Tiếp viên trưởng Vietnam Airlines trên những chuyến bay cuối cùng vào tâm dịch: Tôi không dám nói với bố mẹ, chắc là lúc nào hạ cánh sẽ nhắn
Ngày 20/3, Nguyễn Tiến Đạt cùng phi hành đoàn bay sang Anh, thực hiện một trong những chuyến bay cuối cùng từ đây về Việt Nam.
Dưới tác động của dịch Covid-19, chúng ta đã chứng kiến không ít sự thay đổi. Đường xá vắng tanh; học sinh, sinh viên nghỉ học dài hạn; nhiều hàng quán đóng cửa; nỗi lo cắt giảm nhân sự treo lơ lửng trên đầu những người làm công ăn lương... Sự lo lắng len lỏi khắp mọi ngành nghề.
Ngay cả một ngành nghề luôn lọt top được ngưỡng mộ như tiếp viên hàng không cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí là đối mặt với nguy hiểm. Nếu một ngày bạn nhận tin hành khách trên chuyến bay của bạn dương tính với virus Corona thì sao? Nếu một ngày bạn nhận được nhiệm vụ bay đến vùng tâm dịch để đón đồng bào về nước thì sao?
Mỗi người đều sẽ có một câu trả lời cho riêng mình. Còn đây là câu trả lời của Nguyễn Tiến Đạt (Hà Nội), một tiếp viên trưởng trẻ tuổi của hãng hàng không Vietnam Airlines. Bởi vì hôm qua (20/3) với Tiến Đạt là một ngày đặc biệt, anh cùng với 15 đồng nghiệp bay sang Anh đón mọi người trở về.
Tiếp viên trưởng Nguyễn Tiến Đạt.
01
Tôi đã từng đắn đo và suy nghĩ rất nhiều về việc quyết định thực hiện chuyến bay này.
Tôi là tiếp viên trưởng nhưng cũng là một con người bình thường. Thế nên giống như mọi người, tôi có 2 luồng suy nghĩ tích cực và tiêu cực luôn song hành, chúng buộc tôi phải cân nhắc về quyết định của mình.
Tôi biết sẽ có người bảo đáng ra phải gật đầu không do dự. Nhưng bạn biết đấy, khi mà bạn biết chắc chắn sẽ đến một nơi nguy hiểm với nguy cơ lây nhiễm cực cao, khi mà có những đồng nghiệp của bạn đã dương tính với Covid-19, khi mà bạn sẽ phải đi cách ly 14 ngày lúc trở về thì đắn đo là điều tất yếu.
02
Tôi đã từng nghĩ đến việc báo ốm chỉ để được ở nhà. Dù suốt 8 năm đi bay, tôi chưa một lần làm vậy.
Khi quá nhiều bạn bè, người thân nói với tôi về việc không nên thực hiện chuyến bay sang Anh, tôi nghĩ đến phương án báo ốm. Báo ốm đồng nghĩa với việc tôi ở nhà, còn người khác sẽ thay tôi thực hiện nhiệm vụ.
"Ừ thì 8 năm qua mình đã làm việc nghiêm túc rồi mà, báo ốm một lần cũng có sao đâu...", tôi đã nghĩ vậy. Nhưng rồi lại tiếp tục: "Nếu mình không bay thì vị trí đó sẽ là của đồng nghiệp mình chứ chẳng phải ai khác". Nhiệm vụ công ty đã tin tưởng giao, tôi lại là một trong những tiếp viên trưởng trẻ, tôi muốn mình sẽ là người truyền năng lượng tích cực cho thế hệ tiếp viên mới.
03
Tôi đã từng nghĩ đến việc xin nghỉ không lương.
Khi mà số lượng các chuyến bay bị cắt giảm, việc nghỉ không lương chắc chắn sẽ đến. Những lúc như vậy, công ty khuyến khích các tiếp viên ai có nguyện vọng thì cứ nghỉ để nâng cao trình độ, nâng cao ngoại ngữ. Và nếu nghỉ, tôi sẽ không phải thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn dịch bệnh này.
Nhưng kể từ khi dịch bùng phát, số lượng tiếp viên, cán bộ của hãng đủ điều kiện bay còn rất ít, lúc này tôi không cố gắng thì ai sẽ là người cố gắng? Và thật ra, tôi còn cảm thấy mình may mắn vì vẫn có thể thực hiện nhiệm vụ bay, tức là mình vẫn còn an toàn.
04
Tôi đã từng có rất nhiều suy nghĩ tiêu cực.
Mọi người thấy tiếp viên hàng không đều là những người rất ưa nhìn, chỉn chu, đại khái là sạch đẹp nhỉ? Nhưng thực ra đi làm trên một chuyến bay đường dài khá mệt. Và bây giờ trong thời kì dịch bệnh, tiếp viên sẽ phải mặc đồ bảo hộ, đeo kính, mũ và khẩu trang suốt mười mấy tiếng, có thể còn không dám đi vệ sinh nữa.
Bên cạnh đó, đi bay vào vùng dịch thì khả năng nhiễm bệnh sẽ cao, sau chuyến bay là cách ly tới 14 ngày. Bay một chuyến mà mệt mỏi gấp bội như vậy, bay một chuyến mà có khả năng ảnh hưởng đến người thân như vậy,... đều là những suy nghĩ lo lắng, tiêu cực.
Thế nên cho đến tận giờ phút này, khi đã chuẩn bị lên đường tôi vẫn không thông báo với bố mẹ về chuyến bay của mình, các cụ thường hay lo mà. Nên chắc lúc đã hạ cánh, tôi mới nhắn tin cho bố mẹ. Nếu biết tôi đã an toàn thì bố mẹ đỡ lo hơn và mong là sẽ không bị mắng nhiều.
05
Nhưng sau tất cả, mọi cái "đã từng" của tôi đều bị thay thế bằng sự hy sinh.
Nếu việc tôi làm có thể đem lại hạnh phúc cho mọi người thì dù tôi có hy sinh gì cũng đáng. Đó là niềm vui của các em du học sinh sắp được về nước, là niềm hy vọng của gia đình các em ấy khi con mình sắp được an toàn, và niềm tự hào của công ty khi là hãng hàng không quốc gia thực hiện nhiệm vụ cao cả.
Mà không chỉ riêng tôi, có rất nhiều đồng nghiệp của tôi cũng vậy, kể cả các bạn nữ. Dường như ai cũng muốn được đóng góp sức mình, được giúp đỡ người khác khi dịch đang diễn biến phức tạp. Được làm việc cùng họ quả thực là một điều may mắn.
06
Trước chuyến bay, chúng tôi lập một group nhỏ để anh chị em chia sẻ kinh nghiệm và động viên nhau. Công ty cũng cung cấp đầy đủ đồ bảo hộ, khẩu trang, kính, nước sát khuẩn. Thậm chí cả những thứ nhỏ nhặt như mật ong, sả để tiếp viên giữ ấm và kháng khuẩn cổ họng. Hiện giờ những tiếp viên còn đủ điều kiện bay không nhiều nên mọi người đều nói mình là người may mắn vì không có F. Bệnh nhân Covid-19 có dương tính hay âm tính, tiếp viên chúng tôi có F hay không F.
Sang đến Anh, cả đoàn ở lại một đêm. Chúng tôi sẽ không được ra khỏi khách sạn, mọi sinh hoạt chỉ gói gọn trong đó thôi để hạn chế nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài. Theo dự kiến, tôi sẽ về Hà Nội vào ngày 22/3 và ngày sau đó là chuyến cuối cùng của hãng sang Anh.
Cả tuổi trẻ của tôi gắn liền với những chuyến bay, 10 năm qua cũng là quãng thời gian sung sức và nhiệt huyết nhất nhưng tôi vẫn luôn tin tưởng vào công việc của bản thân.
Và hôm nay là một ngày đặc biệt trong suốt chặng đường vừa qua. Tôi lao vào tâm dịch...
Trí thức trẻ