MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước

Kinh tế TP HCM tăng trưởng khá và ổn định, tỉ trọng kinh tế TP trong kinh tế cả nước tiếp tục tăng, TP là đầu tàu kinh tế của khu vực và cả nước.

Kinh tế TP HCM tăng trưởng khá và ổn định, tỉ trọng kinh tế TP trong kinh tế cả nước tiếp tục tăng, TP là đầu tàu kinh tế của khu vực và cả nước

Trong 5 năm qua, mức tăng trưởng kinh tế TP HCM khá và ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 8,3%/năm, lực lượng lao động 4,7 triệu người. Tỉ trọng kinh tế TP trong kinh tế cả nước tiếp tục tăng, đến năm 2020 chiếm gần 23% GDP cả nước, định mức là đầu tàu kinh tế của khu vực và cả nước.

Nhiều kết quả quan trọng

Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cơ bản phát triển kinh tế dựa trên nền tảng mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, thể hiện qua cả 3 chỉ số: (1) Đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng liên tục qua các năm, năm 2020 ước đạt 42%; (2) Năng suất lao động của TP năm 2020 đạt 333,6 triệu đồng, đứng đầu cả nước, cao hơn 2,7 lần so với bình quân cả nước; tốc độ tăng năng suất của TP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 6,2%/năm, cao hơn giai đoạn 2011-2015 là 4,8%/năm và cao hơn bình quân giai đoạn 2016-2019 là 5,85%/năm; (3) Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được nâng lên, ICOR giảm từ 4,53 năm 2015 còn 4,31 năm 2020. Phát huy thế mạnh của trung tâm kết nối khu vực, cơ cấu kinh tế TP tiếp tục duy trì tỉ lệ hợp lý với khu vực dịch vụ liên tục giữ tỉ trọng lớn nhất trong GRDP. GRDP bình quân tăng liên tục qua các năm, đến năm 2020 ước đạt 6.799 USD, gấp 1,3 lần năm 2015 (5.104 USD) và gấp 2,3 lần so với cả nước…

Các ngành dịch vụ phát triển đúng định hướng, đạt kết quả cao cả về quy mô và năng suất, chất lượng, tăng trưởng bình quân đạt 8,3%; giá trị gia tăng dịch vụ chiếm hơn 33% giá trị tăng toàn ngành dịch vụ, đứng đầu cả nước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020 ước tăng bình quân 7,86%/năm, cao hơn cùng kỳ (6,92%/năm), giá trị gia tăng công nghiệp TP chiếm 16% toàn ngành, đứng đầu cả nước.

Ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, tập trung vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, kéo theo năng suất lao động tăng bình quân 21%/năm.

Về thị trường hàng hóa: Thương mại, dịch vụ đạt quy mô lớn, duy trì mức tăng trưởng khá; từng bước hình thành các cơ chế, chính sách hỗ trợ thị trường bán lẻ trong nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; sự phát triển của thương mại điện tử đang thành xu thế quan trọng trong các năm gần đây…

Tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước - Ảnh 1.

TP HCM đầu tư mạnh để phát triển hạ tầng Ảnh: HOÀNG TRIỀU


Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM là cần thiết

Tuy nhiên, tỉ lệ điều chỉnh ngân sách TP liên tục giảm qua từng giai đoạn, giai đoạn 2017-2020 giảm còn 18% làm cho TP thiếu nguồn lực tài chính để phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong thời gian dài; cơ chế, chính sách, đặc quyền ngân sách theo Nghị quyết 54 của Quốc hội chưa có điều kiện phát huy (nguồn vốn từ cổ phần hóa, bán nhà, đất của trung ương trên địa bàn, các loại phí mới...)…

