‘Tiếng nói’ kỳ lạ của vật thể sống đồ sộ nhất thế giới
Cây Pando là một quần thể gồm 47.000 thân cây có chung một hệ thống rễ. Ảnh: Getty Images
Giờ đây, chúng ta có thể nghe thấy lời thì thầm của một trong những sinh vật lớn nhất và cổ xưa nhất trên Trái đất.
- 19-05-2023"Cuộc cạnh tranh có tính quyết định thời đại" vừa bắt đầu, báo Mỹ đã vinh danh người chiến thắng: Trung Quốc
- 19-05-2023'Bánh mì quan tài': Món ăn nghe tên đã sợ, du khách vẫn nườm nượp tìm đến
- 19-05-2023Dầu mazut Nga chảy sang Trung Quốc nhiều nhất mọi thời đại
Vật thể sống lớn nhất trên thế giới hiện nay là khu rừng được tạo thành từ một cây dương lá rung duy nhất mang tên Pando (nghĩa là “Tôi lan rộng” trong tiếng Latinh). Nó là một quần thể gồm 47.000 thân cây (tất cả đều có cùng DNA) mọc lên từ một hệ thống rễ chung phủ khắp diện tích 40 héc-ta ở Utah, Mỹ.
Sau khoảng 12.000 năm tồn tại trên Trái đất, cây dương lá rung này dần phát triển thành một vật sống khổng lồ nặng đến 6.000 tấn.
Các thân của loài thực vật khổng lồ này phát triển tựa như những cái cây cao tới 24 mét.
Và mới đây, các chuyên gia đã ghi lại được “tiếng thì thầm” đầy ám ảnh của Pando từ sự rung rinh của hàng triệu chiếc lá vang vọng qua rễ của nó.
Ông Lance Oditt, người sáng lập dự án “Friends of Pando”, chia sẻ: “Phát hiện này thật đáng kinh ngạc. Mặc dù nó khởi đầu như một tác phẩm nghệ thuật, nhưng chúng tôi nhận thấy tiềm năng ứng dụng khoa học to lớn trong đó”. Ông Oditt giải thích rằng việc gió được chuyển đổi thành các rung động âm thanh và di chuyển qua tầng tầng lớp lớp rễ cây cũng có thể tiết lộ thêm về hệ thống thủy lực rộng lớn ẩn giấu dưới đất của Pando theo cách không cần xâm lấn.
Ban đầu, chuyên gia âm thanh Jeff Rice thử đặt một máy thu thủy âm trong hốc cây và luồn nó xuống rễ cây, nhưng ông không đặt hy vọng sẽ nghe thấy tiếng gì đó.
Tuy nhiên, khi đeo tai nghe vào, ông lập tức kinh ngạc vì một âm thanh yếu ớt đang vang lên. Giữa giông bão, âm thanh đó tăng lên. Thiết bị thu được tiếng ầm ì nhỏ kỳ lạ.
“Tôi nghĩ những gì bạn đang nghe thấy là âm thanh của hàng triệu chiếc lá, làm rung động cái cây và truyền qua các cành cây xuống đất”, ông Rice giải thích khi ông giới thiệu bản ghi âm tại Cuộc họp lần thứ 184 của Hiệp hội Âm học Mỹ.
Thiết bị thủy âm cũng thu được tiếng vang vọng khi gõ vào một cành cây ở khoảng cách xa 30 mét, mặc dù âm thanh đó không thể nghe được trong không khí ở khoảng cách kể trên. Điều này ủng hộ giả thuyết rằng hệ thống rễ của Pando được kết nối với nhau, song vẫn cần kiểm tra thêm để xác nhận rằng âm thanh không truyền qua đất.
Chuyên gia Jeff Rice nói: "Âm thanh rất hay và thú vị, nhưng từ quan điểm thực tế, âm thanh tự nhiên có thể được sử dụng để ghi lại sức khỏe của môi trường. Chúng là một bản ghi về đa dạng sinh học địa phương và chúng cung cấp một cơ sở đo lường trước sự thay đổi môi trường".
Hệ thống rễ lan rộng như vậy là đặc tính phổ biến ở các cây dương rung. Thế nhưng kích thước và niên đại của Pando đã làm cho nó trở nên độc nhất. Mặc dù cây dương lá rung có thể sinh sản qua hạt, nhưng chúng hiếm khi phát triển từ hạt vì quá trình thụ phấn ít xảy ra vì những cây dương lá rung lớn thường chỉ có một giới tính.
Đáng tiếc, cái cây khổng lồ này đang bị suy thoái, khiến các nhà nghiên cứu lo ngại rằng thời gian tồn tại của Pando có thể còn dài nữa. Các hoạt động của con người đang tác động rõ rệt đến sự sống của sinh vật lớn nhất Trái đất.
Báo Tin tức