MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vinaconex ITC “mắc kẹt” với Dự án 1 tỷ USD Cát Bà Amatina

Với tổng mức đầu tư lên tới 1 tỷ USD, quy mô trên 172ha và rất được kỳ vọng, tuy nhiên, đến nay chủ dự án này lại đang đối diện với tình hình tài chính rất khó khăn.

Trải dài từ thị trấn Cát Bà tới xã Trân Châu, thuộc huyện Cát Hải, Hải Phòng với quy mô rộng trên 172ha, Cát Bà Amatina được xem như Dự án trọng điểm, chiến lược của  Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC).

Cát Bà Amatina gồm 7 khu resort với khoảng 800 biệt thự, 2 bến du thuyền, 1 bến tàu du lịch, trung tâm hội nghị quốc tế, khu thương mại dịch vụ quốc tế, khu thể dục thể thao, các khu dịch vụ giải trí đa chức năng, 6 khách sạn 5 sao và 1 khách sạn 4 sao…

Dự án bắt đầu triển khai, cũng như tung một số sản phẩm ra thị trường từ khoảng năm 2009, 2010, khi đó chủ đầu tư từng công bố 95% biệt thự khu Tùng Thu và Bazzar Avenue đã có chủ.

Kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản suy thoái trong những năm qua đã tác động không nhỏ đến tình hình triển khai Dự án. Mới đây, Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam đã có đánh giá khá tiêu cực về tình hình tài chính của Vinaconex ITC tại Báo cáo Tài chính soát xét quý 2/2014.

Theo đơn vị kiểm toán này, Vinaconex ITC đang rất khó khăn về tài chính, thiếu vốn và không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Trong 12 tháng tới việc thanh toán nợ đến hạn phụ thuộc nhiều vào việc bán được tài sản, công trình dở dang hay không, được cấp tín dụng mới không, đồng thời phải xem Vinaconex ITC sẽ huy động vốn như thế nào?

Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2013 của đơn vị này, cho thấy khoản lỗ tới trên 35 tỷ, nguyên nhân chủ yếu là do chi phí lãi vay và bảo lãnh để đầu tư cho Dự án Cát Bà Amatina.

Kết quả kinh doanh 6 tháng 2014 của Vinaconex ITC (đã soát xét) cho thấy tình hình tài chính vẫn gặp khó khăn với khoản lỗ lũy kế là 3,7 tỷ.

Tại 30/6/2014, Vinaconex ITC vẫn còn khoản nợ ngắn hạn lên tới trên 454 tỷ, trong đó trên 139 tỷ nợ tiền thuế, phải trả người bán hơn 85 tỷ, vay và nợ ngắn hạn trên 40 tỷ,…

Trước tình hình khó khăn, năm 2013 Vinaconex ITC cũng đã xin UBND TP. Hải Phòng giãn nộp tiền thuế sử dụng đất của Dự án Cát Bà Amatina; đồng thời đề nghị giãn tiến độ thực hiện Dự án Cát Bà Amatina đến năm 2020.

Ngoài việc lưu ý về tình hình hoạt động liên tục của Vinaconex ITC trong 12 tháng tới, đơn vị kiểm toán còn lưu ý về việc vốn hóa toàn bộ chi phí đi vay phát sinh trong 6 tháng đầu 2014 vào chi phí xây dựng dở dang của Dự án Cát Bà Amatina là chưa hợp lý với tiến độ thực tế của Dự án.

Theo giải trình của Ban giám đốc Vinaconex ITC về khả năng hoạt động liên tục trong vòng 12 tháng tới, lãnh đạo Vinaconex ITC cho rằng đã có khoản cam kết tín dụng của Agribank với hạn mức 400 tỷ, thời hạn 5 năm, kể từ kể từ lần giải ngân đầu tiên (ngày 19/5/2011). Đến ngày 30/6/2014, Công ty đã rút ra 166,6 tỷ đồng và hạn mức tín dụng còn lại 233,4 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2014, Vinaconex ITC vẫn còn khoản nợ Agribank 37 tỷ.

Lãnh đạo Vinaconex-ITC cho rằng vẫn có thể vay với các điều khoản phù hợp để thanh toán cho các nhà thầu xây dựng Dự án Khu Đô thị - Du lịch Cái Giá - Cát Bà. Ngoài ra, Công ty cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư và ngân hàng để cùng đầu tư Cát Bà Amatina, đồng thời tìm cách bán Khách sạn Holiday View ở Hải Phòng.

“Trong 6 tháng đầu năm 2014,Công ty đã có dấu hiệu tái khởi động Dự án Cát Bà Amatina, là dự án bất động sản tạo doanh thu chính của Công ty, tuy nhiên vẫn chưa thể phủ định được các yếu tố gây nên sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty”. Kiểm toán và Định giá Việt Nam nhận định.

Nhật Minh

thuatvk

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên