Tìm giải pháp gỡ ùn tắc đăng kiểm
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị không đóng cửa các đơn vị đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ để bảo đảm phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân và doanh nghiệp
- 10-05-2024Từ 15/6, xe được miễn đăng kiểm lần đầu phải trả khoản phí nào?
- 07-04-2024Giá xăng tăng cao ngất: 5 mẫu xe máy này được Cục Đăng kiểm xác nhận tiết kiệm xăng nhất Việt Nam
- 24-03-2024Số liệu Cục Đăng kiểm chỉ ra 5 xe gầm cao ăn ít xăng nhất: Mẫu dẫn đầu 2,2 lít/100km, "Sư tử Pháp" có mặt
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm chủ động tháo gỡ ùn tắc đăng kiểm có thể xảy ra thời gian tới.
Ùn tắc có xu hướng tăng
Trong văn bản báo cáo lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT cho biết theo số liệu thống kê thực tế và dự báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ quý III, quý IV/2024 một số địa phương như: Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, TP HCM... sẽ có nguy cơ bị ùn tắc phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm.
Đặc biệt, tại Hà Nội và TP HCM đã xuất hiện tình trạng ùn ứ phương tiện cục bộ tại một số thời điểm. Tình trạng này đang có xu hướng tăng do các tháng tới đây, khi các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm được đưa ra xét xử sẽ tác động rất lớn đến hoạt động kiểm định tại nhiều địa phương bởi hàng loạt đăng kiểm viên sẽ có nguy cơ bị kết tội bằng bản án (có 42 địa phương với 112 trung tâm đăng kiểm có các đăng kiểm viên bị khởi tố).
Theo thống kê, cả nước có 2.474 đăng kiểm viên nhưng hơn 900 người đã bị khởi tố. Trong số 1.818 đăng kiểm viên thực tế đang tham gia hoạt động kiểm định hiện nay thì 291 người là bị can. Đáng chú ý, trường hợp các vụ án đăng kiểm đồng loạt xét xử trong tháng 7-2024, dự báo sẽ có 91 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa trong thời gian 3 tháng, tức là đến hết tháng 9-2024 mới có thể hoạt động trở lại. Nguy cơ ùn tắc tại các địa phương là chắc chắn sẽ xảy ra và đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội, TP HCM và Đồng Nai.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho rằng không chỉ dừng lại ở nỗi lo mất người, điều đáng lo nhất là Nghị định số 30/2023/NĐ-CP quy định trung tâm đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ thì sẽ phải dừng hoạt động. "Trường hợp tất cả đăng kiểm viên hầu tòa bị kết tội, số trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội và TP HCM sẽ còn 2-3 trung tâm, ùn tắc đặc biệt nghiêm trọng có thể diễn ra tại đây" - ông Phương lo ngại.
Trình tự, thủ tục rút gọn
Bộ GTVT đánh giá sự việc xảy ra trong thời gian qua đối với lĩnh vực đăng kiểm là chưa có tiền lệ. Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết năm 2023 cả hệ thống mới bổ sung được khoảng 300 đăng kiểm viên mới. Tính cả năm 2024 và sang đầu năm 2025 sẽ có thêm gần 350 đăng kiểm viên mới được công nhận.
Tuy nhiên, số đăng kiểm viên bị khởi tố quá lớn (trên 900 người) trong khi để đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn một kỹ sư cơ khí trở thành đăng kiểm viên lại đòi hỏi rất nhiều thời gian. "Đến hết năm 2026, hệ thống đăng kiểm xe cơ giới vẫn chưa thể bù đắp được số lượng đăng kiểm viên đã bị thiếu hụt trong thời gian vừa qua" - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nhận định.
Theo quy định hiện hành, buộc phải thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và chỉ được xem xét cấp lại sau 36 tháng kể từ ngày bị thu hồi, dẫn đến thiếu hụt các trung tâm đăng kiểm gây thiệt hại lớn cho người dân. Bộ GTVT cho rằng cần được xem xét sớm sửa đổi, bổ sung quy định nhằm giúp hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới nhanh chóng đi vào ổn định, hạn chế các thiệt hại không đáng có cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Để kịp thời giải quyết vấn đề phát sinh trong thực tiễn đối với hoạt động kiểm định xe cơ giới trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu thiết thực của xã hội, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP của Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn và ban hành trong tháng 7-2024.
Trước đó, trong tờ trình gửi Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm kiến nghị Bộ GTVT trình Chính phủ đề xuất sửa đổi nghị định theo hướng loại trừ trường hợp thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên và tạm đình chỉ hoạt động của đơn vị đăng kiểm để tránh tình trạng các đơn vị đăng kiểm bị thiếu đăng kiểm viên và bị dừng hoạt động, gây thiệt hại không đáng có. Cụ thể, kiến nghị sửa đổi quy định theo hướng không thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên, không cấm hành nghề đối với các trường hợp hưởng án treo hoặc cho cải tạo không giam giữ. Kiến nghị không đóng cửa các đơn vị đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên đối với các vụ án đăng kiểm bị khởi tố trước thời điểm ban hành Nghị định số 30/2023/NĐ-CP, tức trước ngày 8-6-2023.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, đề xuất này nhằm xử lý tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm trong thời gian tới, giúp hệ thống đăng kiểm tránh bị đứt gãy, bảo đảm phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân; bảo đảm việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tránh tình trạng quá tải của các đơn vị đăng kiểm trong thời gian tới và các thiệt hại không đáng có cho xã hội.
32 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng
Theo quy định tại điểm b khoản 2, điều 11 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP, các trung tâm đăng kiểm sẽ bị đình chỉ 3 tháng nếu có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên do "bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới" trong vòng 12 tháng liên tục.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho rằng điều này sẽ khiến 91 trung tâm đăng kiểm tại 32 địa phương phải dừng hoạt động, dẫn đến cả nước có ít nhất 36 địa phương có nguy cơ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định, bao gồm: Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Giang, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Kon Tum, Lâm Đồng, Nam Định, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Trà Vinh và Tuyên Quang. Đặc biệt, sẽ có những địa phương không còn trung tâm đăng kiểm để hoạt động như: Bắc Kạn và Thái Bình... Việc này sẽ dẫn đến ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các địa phương khác do sự dịch chuyển phương tiện từ 36 địa phương trên là rất lớn.
TP HCM cấp tốc bổ sung đăng kiểm viên
Nhằm giảm thiểu nguy cơ ùn tắc đăng kiểm xảy ra trên địa bàn TP HCM trong thời gian tới, Sở GTVT TP HCM kiến nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát các quy định liên quan để có hướng dẫn cho các địa phương phương án cụ thể tổ chức duy trì hoạt động các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn, đặc biệt là những địa phương có các trung tâm phải tạm ngưng hoạt động. Cần có phương án củng cố, phân bổ, điều động nguồn nhân sự kịp thời nhằm bảo đảm duy trì hoạt động kiểm định tại đơn vị đăng kiểm còn lại. Hỗ trợ, hướng dẫn, phối hợp các trung tâm kịp thời sửa chữa, nâng cấp các thiết bị đo của chuyền kiểm định hiện có ở các trung tâm để đưa vào hoạt động, nhằm tăng số lượng chuyền kiểm định, tăng công suất kiểm định phương tiện.
Sở GTVT cũng kiến nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam xem xét tổ chức lớp tập huấn, đào tạo đăng kiểm viên cho 32 nhân sự (đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 30 năm 2023 của Chính phủ) đang làm việc tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô trên địa bàn thành phố (gồm Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn TNHH MTV: 28 nhân sự; Công ty CP Ô tô TMT Sài Gòn: 3 nhân sự; Công ty CP Hyundai Miền Nam: 1 nhân sự), tham gia lớp tập huấn đào tạo đăng kiểm viên do Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức.
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đề xuất Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát các quy định pháp luật liên quan, đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới để bảo đảm duy trì công tác đăng kiểm xe cơ giới ở các địa phương, giải quyết nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân trong thời gian tới.
Ý Linh
Người lao động