Tín dụng đen vây sinh viên: Không dễ xử lý
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, đối chiếu với quy định của pháp luật thì rõ ràng các trường hợp "hỗ trợ tài chính" cho sinh viên với lãi suất từ 20%-35%/tháng đều vi phạm.
- 14-11-2017“Bơm” mạnh tín dụng chính sách sẽ giảm hộ nghèo, đẩy lùi tín dụng đen?
- 07-08-2017Tín dụng đen bủa vây khắp các ngõ hẻm
- 28-06-2017Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cần xoá bỏ tín dụng đen
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện một số trường đại học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cho biết sẽ rà soát, kiểm tra tình trạng sinh viên vay mượn tiền bạc, dính vào tín dụng đen. "Chúng tôi sẽ khuyến cáo sinh viên không nên tham gia vay mượn bên ngoài như thế" - đại diện Trường Đại học Thái Bình Dương nói.
Diễn ra phổ biến
Theo thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ - Trưởng Công an TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - việc phát tờ rơi, dán quảng cáo giới thiệu các dịch vụ "hỗ trợ tài chính" và tình trạng vay mượn tiền bạc diễn ra rất phổ biến trên địa bàn. Qua xác minh, Công an TP Nha Trang đã ghi nhận có nhiều hình thức cho vay nặng lãi như cho vay 1 triệu đồng nhưng chỉ đưa 800.000 đồng, cho vay theo hình thức viết giấy tờ mua bán...
Quảng cáo dịch vụ "hỗ trợ tài chính" trước cổng ký túc xá sinh viên Nha Trang Ảnh: KỲ NAM
"Không dễ xử lý các trường hợp này vì phải có đủ nhân chứng, vật chứng, các giấy tờ ghi rõ số tiền vay, lãi suất... Theo luật, nếu cá nhân, tổ chức cho vay vượt quá lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước quy định đều vi phạm pháp luật. Chúng tôi đã triển khai cho các cán bộ công an cơ sở để kiểm tra, xác định những trường hợp cụ thể. Báo chí nếu nắm được trường hợp cụ thể nào thì cũng nên cung cấp để chúng tôi kiểm tra, xử lý nghiêm" - thượng tá Kỳ khẳng định.
Đề cập vấn đề này với phóng viên, ông Trương Xuân Cương - Đội trưởng đội Tham mưu - Điều tra tổng hợp Công an TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng - cũng thừa nhận tín dụng đen, cho vay nặng lãi tồn tại lâu nay trên địa bàn khiến nhiều người bức xúc nhưng rất khó xử lý. Nếu không có bằng chứng cụ thể các đối tượng cho vay với lãi suất cao hơn quy định thì không thể xử lý, trong khi các bên liên quan chỉ thỏa thuận miệng với nhau khi vay mượn.
"Trước mắt, chúng tôi thường xuyên yêu cầu công an các phường, xã vận động quần chúng nhân dân tháo gỡ những tờ quảng cáo, dọn sạch những tờ rơi giới thiệu để hạn chế tình trạng sinh viên, người dân tiếp cận thông tin này rồi vay mượn với lãi suất cao, cuối cùng sập bẫy. Nếu việc dán quảng cáo, phát tờ rơi vẫn tiếp diễn thì từ số điện thoại ghi kèm, chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt hành chính về hành vi quảng cáo trái phép" - ông Cường cho biết.
Rõ ràng là cho vay nặng lãi
Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa khẳng định đối chiếu với quy định của pháp luật thì rõ ràng các trường hợp mà phóng viên đã ghi nhận xung quanh các trường đại học, ký túc xá, khu nhà trọ sinh viên ở TP Nha Trang (cho vay với lãi suất từ 20%-35%/tháng) đều vi phạm. "Trường hợp lấy lãi suất đến 20%/tháng thì cơ quan chức năng có thể xử lý" - vị đại diện này nhấn mạnh.
Dịch vụ "cho vay tiêu dùng" len lỏi đến cổng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai Ảnh: HOÀNG THANH
Theo một cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tại tỉnh Gia Lai, khoản 1, điều 476 Bộ Luật Dân sự năm 2005 đã quy định lãi suất cho vay mà các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Nếu lãi suất cho vay gấp 10 lần mức lãi suất cơ bản thì có dấu hiệu của hành vi cho vay nặng lãi. "Với tiền lãi 4.000 đồng/ngày cho khoản vay 1 triệu đồng mà nhiều cửa hiệu cầm đồ ở Gia Lai áp dụng hiện nay thì tính ra lãi suất lên đến 0,4%/ngày, như vậy là đã cho vay nặng lãi" - vị cán bộ này phân tích.
Trong khi đó, viện dẫn Bộ Luật Dân sự hiện hành (2015), luật sư Nguyễn Tường Linh, Văn phòng Luật sư Hồng Hà (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa), cho biết điều 468 cũng quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (trừ trường hợp khác do luật liên quan quy định). Nếu các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 50% mức giới hạn nêu trên...
Luật sư Vũ Văn Biển, Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng, cho rằng các dịch vụ "hỗ trợ tài chính" cho sinh viên thường được rêu rao là lãi suất thấp nhưng thật ra rất cao, hơn hẳn lãi suất mà các ngân hàng áp dụng. "Chính quyền địa phương cần vào cuộc kiểm tra và có hình thức xử lý những dịch vụ tín dụng đen cho sinh viên vay tiền với lãi suất "cắt cổ", không hề hỗ trợ việc học tập của họ" - luật sư Biển đề nghị.
Vay mượn rất dễ
Ông Mai Văn Quý, Phòng Công tác học sinh - sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, cho biết đã nghe thông tin về việc sinh viên vay mượn tiền bạc ở bên ngoài dù chưa ghi nhận các trường hợp cụ thể. Theo ông, việc vay mượn giờ rất dễ, chỉ cần có CMND, nên rất khó quản lý. "Chúng tôi sẽ tìm hiểu sinh viên vay mượn thế nào, ảnh hưởng tới việc học tập ra sao" - ông cho biết.
Người lao động