TikTok phải bán mình tại Mỹ?
Tương lai của mạng xã hội TikTok tại Mỹ trở nên mờ mịt sau khi Hạ viện tham gia cùng Thượng viện cấm sử dụng nền tảng này trên các thiết bị thuộc quản lý của họ.
- 08-12-2022TikTok ngày càng khó làm ăn ở Mỹ
- 04-12-2022TikTok là máy đánh bạc, là kẻ thao túng tâm lý, là người huấn luyện thú, còn chúng ta quá là ngây thơ
- 25-11-2022Mất việc trong cay đắng, cựu nhân viên Twitter, Facebook lên TikTok “kể tội” công ty cũ
Quy mô mạng xã h ội TikTok. Dữ liệu: ĐỖ DƯƠNG - Nguồn: OBERLO, DOT.LA - Đồ họa: TUẤN ANH
Chúng ta đang nói về một chính phủ, theo nhận định của cộng đồng tình báo của chúng ta, có ý định đưa việc sử dụng công nghệ toàn cầu và các chuẩn mực để ưu tiên các lợi ích và giá trị của mình.
Wall Street Journal dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Lisa Monaco, dù không đề cập tên nước nào.
Một số thông tin tiết lộ giới chức Mỹ đang thúc đẩy việc mua lại dịch vụ TikTok ở Mỹ để đảm bảo an ninh.
Ngày 27-12, Ủy ban Hành chính Hạ viện Mỹ thông báo lệnh cấm TikTok trên tất cả các thiết bị di động do Hạ viện quản lý "vì một số nguy cơ bảo mật". Theo đó, các nhân viên của Hạ viện sẽ bị cấm tải TikTok và phải xóa ứng dụng được tải xuống gần đây trên thiết bị cơ quan.
Thời gian qua, ngày càng nhiều cơ quan chính phủ Mỹ cấm cửa TikTok trên các thiết bị của họ. Nhưng không dừng ở đó, Nhà Trắng cũng đang tính toán thâu tóm luôn mảng dịch vụ tại Mỹ của mạng xã hội này.
Rủi ro an ninh
Trước đó, ngày 14-12 Thượng viện Mỹ đã thông qua một lệnh cấm tương tự. 19 tiểu bang, trong đó có Texas, Georgia, Maryland, South Dakota, South Carolina, Nebraska... cũng đã cấm. Quân đội Mỹ cũng đã loại ứng dụng này trên các thiết bị công. Dự luật chi tiêu mới trị giá 1.660 tỉ USD - được thông qua tuần trước để duy trì hoạt động của các cơ quan liên bang đến ngày 30-9-2023 - cũng bao gồm điều khoản cấm TikTok trên các thiết bị do liên bang quản lý.
Chính phủ Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để theo dõi người Mỹ và kiểm duyệt nội dung. Họ đã nhiều lần cảnh báo Bắc Kinh có thể buộc nền tảng này chia sẻ dữ liệu người dùng. "Chúng tôi có những lo ngại về an ninh quốc gia, bao gồm khả năng Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng nó (TikTok) để kiểm soát việc thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng", Giám đốc FBI Christopher Wray nói hồi tháng 11-2022.
TikTok đã ra tuyên bố "thất vọng" trước quyết định của Quốc hội Mỹ. Ông Michael Beckerman, người đứng đầu bộ phận chính sách công của TikTok tại châu Mỹ, trước đó đã nói những lo ngại về an ninh bị "cường điệu hóa" và rằng TikTok thu thập ít dữ liệu hơn các mạng xã hội khác.
TikTok khẳng định không chia sẻ dữ liệu với Bắc Kinh và đang nỗ lực chuyển dữ liệu người dùng đến các máy chủ ở Mỹ. Tuy nhiên, các nhân viên an ninh và chính trị gia Mỹ không tin TikTok có thể làm vậy.
Thực tế cho thấy mạng xã hội này vẫn còn những lỗ hổng bảo mật, như mới đây TikTok thừa nhận một số nhân viên đã truy cập trái phép dữ liệu để theo dõi các phóng viên. Họ cũng xác nhận một số nhân viên tại Trung Quốc có thể tiếp cận dữ liệu người dùng tại Mỹ, dù chỉ trong một số trường hợp hạn chế.
Kế hoạch thâu tóm
Theo các chuyên gia, dù động thái của các cơ quan Mỹ sẽ ít tác động đến người dùng TikTok trên thiết bị cá nhân nhưng sẽ làm dấy lên những lo ngại về rủi ro an ninh của nền tảng này. Đó là chưa kể nó cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến danh tiếng và doanh thu của TikTok. Mạng xã hội của Trung Quốc này ngày càng phổ biến tại Mỹ với khoảng 130 triệu người dùng, chủ yếu ở độ tuổi dưới 20.
Mới đây, truyền thông Mỹ đưa tin nhiều quan chức Nhà Trắng cho rằng các vấn đề có thể được giải quyết bằng việc mua lại mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ. Tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn tin cho biết đề xuất buộc TikTok bán mình đang được thảo luận ở Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ - cơ quan đã đàm phán với TikTok suốt hai năm qua về việc bảo vệ dữ liệu người dùng.
Các đại diện của Lầu Năm Góc và Bộ Tư pháp ủng hộ kế hoạch này, nhưng Bộ Tài chính lại lo ngại vấn đề này có thể gặp trở ngại ở tòa án và muốn tìm giải pháp khác. Những ý kiến ủng hộ cho rằng rủi ro an ninh chỉ được giải quyết khi tách ứng dụng này khỏi chủ sở hữu là Trung Quốc.
Trong khi đó, thống đốc sắp mãn nhiệm của bang Nebraska, ông Pete Ricketts, một thành viên Đảng Cộng hòa, cho rằng những lo ngại về TikTok ngày càng tăng kể từ khi ông quyết định cấm nền tảng này trên các thiết bị công từ năm 2020. "Hai năm trước là câu hỏi "Họ đang thu thập loại dữ liệu nào?" - ông nói - còn nay mối lo ngại là "Người tiêu dùng Mỹ đang xem những gì trên TikTok?"".
Tuổi trẻ