làm được những thứ có ý nghĩa. Lối sống tối giản, tập trung vào những cái cần cho cuộc sống, sẽ thay đổi cuộc sống và góc nhìn về tài chính cá nhân”, blogger Chi Nguyễn chia sẻ.

Lưu Ly

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên