MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Yêu cầu Đồng Tâm Long An đẩy nhanh tiến độ dự án 1 tỷ USD

Dự án Cảng quốc tế Long An nằm trong quần thể dự án Cảng, KCN, Khu dịch vụ và Khu đô thị do Công ty CP Đồng Tâm Long An và một số đối tác làm chủ đầu tư.

Trong bản thông báo kết quả công tác kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện các dự án của Công ty CP Đồng Tâm Long An, UBND tỉnh Long An yêu cầu công ty này đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Cảng quốc tế Long An tại xã Tân Tập huyện Cần Giuộc.

Dự án Cảng quốc tế Long An nằm trong quần thể dự án Cảng, KCN, Khu dịch vụ và Khu đô thị có tổng diện tích giai đoạn 1 là 415 ha do Công ty CP Đồng Tâm Long An và một số đối tác làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là xây dựng, trang bị, vận hành và khai thác cảng biển trên sông Soài Rạp với công suất 2,5 triệu tấn/năm khi hoàn thành giai đoạn 1.

Hiện chủ đầu tư dự án Cảng quốc tế Long An đã giải phóng được khoảng 90% trong tổng diện tích 147 ha của khu cảng và khởi công thi công cầu cảng số 1 vào ngày 26-7-2013, dự kiến hoàn thành và đưa vào kinh doanh khai thác cảng vào cuối năm 2014.

Đối với dự án KCN liền kề cảng có diện tích 77,8 ha, hiện đã bồi thường giải phóng mặt bằng xong 69,3 ha (đạt 89%). Dự án Khu đô thị diện tích 83,3 ha hiện đã bồi thường xong 57 ha (đạt 68%).

Theo báo cáo của chủ đầu tư đến nay dự án mới giải ngân được 597,5 tỉ đồng. Trong khi tại thời điểm khởi công dự án vào năm 2010, liên doanh chủ đầu tư là Công ty CP Đồng Tâm Long An và Quỹ đầu tư VinaCapital công bố sẽ đầu tư 1 tỉ USD vào dự án.

Trong bản thông báo, UBND tỉnh Long An cho rằng dự án Cảng quốc tế Long An có vai trò rất quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tải tỉnh đều quan tâm đến vấn đề hạ tầng giao thông, nhất là bến cảng phục vụ vận chuyển hàng hóa trong tương lai.

Trong thực tế hiện nay luồng tàu sông Soài Rạp đã được nạo vét xong giai đoạn 1, đảm bảo cho tàu 50.000 tấn lưu thông. Dự án Cảng quốc tế Long An nằm trên sông Soài Rạp, lại có thể kết nối với hệ thống sông và kênh rạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Từ trước đến nay, hàng hóa nông sản, thủy hải sản và trái cây của các tỉnh ĐBSCL XK đi các nước phải vận chuyển lên TP.HCM và thông qua cụm cảng TP.HCM. Chi phí hàng hóa tăng cao từ 170 – 180 USD/container hoặc từ 7 – 10 USD/tấn chi phí vận chuyển và lưu kho. Thời gian vận chuyển kéo dài, bất lợi và giảm lợi thế canh tranh của nông sản.

Cảng quốc tế Long An hoàn thành sẽ mang đến lợi ích là giảm bớt chi phí và thời gian vận chuyển, nâng cao sức mạnh cạnh tranh cho hàng nông sản, khai thác được các tuyến đường sông của toàn vùng ĐBSCL. Lợi ích lớn nữa là giảm áp lực giao thông đường bộ về TP.HCM, giảm kẹt xe và tai nạn vì mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe vận tải hàng hóa vào các cảng TP.HCM. Cho nên, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án Cảng quốc tế Long An là cần thiết và phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập.

Theo Duy Quang

ngatt

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên