MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt dự án Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh… “bất động”

Đến cuối năm 2012, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh còn lại 34 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nằm trên tổng diện tích 1.253 ha đất, với tổng vốn đăng ký 19.345 tỷ đồng.

Mặc dù UBND tỉnh Khánh Hòa đưa ra cơ chế “mở hết cửa” như cho phép các chủ đầu tư này được liên doanh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước,  được lựa chọn các hình thức thuê đất trả tiền hàng năm hoặc trả tiền một lần...  nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các dự án triển khai thực hiện, thế nhưng, sau gần 10 năm thực hiện quy hoạch (2004 – 2013), đến nay hàng loạt dự án tại đây vẫn… “bất động”.

Dự án “nằm trên giấy”

Từ những năm 2000,  khi những cơn sóng trên thị trường BĐS làm giàu nhanh một cách dễ dàng cho nhiều người, nhiều doanh nghiệp dù không có chức năng, không có khả năng và kinh nghiệm kinh doanh BĐS vẫn “lao” vào kinh doanh BĐS bằng mọi giá, bất chấp sự thiếu cân đối của cung - cầu, cũng như những rủi ro của thị trường. DN đổ xô vào việc “chạy” bằng được dự án với tư duy: chỉ cần được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, dự án được cấp đất thì đương nhiên đã có một “khối” tài sản kếch xù.

Sau đó, DN bắt đầu chạy ngược chạy xuôi cả trong và ngoài nước tìm “đối tác” để liên doanh, thực chất là… bán dự án (!?). Thậm chí, chiến lược “lợi ích nhóm” được đưa ra sử dụng, bằng việc tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành hàng loạt quyết định thu hồi đất của dân, áp dụng các chính sách bồi thường “rẻ mạt”,  nếu hộ dân nào không “chấp hành” thì bị cưỡng chế thu hồi đất. Đất đền bù rẻ mạt được san lấp mặt bằng, phân lô bán nền với giá cao ngất ngưởng...

Với hàng loạt mỹ từ như Khu đô thị mới hiện đại, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, Khu Resort nghỉ mát cao cấp… được “vẽ” trên giấy khá lý tưởng, được “tung” tưng bừng lên mạng và các sàn giao dịch BĐS, nhằm “đẩy” giá đất lên thật cao. Đồng thời, toàn bộ hồ sơ dự án được “đẩy” qua Ngân hàng định giá  thành một khối tài sản “khủng” để thế chấp, nhằm bảo lãnh cho những khoản vay từ một trăm đến hàng ngàn tỷ đồng (!?).

Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch từ đầu năm 2004 với tổng diện tích 2.150ha. Tính đến cuối năm 2012, Khu du lịch này còn lại 34 dự án. Trong đó, 17 dự án đã được cấp Giấy phép xây dựng, 6 dự án đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, 11 dự án đang triển khai thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các dự án này đều không triển khai thực hiện theo đúng tiến độ quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư, hoặc có triển khai nhưng với một tỷ lệ rất nhỏ so với dự án.

Đơn cử như Dự án Khu du lịch Liên hợp Đồi Xanh của Công ty Cổ phần Kiến Á (vốn đầu tư 481,5 tỷ đồng), Dự án Khu du lịch Sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Eurowindow Nha Trang (911,2 tỷ đồng), Dự án Khu du lịch Cao cấp Phát Đạt Resort (989,6 tỷ đồng), Dự án Khu du lịch Cam Ranh Bay Resort & Spa (363,6 tỷ đồng)… Nhưng, trên thực tế đến nay các dự án này mới chỉ thực hiện được khoảng từ 1% đến 8% so với tổng vốn đầu tư.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, UBND tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần gia hạn thời gian triển khai dự án, nhưng đa số các dự án này vẫn …im lìm. Một số dự án đã được cấp Giấy phép xây dựng, đến nay thời hạn cũng đã hết, và các hạng mục xây dựng và những viễn cảnh của dự án cũng… tự nhiên chìm lắng.

Mở đường cho doanh nghiệp… bán dự án

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Chủ trương cho phép các chủ đầu tư được lựa chọn các hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, hoặc trả tiền một lần. Đồng thời, giao đất ổn định lâu dài đối với Khu biệt thự nhà vườn, cho phép nhà đầu tư liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước... Thực tế, đây là một hình thức để các nhà đầu tư “bán dự án”, nhằm cứu lĩnh vực BĐS đang “rơi tự do” trong giai đoạn hiện nay (!?)  

Từ chủ trương “mở hết cửa” này, tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh có một số dự án đã “thay tên đổi chủ”, đơn cử như Dự án Khu du lịch Bãi Rồng Cam Ranh, Dự án Khu nghỉ mát Tâm Hương, Khu du lịch Sông Hồng Cam Ranh Resort, Dự án Khu nghỉ dưỡng cáo cấp Quê Việt, Dự án Khu du lịch quốc tế Tân Việt… đã thực hiện thông qua hình thức liên doanh, nhưng thực chất đây là một hình thức bán dự án để kiếm lợi nhuận của các chủ đầu tư nói trên (!?). Tuy nhiên, đến nay những ông chủ mới của các dự án này hiện vẫn chưa triển khai thực hiện, mà vẫn trong tình trạng chạy tìm… “đối tác”.

Như vậy, có thể thấy rằng không chỉ do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, mà còn do năng lực tài chính của các nhà đầu tư quá yếu kém, cùng với tư duy “chạy” dự án theo kiểu “tay không bắt giặc”. Do đó, hiện hàng loạt các dự án tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đều đang nằm… “”bất động”.

Theo Hùng Lượng

ngatt

PLVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên