Tín hiệu mới từ loạt dự án tỷ USD định hình đô thị trung tâm thành phố phía Tây Hà Nội
Thông tin lên thành phố cùng sóng đầu tư từ những tập đoàn hàng đầu trong nước và thế giới được kỳ vọng tạo ra một “thung lũng Silicon” của Việt Nam.
- 09-10-2023Việt Nam trước cơ hội mở khóa thị trường tiềm năng 600 tỷ USD với sự tăng trưởng của tầng lớp giàu có
- 09-10-2023Kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2023
- 09-10-2023Một chân trời mới đang mở ra, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa kỷ nguyên có thể cất cánh
Chính phủ vừa trình Quốc hội phương án lập hai thành phố trực thuộc Hà Nội gồm thành phố Bắc sông Hồng và thành phố phía Tây. Theo đó, thành phố phía Tây thuộc vùng Xuân Mai và Hoà Lạc, dự kiến có quy mô khoảng 251 km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Riêng đô thị Hòa Lạc là trung tâm về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao.
Mới đây, Hoà Lạc - đô thị trung tâm của thành phố phía Tây tương lai cũng đón nhiều tín hiệu mới về hạ tầng, đầu tư. Cụ thể, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) sẽ chính thức khánh thành cơ sở mới tại Hòa Lạc vào ngày 28/10 và đang thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác công nghệ quốc tế, trong đó có Samsung.
Chia sẻ tại buổi họp báo công bố kế hoạch triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 và Lễ khánh thành cơ sở hoạt động mới của NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Samsung dự kiến sẽ xây dựng phòng Lab chuyên dụng dành cho chương trình Samsung Innovation Campus ngay tại NIC cơ sở Hòa Lạc , không gian dành cho đổi mới sáng tạo lớn nhất Việt Nam.
Hồi cuối tháng 9, trong buổi làm việc với Tập đoàn Hàn Quốc Lotte, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chính thức kêu gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư công nghệ cao vào khu vực Hoà Lạc. Ngoài ra, từ 1/8, khu công nghệ cao Hòa Lạc được bàn giao nguyên trạng về Hà Nội quản lý, với chức năng khoa học công nghệ, tập trung các hoạt động đào tạo nhân lực, ươm tạo công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngoài các dự án đầu tư, Hoà Lạc cũng đón thêm thông tin hạ tầng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội cho biết, đường nối Hoà Lạc với Hoà Bình 5.200 tỷ đồng sẽ được khởi công vào sáng 10/10.
Cụ thể, dự án xây dựng, hoàn thiện tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long đoạn nối từ Quốc lộ 21B đến Cao tốc Hà Nội - Hoà Bình có chiều dài khoảng 6,7km, mặt cắt ngang rộng có mặt cắt ngang 120-180m. Dự án có điểm đầu tại nút giao hoa thị kết nối giữa Đại lộ Thăng Long với đường Quốc lộ 21 (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất); điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình tại vị trí giao với đường làng Văn Hóa, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất.
Bên cạnh đó, cuối tháng 9, Hội đồng Thẩm định Nhà nước đã phê duyệt kế hoạch thẩm định dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc (tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc). Dự án metro kết nối trung tâm Hà Nội với đô thị vệ tinh Hòa Lạc dài gần 39km, tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 65.404 tỷ đồng (2,7 tỷ USD).
Theo kế hoạch của TP Hà Nội, tuyến đường sẽ được đầu tư trong giai đoạn từ 2020 - 2025, được vận hành thử và bàn giao vào cuối năm 2025, nghiệm thu và thanh quyết toán trong hai năm 2026 - 2027.
Dự án đi qua các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Một phần tuyến sẽ chạy dọc theo khu vực trung tâm tập trung dân cư cao, đoạn tuyến còn lại đi qua các khu đô thị đang phát triển, đặc biệt là đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Hướng tuyến kết nối phía tây của thành phố với đô thị trung tâm, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô, đồng bộ di dời các cơ quan, trụ sở… và kéo theo phát triển kinh tế các huyện còn khó khăn để cùng phát triển.
Đô thị vệ tinh lớn nhất xung quanh trung tâm Thủ đô
Theo Quy hoạch chung đô thị Hoà Lạc, địa phương này sở hữu quỹ đất lớn lên đến 17.000 ha, dự báo dân số đến năm 2025 khoảng 150.000 người và đến năm 2030 khoảng 600.000 người. Hòa Lạc được đặt mục tiêu trở thành đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị được quy hoạch xung quanh trung tâm thủ đô , cùng với Xuân Mai, Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn.
Cụ thể, nơi đây định hướng là đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước; trung tâm đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề; trung tâm y tế, khám chữa bệnh, điều dưỡng… Hoà Lạc cũng sẽ là đô thị sinh thái - nghỉ dưỡng, đô thị khoa học - công nghệ theo hướng phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, tiết kiệm năng lượng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội.
Về giao thông, khu vực có đại lộ Thăng Long kết nối trung tâm thành phố với các huyện trên cùng các quốc lộ 21, 32, 6 và đường vành đai 3,5, đường vành đai 4 đang xây dựng. Ngoài ra, diễn biến mới về các dự án đường sắt đô thị số 2A, số 3 và số 5 được triển khai cũng đã tạo động lực cho sự phát triển chung của khu vực.
Đặc biệt, tại khu vực này còn có những khu chức năng, dự án cấp quốc gia như khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng nhiều khu, cụm công nghiệp thu hút được đông đảo nhà đầu tư.
Ngoài ra, nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp cũng dịch chuyển về phía tây, tạo thành địa điểm tập trung của hàng nghìn doanh nghiệp lớn, nhỏ trong và ngoài nước, từ đó hình thành làn sóng chuyển dịch về khu vực này để an cư.
Đơn cử như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel với 5 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.700 tỷ đồng; Tập đoàn Vingroup với 3 dự án, vốn đầu tư đăng ký 9.020 tỷ đồng; Tập đoàn FPT với 4 dự án, vốn đầu tư đăng ký 5.430 tỷ đồng; Tập đoàn VNPT có 2 dự án, vốn đầu tư đăng ký 3.765 tỷ đồng… Ngoài ra có dự án hợp tác với nước ngoài như Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) với 35 triệu USD vốn vay không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc…
Một khi Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã được bàn giao về cho thành phố Hà Nội từ 1/8 cùng với quy hoạch lên thành phố, hay sự hiện diện của những tập đoàn hàng đầu Việt Nam và nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới dự kiến tạo ra một “thung lũng Silicon” của Việt Nam.
Nhịp sống thị trường