Tiktok và cơn khát sự nổi tiếng của những đứa trẻ khu ổ chuột Ấn Độ
Tại những khu vực nghèo khó ở thành phố Mumbai, số lượt theo dõi trên TikTok dường như đã trở thành một trong những loại tài sản có giá trị nhất mà các thanh thiếu niên có thể kiếm được và giúp họ đổi đời.
- 30-10-2019Sức hấp dẫn của Tiktok đối với giới trẻ dần đi vào dĩ vãng?
- 25-10-2019Ứng dụng TikTok của Trung Quốc lọt vào tầm ngắm của Mỹ
- 12-09-2019Đi du lịch chỉ để quay những video 15 giây: TikTok đang thay đổi cả ngành du lịch Trung Quốc như thế nào?
- 21-04-2019Làm cách nào TikTok trở nên giàu sụ mà không trả tiền bản quyền cho các nhạc sĩ, ca sĩ?
- 17-04-2019TikTok bị Google cấm cửa ở Ấn Độ sau một loạt lo ngại về nạn khiêu dâm và lạm dụng trẻ em
Faiz Khan, một sinh viên đến từ Wadala, Mumbai, Ấn Độ đã bắt đầu tham gia nền tảng chia sẻ video trên ứng dụng nổi tiếng TikTok từ một năm trước. Và giờ đây, tài khoản có tên Faisal Shaikh của anh đã trở thành một trong những ngôi sao trên nền tảng này, với hơn 15 triệu người theo dõi. Tuy nhiên mới đây, tài khoản của Khan đã bị khóa một tuần, sau một video có nội dung liên quan tới chính trị. Vì vậy, giờ anh cố gắng xây dựng các video với nội dung là các bài hát buồn, mà anh tin là nó hợp với mình.
"Ai mà chẳng phải trải qua những ngày tháng sau chia tay", anh nói với nụ cười hớn hở trên môi.
Giống như nhiều người dùng TikTok khác tại Ấn Độ, Khan đến từ khu ổ chuột Gharib Nawaz của Mumbai, thành phố đông dân nhất Ấn Độ. Anh sống cùng với cha mẹ và hai anh chị em của mình. Cha anh làm nghề lái xe, chắt bóp từng đồng để cho các con đi học. Ngoài giờ học, Khan làm thêm công việc bán hàng cho các chương trình, sự kiện. Đây cũng là nguồn thu nhập giúp anh có thể tự mua cho mình một chiếc iPhone, để bước chân vào thế giới TikTok.
Mỗi ngày, anh thực hiện 2 đến 3 video. Địa điểm quay là ở khắp mọi nơi tại Mumbai, từ các tuyến đường quanh khu Byculla, Wadala và các khu phố khác. Đây cũng là nơi đám đông thanh thiếu niên sử dụng TikTok tụ tập mỗi tối để xem video và cùng giúp nhau tạo nội dung mới. Khan tham gia cùng họ sau giờ học, sau đó về nhà để suy nghĩ ra các nội dung mới để thực hiện vào ngày hôm sau.
Tại một ngã ba đầy những thanh thiếu niên đang chơi TikTok, Ayan Sheikh, 18 tuổi, chào đón Khan bằng một câu hỏi cùng nụ cười nhếch mép: "Có bao nhiêu người?"
"400.000 lượt. Còn cậu?", Khan trả lời.
"Hơn 700.000", Sheikh đáp.
Những thanh niên này đang thảo luận về những người theo dõi họ trên TikTok. Ở Mumbai, số lượt theo dõi như một loại tiền tệ, là thước đo giá trị của những người trẻ tuổi này.
Faiz Khan, Ayan Sheikh (thứ hai và thứ ba từ trái sang) và những người dùng TikTok khác ở Mumbai.
Kể từ khi ra mắt ở Ấn Độ, cơn sốt TikTok đã càn quét cả quốc gia này, từ khu ổ chuột tới khu nhà giàu tại các thành phố lớn, đến đến các thị trấn nhỏ và những ngôi làng xa xôi. Hơn 200 triệu người dùng hàng tháng đã biến Ấn Độ thành thị trường màu mỡ của nhà phát triển Trung Quốc ByteDance.
Đối tượng chính của TikTok ở Ấn Độ là thanh thiếu niên và thanh niên ở tuổi đôi mươi, nói tiếng Hindi hoặc một số ngôn ngữ khác trong khu vực. Đây cũng là một trong các lý do chính cho sự phổ biến của ứng dụng này ở Ấn Độ, bởi mặc dù nó bị kiểm duyệt về nội dung chính trị, nhưng ứng dụng này vẫn có sức hấp dẫn tất cả mọi người, cho dù họ có mù chữ. Bởi cách giao tiếp chính trên TikTok là thông qua ngôn ngữ, video hơn là tin nhắn hay văn bản.
Các nhà quảng bá phim Ấn Độ cũng đổ xô vào ứng dụng này, trả tiền cho những người có ảnh hưởng ở mọi lĩnh vực, từ 3.000 rupee (43 USD) trở lên để quảng bá một bài hát sắp ra mắt, hoặc một bộ phim.
CEO Facebook Mark Zuckerberg gần đây đã cho biết ông ngạc nhiên trước sự tăng trưởng của TikTok, chỉ ra rằng ứng dụng này đang có sự khởi đầu rất tốt trong Mỹ và giờ gây sức ép cho cả Instagram ở Ấn Độ. Nhà phát triển ByteDance cũng đang có kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ USD vào Ấn Độ trong ba năm tới để khuếch trương ảnh hưởng. Hiện công ty đã chi 100 triệu USD để phát triển thị trường này.
