"Tín dụng đen" lại hoành hành
Lợi dụng tình hình dịch bệnh, "tín dụng đen" hoạt động rầm rộ trở lại với chiêu thức, thủ đoạn tinh vi hơn.
- 22-09-2021Triệt phá đường dây tín dụng đen với lãi suất "siêu khủng" lên đến 360%/năm
- 31-08-2021Bắt ổ "tín dụng đen" cho vay với lãi suất "cắt cổ"
- 30-06-2021Cô gái ưa nhìn cho vay "tín dụng đen" với lãi suất "cắt cổ"
Những ngày qua, Báo Người Lao Động nhận được nhiều tin nhắn cầu cứu của bạn đọc do bị "tín dụng đen" khủng bố tinh thần.
Từng có ý định tự tử
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, anh H.T.H (28 tuổi, quê Bình Phước) kể giữa năm 2019, anh tích cóp được ít tiền, thế chấp giấy tờ nhà đất ở ngân hàng để mua ôtô về TP HCM chạy taxi dịch vụ.
Đến giữa năm 2021, tình hình dịch Covid-19 ở TP HCM diễn biến phức tạp, nhiều tháng phải nằm nhà trong khi tiền lãi ngân hàng phải đóng đúng thời hạn. Không còn cách nào, anh H. đành liều tìm đến "tín dụng đen". Lúc đầu, anh lên website chuyên cho vay tiền để vay 8 triệu đồng với tiền lãi và gốc phải trả 1 triệu đồng/ngày. Thủ tục vay đơn giản, anh H. tiếp tục tìm đến nhiều website khác để vay chỗ này trả cho chỗ kia. Cứ thế, anh H. vay tiền online với tổng cộng 31 tài khoản, số tiền lên đến 250 triệu đồng. Khi không đủ khả năng trả nợ, anh H. liên tục bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin đe dọa, xúc phạm trên Facebook… Thậm chí, côn đồ còn tìm về nhà anh ở tỉnh Bình Phước để đe dọa người thân.
Một thanh niên bị các đối tượng in giấy “tìm con nợ” rồi dán trên cột điện để gây áp lực Ảnh: TÙNG CHI
Do liên tục bị khủng bố tinh thần, anh H. từng có ý định tự tử nhưng gia đình đã kịp thời phát hiện khuyên ngăn. Để thoát khỏi sự khủng bố, gia đình anh H. phải bán miếng đất ở quê cùng ôtô anh H. dùng chạy taxi dịch vụ để trả số nợ lên đến 500 triệu đồng (bao gồm tiền gốc và lãi). "Mỗi lần nhận tiền, họ đều cắt 10% chi phí trên tổng số vay. Tiền vay thì ít, tiền lãi thì nhiều. Một phút sai lầm khiến tôi phải trả giá rất đắt" - anh H. buồn bã.
Do cần tiền bán hàng online, chị N.T.A (30 tuổi, quê An Giang) được một phụ nữ giới thiệu vay 30 triệu đồng của một người tên T. (quận Bình Tân, TP HCM), lãi suất 9 triệu đồng/tháng. Thời gian đầu làm ăn được, chị A. đóng tiền lãi đều đặn nhưng sau đó thì mất khả năng trả nợ. T. giới thiệu cho chị A. vay tiền của 2 đường dây khác với số tiền 90 triệu đồng để xiết nợ. Chị A. vay 90 triệu đồng nhưng 3 tháng sau, tổng số tiền lãi và gốc lên đến 200 triệu đồng. Đến nước này, không thể trả nợ nổi, chị A. bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin và tìm đến phòng trọ đe dọa. Những ngày gần đây, chị A. phải qua nhà bạn lẩn trốn.
Vay 50 triệu đồng, chỉ thực nhận 45 triệu đồng
Trong vai người cần vay tiền để kinh doanh, chúng tôi liên hệ nhiều website chuyên cho vay trên mạng internet thì được "tư vấn" vay nhanh vì đang có ưu đãi cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hầu hết các website này rất chuyên nghiệp, thể hiện qua việc quảng cáo thương hiệu, chi tiết khoản vay, thời gian giải ngân, kèm theo đánh giá của người vay…
Chúng tôi liên hệ số điện thoại của website chuyên cho vay có tên MK., một người đàn ông tên H. hỏi lý do vay, số tiền vay… Sau khi hỏi dò về gia đình, nơi ở và nghe người vay nói làm thầu xây dựng, H. liền hỏi: "Anh cần vay bao nhiêu? Vay nhiều được ưu đãi lớn hơn". Khi nghe nói cần vay 50 triệu đồng để mua dụng cụ xây dựng, H. nhanh nhảu: "Anh cho tôi địa chỉ nhà để tôi cho đàn em xuống xác minh". Chúng tôi viện cớ không muốn gia đình biết chuyện vay tiền nên muốn xuống công ty H. để giao dịch trực tiếp, ngay lập tức, H. quát: "Muốn chết hay sao mà đòi xuống chỗ tôi?". Nhưng cũng ngay sau đó, H. nhẹ giọng trấn an sẽ giữ bí mật, chỉ cần cung cấp địa chỉ nhà để người của H. xuống tìm hiểu. "Ông không cần thế chấp gì cả, chỉ nhắn tôi địa chỉ nhà. Ông không cho địa chỉ, ông ôm tiền của tôi bỏ trốn thì sao?" - H. gằn giọng.
Cũng theo H., vay 50 triệu đồng thì lãi, gốc phải thanh toán là 1,5 triệu đồng/ngày trong vòng 42 ngày. Khi nhận tiền, người vay phải cắt lại 10%, tức là 5 triệu đồng tiền phí. H. giục chúng tôi vay tiền nhanh vì đang có ưu đãi.
Liên hệ website chovaytiennhanh.vn, một người đàn ông giọng miền Nam bắt máy bảo sẽ cho người gọi lại tư vấn. Khoảng 5 phút sau, nam thanh niên người miền Bắc gọi cho chúng tôi với giọng nhỏ nhẹ: "Tôi bên anh P. đây. Anh cần vay bao nhiêu?". Sau đó, người này hỏi chúng tôi từng vay tiền ngân hàng chưa, gia đình có bao nhiêu người, vay tiền để làm gì… Chúng tôi lấy lý do không thể cung cấp địa chỉ cửa hàng hoặc địa chỉ nhà vì sợ phiền phức, nam thanh niên liền nói: "Riêng về mặt pháp luật, chúng tôi không vi phạm. Ông muốn giữ bí mật với gia đình thì chúng tôi sẽ đáp ứng nhưng phải cho địa chỉ nhà. Chỉ cần địa chỉ thôi, tiền sẽ về túi ông ngay". Anh ta còn khoe công ty có nhiều chi nhánh, rải khắp các tỉnh, thành từ Bắc vào Nam, liên kết với các ngân hàng nên làm ăn rất uy tín. Với số tiền vay 100 triệu đồng, người này cho biết tiền lãi và gốc phải thanh toán là 5 triệu đồng/ngày, trả trong vòng 25 ngày. Chúng tôi than lãi cao, anh ta liền phân bua: "Vậy mà cao gì ông? Chúng tôi còn phải lo nhiều chi phí khác".
Hãy gọi ngay công an!
Vừa qua, Công an quận Tân Phú, TP HCM đã khởi tố, bắt giam Nguyễn Bỉnh Tuân (SN 1994, quê Hà Nội) và Nguyễn Bá Điệp (SN 1998) về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Trước đó, Công an quận Tân Phú cũng đã bắt nhóm Phạm Văn Huấn và Trần Đăng Lịch cầm đầu cho vay lãi nặng với mức lãi suất cho vay từ 240% đến 540%/năm. Đây là 2 băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi và lập website hoạt động "tín dụng đen" với lãi suất "cắt cổ".
Theo Công an quận Tân Phú, các đối tượng cho vay lãi nặng có rất nhiều chiêu trò để gài bẫy, người dân nên tránh xa các hình thức cho vay này. Khi cần tiền, nên tìm đến ngân hàng, các tổ chức tài chính được cấp phép hoạt động với lãi suất đúng quy định. Trường hợp bị các đối tượng đe dọa, đập phá đồ đạc, gây thương tích, bắt cóc, bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất (có thể làm đơn tố cáo hoặc điện thoại).
Người lao động