Tình hình kinh tế của tỉnh nhỏ nhất Việt Nam sắp lên thành phố trực thuộc trung ương: Hút tới 1,4 tỷ USD vốn FDI, đang là “quán quân” về xuất khẩu
Tỉnh dự kiến lên thành phố trực thuộc trung ương này thu hút tới 1,4 tỷ USD vốn FDI trong 10 tháng đầu năm, đồng thời vượt TP HCM để dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu.
- 16-11-2023Hậu Giang: Ưu tiên phát triển cụm công nghiệp
- 16-11-2023Nhiều chuỗi liên kết chủ lực ở ĐBSCL bị 'bẻ kèo'
- 16-11-2023Tỉnh miền Tây Nam Bộ sẽ là đầu mối giao thương với thị trường Campuchia và ASEAN
Tính đến ngày 20/12023, toàn tỉnh Bắc Ninh thu hút đầu tư mới được 308 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng gấp 3,14 lần so với cùng kỳ. Tổng vốn cấp mới đạt 908,03 triệu USD, tăng gấp 5,1 lần so với cùng kỳ. Bắc Ninh cũng cấp giấy chứng nhận điều chỉnh cho 127 dự án, với số vốn điều chỉnh tăng thêm 471,43 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 55 lượt trị giá 21,48 triệu USD. Tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 1,4 tỷ USD.
Lũy kế đến nay tỉnh đã cấp đăng ký đầu tư cho 2.075 dự án còn hiệu lực với tổng vốn FDI khoảng 24,67 tỷ USD. Các nhà đầu tư rót vốn nhiều nhất vào tỉnh này đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.
Về thu hút đầu tư trong nước, toàn tỉnh cấp mới 19 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 4.442 tỷ đồng; cấp điều chỉnh 79 dự án, trong đó có 20 dự án điều chỉnh vốn với tổng số vốn điều chỉnh giảm 250,4 tỷ đồng; thu hồi 16 dự án.
Nhiều chỉ tiêu khác của tỉnh nhỏ nhất cả nước này cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Đáng chú ý, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10 vừa qua là tháng thứ hai liên tiếp, Bắc Ninh vượt TP HCM, dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu . Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Bắc Ninh trong tháng 10 đạt gần 4,3 tỷ USD, tăng hơn 100 triệu USD so với thực hiện của tháng trước.
Tháng 10/2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Bắc Ninh ước đạt 4.930 tỷ đồng, tăng 226,7% so với tháng trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 4.280 tỷ đồng; thu từ Hải quan ước đạt 650 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương tháng 10/2023 ước đạt 1.382 tỷ đồng; trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 470 tỷ đồng, chi thường xuyên ước đạt 912 tỷ đồng.
Tính chung 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 25.135 tỷ đồng, bằng 79,5% dự toán năm. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 11.707 tỷ đồng, bằng 57,6% dự toán năm.
Số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, 10 tháng năm 2023, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của tỉnh là 2.897 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký 27.756 tỷ đồng. Đáng chú ý, cả 3 chỉ tiêu, số doanh nghiệp thành lập mới; tổng số vốn đăng ký; vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp thành lập mới đều tăng nhiều so với cùng kỳ, lần lượt là 36,3%; 59,7%; 17,2%.
Cùng thời gian, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 766 doanh nghiệp, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại có 278 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, tăng 6,5% so với cùng kỳ và có đến 1.642 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, tăng 30,6%.
Như vậy, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và tái gia nhập thị trường là 3.663 doanh nghiệp, bằng 190,8% số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (1.920 doanh nghiệp); ngoài ra, có 355 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình nhằm thích nghi theo mô hình hoạt động phù hợp hơn.
Nhịp sống thị trường