Các thanh thiếu niên đang quay video TikTok trên đường phố Mumbai.
Nhưng vào tháng 7/2019, một nhóm 5 thanh thiếu niên Hồi giáo được gọi là Team 07 - bao gồm Faisal Shaikh, thần tượng của Khan - với tổng cộng hơn 65 triệu người theo dõi, đã đăng tải một đoạn video về vụ việc của Tabrez Ansari. Tabrez Ansari là một công nhân nhập cư người Hồi giáo, đã bị buộc tội trộm xe đạp và bị một đám côn đồ trói vào cột đèn, đánh đập dã man. Đoạn video ghi lại cảnh hành hung này sau đó được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Các nhà chức trách, bao gồm cả thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã lên tiếng về các video ủng hộ bạo lực như thế này. TikTok nhanh chóng cấm video và cả tài khoản của ba thành viên trong Team 07, bao gồm Faisal Shaikh. Các đối tác quảng cáo cũng nhanh chóng xóa các video, hình ảnh quảng cáo có Shaikh và các thành viên khác của Team 07.
Trước đó, TikTok từng có 3 tuần bị cấm ở Ấn Độ bởi bị chính quyền cho rằng ứng dụng này đang khiến trẻ em gặp nguy hiểm trước những kẻ tội phạm tình dục và khiêu dâm. Lệnh cấm này khiến TikTok mất đi khoảng 15 triệu người dùng. Do đó, các chính sách quản lý của TikTok giờ rất mạnh tay với các loại nội dung liên quan tới bạo lực hay chính trị.
Khan cho biết một video có sử dụng súng đồ chơi đã khiến tài khoản của anh bị đóng băng trong một tuần. Còn hai video tương tự của Ayan Sheikh, cũng đã bị xóa. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phát triển kênh và giữ lượt người theo dõi của các tài khoản TikTok.
"Tôi không muốn mất lượt thích, các nội dung và thời gian chỉ vì vấn đề chính trị", Sheikh nói. "Tôi không thể để tài khoản của mình bị cấm một lần nữa."
Nếu so sánh với Facebook và Google, nền tảng video của Trung Quốc có vẻ như rất tuân thủ các chính sách địa phương và đang được chính phủ Ấn Độ ghi nhận. Trong khi các công ty Mỹ tìm cách lách luật, ByteDance chỉ đơn giản là tuân thủ mọi yêu cầu, kể cả việc đặt các trung tâm lưu trữ ở Ấn Độ. Đại diện TikTok nói rằng "cần có một cách tiếp cận được bản địa hóa" cho người dùng ở những nơi khác nhau.
Một "trung tâm TikTok" ở Mumbai, nơi các thanh thiếu niên thường tụ tập quay video.
Cơn bão dư luận xung quanh vụ việc về Tabrez Ansari đã dịu lại. Môi trường TikTok cũng trở nên sôi sục trở lại. Team 07 và các thành viên của nó vẫn là niềm mơ ước của các thanh thiếu niên trẻ, vì sức ảnh hưởng của họ trên TikTok. Tuy nhiên, tất cả đã tỉnh táo hơn và tránh xa các nội dung liên quan tới chính trị. Nếu muốn nói lên quan điểm về một vấn đề gì đó, nhiều người sẽ chuyển sang dùng Instagram và các nền tảng khác.
Với nhiều người như Khan, khát khao được theo bước thần tượng Faisal Shaikh của mình vẫn luôn cháy bỏng. Bởi nó gắn liền với cơ hội thoát khỏi nghèo khó và trở thành ngôi sao.
Gần đây, Sheikh đã được mời đến một bữa tiệc của những người có ảnh hưởng ở Mumbai, nơi những người tham dự được tặng quà và cơ hội kết nối với các đồng nghiệp của họ. Vào tháng 5, sau khi lệnh cấm TikTok được dỡ bỏ, công ty đã tổ chức một cuộc thi kéo dài một tuần và trao giải thưởng hàng ngày lên tới 12.500 USD cho ba người dùng đăng video với hashtag #ReturnOfTikTok. Chiến dịch thu hút gần một tỷ lượt xem.
Và giờ đây, TikTok đang trở thành một công cụ để các thanh thiếu niên Hồi giáo thể hiện lòng trung thành với đất nước. Các video yêu nước, chẳng hạn như ca ngợi quân đội Ấn Độ, trở nên đặc biệt trong nhóm.
Tối tối, các nhóm thanh thiếu niên sẽ buộc hay tạo kiểu tóc thật đẹp, mặc đồ lung linh, xuống phố gặp nhau để cùng "lên TikTok" quảng bá bản thân.
Faiz Khan trong khu ổ chuột, nơi sinh sống của gia đình mình.
"Vì một số lý do, những Miyanbhais [một thuật ngữ chỉ người Hồi giáo] đang trở nên nổi tiếng hơn trên nền tảng này. Ví dụ như Madboy37, Little Danish, Shahrukh, Team 07... đều là Miyanbhais", Abdul Rafique Khan, 18 tuổi, nói.
Rafique là thành viên của một nhóm chơi TikTok có tên Team 37, được đặt tên mô phỏng theo Team 07. Anh nói: "Chúng tôi muốn trở nên nổi tiếng, nhưng chúng tôi không chạy theo đồng tiền".
Còn Faiz Khan, mặt khác, muốn sử dụng nền tảng này để trở thành một ngôi sao ca nhạc một ngày nào đó. "Sau khi tôi nhận được một số lượng người theo dõi phù hợp trên TikTok, tôi sẽ phát hành một bài hát trên YouTube", anh nói.