Vì vậy, TP đã xây dựng đề án "Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030". Theo đó, TP đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách giữ lại lên 23% giai đoạn 2022-2025, 26% giai đoạn 2026-2030 (bằng với tỉ lệ điều tiết thời kỳ ổn định ngân sách 2 giai đoạn trước liền kề 2011-2016, 2007-2010) là cần thiết và cấp bách. Khi tỉ lệ điều tiết tăng từ 18% hiện nay lên 23%, tổng thu ngân sách nhà nước chuyển trung ương sẽ tăng thêm 39.599 tỉ đồng, tương đương 1,7 tỉ USD. Khi tỉ lệ điều tiết tăng từ 18% lên 26%, tổng thu ngân sách nhà nước chuyển trung ương sẽ tăng thêm 343.861 tỉ đồng, tương đương tăng thêm 14,76 tỉ USD.

Về mục tiêu xây dựng đề án, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho biết là nhằm đáp ứng nhu cầu vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ theo chuẩn quốc tế, hạ tầng thông minh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ… Qua đó, góp phần giải quyết các thách thức mà TP đang đối mặt.

Vừa qua, TP cũng đã lấy ý kiến của các bộ, ngành trung ương về đề án "Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030". Đa số ý kiến đều đồng tình, ủng hộ tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM.

Cụ thể, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết Ủy ban Kinh tế ủng hộ việc đưa tiền vào những vùng có động lực để tiền sinh sôi, nảy nở, tạo đà tăng trưởng. Hiện nay, hạ tầng giao thông nội đô của TP HCM cũng như liên kết với vùng phía Nam không bảo đảm cho phát triển, do đó rất cần thêm tỉ lệ ngân sách cho TP phát triển. Tăng mức ngân sách điều tiết cho TP để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế chung. Còn ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cũng đồng ý điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP, song song đó TP cần nỗ lực để có thêm nguồn lực phát triển.

Phát biểu tại cuộc họp mới đây với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết hiện nay TP chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, ảnh hưởng đến việc giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, hạt nhân của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong trường hợp TP suy giảm về kinh tế, cả nước sẽ bị ảnh hưởng và giảm số thu ngân sách nhà nước. "TP HCM luôn xác định các đột phá để phát triển trên cơ sở bám sát các đột phá của Đảng về thể chế, nhân lực, hạ tầng. TP không phải chỉ dựa vào nguồn điều tiết ngân sách để phát triển mà là đồng bộ các giải pháp, bao gồm cả tiền vốn, phát triển nguồn nhân lực, doanh nghiệp chủ lực, đất đai, chính sách, hoạch định chính sách…" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

Về cơ sở pháp lý của việc đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách, Bí thư Thành ủy TP HCM nói điều 74 Luật Ngân sách nhà nước quy định rõ: Căn cứ vào quy định của luật này, Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại và một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP HCM; một số tỉnh, TP trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. "Chính vì vậy, các đề xuất của TP HCM không vướng mắc về căn cứ pháp lý" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho rằng phương án tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM giai đoạn 2022-2025 lên 23% là khả thi. Việc tăng tỉ lệ điều tiết sẽ giúp TP cơ cấu lại kinh tế, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, tạo động lực cho TP phát triển, kết nối được với vùng kinh tế phía Nam và Tây Nguyên, lan tỏa sự phát triển kinh tế cho cả nước.

Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM nhưng tổng nộp về ngân sách trung ương sẽ tăng thêm chứ không phải giảm đi.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM NGUYỄN THIỆN NHÂN


Nhiều dự án đầu tư chờ vốn

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, việc đề xuất tăng tỉ lệ ngân sách giữ lại cho TP từ năm 2022 trở đi là cấp thiết bởi nhu cầu đầu tư vào các dự án hạ tầng đang rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, môi trường - những lĩnh vực tạo sự lan tỏa rộng và có ý nghĩa phục vụ người dân. TP hiện có nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực ưu tiên, có ý nghĩa tạo động lực mạnh cho phát triển hạ tầng nhưng nguồn lực còn hạn chế, dự án phải nằm chờ vốn.

Theo Trường Hoàng

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên