MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiết lộ lĩnh vực vào 'tầm ngắm' đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam

Theo đại diện USABC, các công ty Mỹ đang chứng kiến xu hướng tiếp tục mở rộng trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam trong các ngành bán dẫn, FMCG, đồ chơi, đồ nội thất, lương thực thực phẩm, kinh tế số, kinh tế số sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng và chăm sóc sức khỏe.

Lịch làm việc bận rộn

Theo thông tin từ lãnh đạo cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ đang có chuyến thăm Việt Nam (21-23/3). Trong ngày đầu tiên, họ đã có những cuộc gặp một số Bộ, ngành.

Dự kiến, chiều nay phái đoàn sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, và lãnh đạo nhiều Bộ, ngành khác để thảo luận về các vấn đề liên quan đến chính sách, cơ hội bán hàng, cung ứng và đầu tư. Chiều 23/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ tiếp phái đoàn doanh nghiệp Mỹ.

"Chính phủ Mỹ mong muốn hợp tác nhiều hơn với Việt Nam. Chuyến đi của các doanh nghiệp lần này thể hiện cam kết của Mỹ với thị trường Việt Nam vốn nhiều tiềm năng, cơ hội kinh doanh", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper nói tại buổi họp báo diễn ra chiều 21/3.

Tiết lộ lĩnh vực vào tầm ngắm đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam - Ảnh 1.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper (ảnh: TTXVN).

Ông Marc E. Knapper cũng nói, các cuộc họp đã được lên lịch với một số vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, điều đó cho thấy mức độ cam kết, hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ từ phía nước này.

Chia sẻ thêm về mong muốn, khuyến nghị của doanh nghiệp Mỹ khi đầu tư vào Việt Nam, ông Ted Osius - Chủ tịch USABC cho biết, Chính phủ Việt Nam rất có thiện chí khi gặp gỡ các thành viên và tìm cách giải quyết vấn đề.

"Chúng tôi mới chỉ có một ngày làm việc tại Việt Nam. Đã có một cuộc họp ngày 21/3, trong đó có 17 khuyến nghị được đưa ra. Cuộc họp sau có tới 40 khuyến nghị và chúng tôi đã nhận được câu trả lời cho từng vấn đề. Tôi nghĩ đây là điều không phải lúc nào cũng xảy ra”, ông Ted nói và cho rằng có một tinh thần sẵn sàng và sự quan tâm đến những cơ hội không chỉ là cam kết từ phía Việt Nam.

Ông Michael Michalak - Phó Chủ tịch cấp cao và Giám đốc Điều hành khu vực USABC - nói thêm, phái đoàn không chỉ nhận được phản hồi cho tất cả các đề xuất, mà hầu hết đều tích cực. Ông cũng nói điểm ông yêu thích đó là cách Chính phủ luôn luôn sẵn sàng cởi mở, đối thoại.

Nhiều lĩnh vực đầu tư được nhắm đến

Trả lời câu hỏi vì sao đầu tư của Mỹ vào Việt Nam thời gian qua vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng giữa hai nước, ông Ted Osius cho biết, mặc dù những năm đầu Mỹ đầu tư vào Việt Nam chỉ có vài triệu USD, song hiện tại đã lên hàng chục tỷ USD. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn của Mỹ.

“Chúng ta đang đi rất nhanh từ những cột mốc ban đầu. Các hợp tác sắp tới trọng tâm sẽ là kinh tế số, kinh tế sáng tạo và chuyển đổi năng lượng xanh. Doanh nghiệp Mỹ sẽ đóng góp nhiều hơn nữa trong lộ trình chuyển đổi đó”, ông Ted Osius chia sẻ.

Tiết lộ lĩnh vực vào tầm ngắm đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam - Ảnh 2.

Phái đoàn kinh doanh Mỹ sẽ do đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN làm trưởng đoàn (ảnh: NM).

Cũng theo đại diện USABC, các công ty Mỹ đang chứng kiến xu hướng tiếp tục mở rộng trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam trong các ngành bán dẫn, FMCG, đồ chơi, đồ nội thất, lương thực thực phẩm, kinh tế số, kinh tế số sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng và chăm sóc sức khỏe.

Một lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác liên quan tới an ninh quốc phòng cũng được đại diện USABC đề cập đến. Theo đó, doanh nghiệp Mỹ sẽ sẵn sàng tham gia hỗ trợ Việt Nam đa dạng chuỗi cung ứng về vấn đề này, cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế khác.

Đưa mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới

Về phía Việt Nam, phát biểu trong tiệc kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới là rất lớn; đồng thời sẽ mở rộng trên tất cả các khía cạnh về thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại thế giới.

“Việt Nam khuyến khích và ưu tiên thu hút FDI có chất lượng, có trọng tâm gắn với thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, tài chính - ngân hàng, y tế, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hạ tầng và môi trường”, ông Dũng nói.

Tiết lộ lĩnh vực vào tầm ngắm đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mong muốn thời gian tới doanh nghiệp Hoa Kỳ là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam (ảnh: VGP).

Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng, hai nền kinh tế Việt Nam, Mỹ có tính bổ trợ lẫn nhau và còn rất nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác và phát triển trong tương lai, đồng thời, những lĩnh vực như tôi đã nêu đều là những lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh.

“Tôi mong muốn thời gian tới doanh nghiệp Mỹ phải là nhà đầu tư số 1, nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng kỳ vọng, hợp tác đầu tư - thương mại hai nước sẽ không ngừng phát triển, tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, đồng thời là động lực để đưa mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới vì sự thịnh vượng chung.

Cũng trong chiều 21/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã tiếp Đoàn doanh nghiệp cấp cao của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN. Tại buổi làm việc, hai bên đã dành nhiều thời gian trao đổi cụ thể, thiết thực về các lĩnh vực cả hai cùng quan tâm như lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chuỗi cung ứng, logistics…

Các doanh nghiệp Mỹ phát biểu trong cuộc gặp đều khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và bày tỏ mong muốn hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; phát triển chuỗi cung ứng bền vững, đồng thời cam kết sẽ là đối tác và nguồn lực tin cậy trong việc thúc đẩy các mục tiêu và ưu tiên kinh tế chung.

Theo Hải Bình

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên