MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công trình trọng điểm “tắc” vì một hộ dân

Một vụ án dân sự phân chia thừa kế được TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử năm 1988, nhưng đến nay đã 27 năm vẫn chưa thi hành xong.

Đây cũng là lý do khiến UBND TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) “tắc tị”, không giải tỏa xong 2.000m2 đất thuộc một dự án xây dựng công trình công cộng trọng điểm.

Theo UBND TP Bảo Lộc, năm 2005 đã có 212 hộ chấp thuận đền bù, di dời tới nơi ở mới thuộc dự án công viên hồ Đồng Nai.

Nhưng từ đó đến nay chỉ còn lại hộ bà Đinh Thị Trung (58 tuổi, ngụ P.Bảo Lộc) chưa di dời, không thống nhất phương án đền bù do vướng bản án được xử từ năm 1988.

Vướng mắc

Theo bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử ngày 16-8-1988, bà Bùi Thị Đằng (83 tuổi) được ủy quyền nhận thừa kế từ chị ruột là bà Bùi Thị Rịp (mẹ ruột bà Đinh Thị Trung) toàn bộ nhà, vườn cây và ba ao cá, tương đương diện tích 1.700m2 tại số 98 đường 28-3, P.1, TP Bảo Lộc.

Hiện nay là khu vực nằm trong diện tích giải tỏa dự án công viên hồ Đồng Nai. Ngoài ra, bà Đằng cũng phải thực hiện chi trả lại cho năm người cháu của mình (trong đó có bà Trung) một phần số tiền thừa kế theo quy định.

Bà Đinh Thị Trung cho biết đất của vợ chồng bà ở bản đồ số 08, diện tích tổng thể là 2.200m2 gồm tài sản gắn liền với đất, vườn cây ăn quả. Hằng năm gia đình vẫn đóng thuế với diện tích trên. Bà hoàn toàn không đồng ý với cách phân chia thừa kế từ bản án.

“Việc UBND TP Bảo Lộc đền bù cho vợ chồng tôi chỉ trên diện tích 494m2 là chưa thỏa đáng. Chi cục Thi hành án dân sự tự quyết định thi hành, chia thừa kế miếng đất của tôi cho nhiều người là sai trái. Chúng tôi yêu cầu đền bù thỏa đáng trên diện tích 2.200m2” - bà Trung nói.

Điều đáng nói là bản án phúc thẩm có hiệu lực năm 1988, nhưng tới 21 năm sau (từ năm 1988 đến tháng 6-2009) cơ quan chức năng chưa thi hành xong bản án.

Một trong những nguyên nhân là việc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng bàn giao lại bản án trên cho Chi cục Thi hành án dân sự TP Bảo Lộc (trước là Thi hành án dân sự thị xã Bảo Lộc) nhưng đơn vị này đã làm thất lạc.

Khi phát hiện và báo cáo cấp trên để thực hiện khôi phục hồ sơ, phải tới tháng 8-2008 các cơ quan liên quan mới bắt đầu thi hành bản án.

Một lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự TP Bảo Lộc thừa nhận không nắm rõ thời gian thất lạc bản án, quá trình thi hành án có nhiều phát sinh nên thời gian thi hành án kéo dài.

Theo đó, tới năm 2010 chỉ có bà Đinh Thị Ninh (chị ruột bà Trung) đã nhận tiền thừa kế số tiền trên 96 triệu đồng theo đơn yêu cầu.

Bà Đinh Thị Hiền (chị ruột) được ủy quyền từ bà Bùi Thị Đằng số tiền trên 760 triệu đồng. Riêng phần của bà Đinh Thị Dung, bà Đinh Thị Thu có văn bản nhường thừa kế cho bà Đinh Thị Trung.

“Số tiền bà Trung được hưởng là tiền đền bù thu hồi đất nên đơn vị đã có văn bản báo cáo UBND TP Bảo Lộc, chuyển số tiền bà Trung được hưởng đến Trung tâm tư vấn đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP Bảo Lộc để giải quyết.

Ngoài ra, do đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành bản án (tính từ năm 2008) nên chúng tôi không có căn cứ để tiếp tục giải quyết vụ việc nêu trên” - một lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự TP Bảo Lộc cho biết thêm.

Yêu cầu đền bù không có cơ sở

Theo UBND TP Bảo Lộc, nhiều cấp ngành đã tổ chức đối thoại nhiều lần với hộ bà Đinh Thị Trung nhưng vẫn bế tắc do bà Trung không chịu hợp tác. Sau nhiều lần thương lượng, tới cuối năm 2011 UBND TP Bảo Lộc có quyết định bồi thường tổng số tiền hơn 4,7 tỉ đồng trên diện tích 494m2 của bà Trung.

Đồng thời hộ bà Trung được bố trí tái định cư là một căn nhà ở dãy CH 1A và một lô đất tại dãy CH 1B trên đường Nguyễn Công Trứ, P.1. Tuy nhiên, bà Trung yêu cầu bồi thường theo giá thị trường là 50 tỉ đồng (sau đó giảm xuống 35 tỉ đồng) trên diện tích đất trên 2.000m2 đất.

Ông Đậu Công Hải - trưởng Phòng tài nguyên - môi trường TP Bảo Lộc - cho rằng về mặt pháp lý, bà Trung không có cơ sở yêu cầu đền bù vượt quy định khi không có giấy tờ pháp lý chứng minh diện tích đất mình sở hữu.

]Ông Hải nhận định: “Chính vì vụ việc phức tạp, liên quan tới vụ án xét xử từ năm 1988 nên các trình tự giải quyết đền bù kéo dài. Trong đó lý do lớn nhất vẫn là việc nội bộ anh chị em nhà bà Trung không thống nhất trong việc thừa kế và bà Trung bất hợp tác với chính quyền, không dựa trên cơ sở pháp luật để đi tới thống nhất phương án giải quyết” - ông Hải chia sẻ.

Công trình 
trọng điểm của thành phố

Theo UBND TP Bảo Lộc, công trình xây dựng công viên hồ Đồng Nai là công trình công cộng trọng điểm, là điểm nhấn của TP. Toàn công trình có diện tích quy hoạch là 14,2ha.

Công trình này không chỉ tôn tạo về mặt kiến trúc cảnh quan, mà còn là công trình phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân thành phố vào mùa lễ hội.

Mặc dù nằm ở vị trí đắc địa của thành phố, nhưng suốt 11 năm qua, do không thể giải tỏa hơn 2.000m2 đất từ một hộ dân khiến người dân thắc mắc trước việc giải tỏa kéo dài làm mất nét đẹp cảnh quan chung của hồ Đồng Nai.

Sẽ cưỡng chế nếu bất hợp tác

Về phương án giải quyết, UBND TP Bảo Lộc đã đề xuất phương án cưỡng chế, giải quyết dứt điểm vụ việc trong thời gian tới.

“Chúng tôi đã báo cáo quá trình xử lý cũng như đề xuất lên UBND tỉnh rà soát toàn bộ hồ sơ vụ việc để có ý kiến chỉ đạo. Khi có phản hồi chính thức từ UBND tỉnh, chúng tôi sẽ tiếp tục giải thích, vận động theo trình tự để hai bên đi đến thống nhất chung.

Trường hợp gia đình bà Trung bất hợp tác, có hành vi chống đối, cơ quan chức năng bắt buộc phải cưỡng chế, giải quyết dứt điểm vụ việc theo quy định” - ông Đậu Công Hải nói.

Theo CHÍNH THÀNH

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên