MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tình hình tài chính của 5 nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc - Nam

22-02-2023 - 14:24 PM | Doanh nghiệp

Thi công hầm đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh: Nhân Dân)

Thi công hầm đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam. (Ảnh: Nhân Dân)

5 công ty trúng thầu các dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đều có lãi trong 5 năm gần nhất nhưng dòng tiền kinh doanh kém khả quan.

Nội dung chính:

5 nhà thầu tham gia xây dựng cao tốc Bắc - Nam đều kinh doanh có lãi trong 5 năm gần nhất. Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả là doanh nghiệp duy nhất trong số 5 nhà thầu kể trên có dòng tiền kinh doanh dương tại ngày 31/12/2022. Cuối năm 2022, Cienco4 ghi nhận lượng tiền mặt tăng gấp đôi trong khi Tổng công ty 36 giảm gần một nửa so với đầu năm.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu phải giải ngân ít nhất 675.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023.

Nhóm doanh nghiệp xây dựng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn vốn đầu tư công để phát triển hạ tầng. Bộ Giao thông vận tải đã có tiêu chí ưu lựa chọn nhà thầu xây dựng các đoạn cao tốc Bắc – Nam dựa trên năng lực, kinh nghiệm và nguồn lực tài chính lành mạnh.

Trong số những công ty trúng thầu dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, có 5 nhà thầu lớn được niêm yết và đăng ký giao dịch chứng khoán, bao gồm: Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã CK: VCG) , Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (DII, mã CK: HHV) , Tổng công ty Xây dựng số 1 (mã CK: CC1) , Tập đoàn Cienco4 (mã CK: C4G) , Tổng công ty 36 (TCT36, mã CK: G36).

Tình hình tài chính của 5 nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

Các dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, trong đó 12 gói thầu đầu tiên (hàng màu trắng) đã khởi công xây dựng từ ngày đầu năm 2023.

Trong đó, Vinaconex dẫn đầu về lợi nhuận sau thuế năm 2022 với khoản lãi gần 1.050 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm 2021.

Vinaconex là một trong những nhà thầu xây dựng hạ tầng lớn, từng thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 như Mai Sơn - Quốc Lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây,... Gần 70% doanh thu của Vinaconex đến từ hoạt động xây lắp.

Tình hình tài chính của 5 nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 2.

Lợi nhuận sau thuế qua các năm của 5 nhà thầu xây dựng.

Cienco4 cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong năm 2022. Lũy kế cả năm, Cienco4 lãi gần 170 tỷ đồng sau thuế, tăng 173% so với cùng kỳ nhưng mới chỉ thực hiện 56% chỉ tiêu đề ra.

CC1 là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm 5 doanh nghiệp được thống kê có lợi nhuận sụt giảm trong năm 2022. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm qua của CC1 đạt gần 184 tỷ đồng, giảm 61% so với năm 2021 do doanh thu tài chính giảm 51% trong khi chi phí tài chính tăng gấp đôi cùng kỳ (chủ yếu chi phí lãi vay, lãi trái phiếu và lỗ chênh lệch tỷ giá tăng vọt).

Chứng khoán VnDirect cho rằng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ là cú hích lớn đối với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng hàng đầu.

4/5 nhà thầu thâm hụt dòng tiền kinh doanh

Cuối năm 2022, dòng tiền kinh doanh của Vinaconex đang âm gần 1.640 tỷ đồng trong khi đầu năm dương 394 tỷ đồng, chủ yếu do hàng tồn kho và tiền lãi đã trả tăng mạnh, lần lượt tăng hơn 820 tỷ đồng và hơn 300 triệu đồng.

Tình hình tài chính của 5 nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 3.

Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của 5 doanh nghiệp.

Dù kinh doanh có lãi nhưng 3 doanh nghiệp CC1, Cienco4, TCT36 tiếp tục ghi nhận dòng tiền kinh doanh thâm hụt trong năm 2022.

Trường hợp tiền thu vào nhỏ hơn tiền chi ra phản ánh khó khăn của doanh nghiệp trong việc thu hồi tiền hoặc tiêu thụ sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ chưa thu được tiền về. Khi đó, doanh nghiệp phải bù đắp bằng dòng tiền đầu tư hoặc dòng tiền hoạt động tài chính như vay nợ, phát hành trái phiếu, cổ phiếu, thanh lý tài sản… Dòng tiền kinh doanh âm kéo dài sẽ bào mòn lợi nhuận và ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

DII là doanh nghiệp duy nhất trong danh sách có dòng tiền kinh doanh dương gần 365 tỷ đồng, tăng 125% so với năm 2021 nhờ công tác thu hồi nợ tốt (khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm gần một nửa).

Dòng tiền trực tiếp từ các trạm thu phí BOT cũng đóng góp phần lớn vào doanh thu của DII. Chứng khoán VnDirect kỳ vọng mảng thu phí BOT của DII sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới nhờ hoạt động kinh tế phục hồi sau Covid-19 giúp tăng lưu lượng phương tiện qua trạm BOT và đóng góp từ dự án Trung Lương – Mỹ Thuận (bắt đầu thu phí từ tháng 8/2022).

Lượng tiền mặt của Cienco4 tăng gấp đôi

Tính đến cuối năm 2022, Cienco4 đang sở hữu gần 257 tỷ đồng “tiền lỏng” (bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi kỳ hạn 6 - 13 tháng tại ngân hàng) , tăng gấp đôi đầu năm. Đây là số tiền sẵn sàng sử dụng để thanh toán ngay lập tức cho hoạt động kinh doanh hàng ngày.

Năm qua, mặt bằng lãi suất huy động không ngừng tăng cao, có thời điểm lên đến 11% - 12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng nhưng Cienco4 lại chỉ nhận mức lãi suất từ 3,8% - 4,9%/năm cho các kỳ hạn 6 - 13 tháng khi gửi gần 30 tỷ đồng tại 3 Ngân hàng ACB, Vietcombank và HDBank.

Tình hình tài chính của 5 nhà thầu xây dựng cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 4.

Tổng số dư tiền và các khoản tương đương tiền cùng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn của 5 doanh nghiệp.

Dù lượng tiền mặt giảm gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm, Vinaconex vẫn là một trong những nhà thầu nắm giữ lượng lớn tiền mặt với gần 3.200 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, khoản tiền và tương đương tiền của Vinaconex giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm, xuống còn 1.749 tỷ đồng. Tương tự, tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 3 - 12 tháng cũng giảm gần 1.000 tỷ đồng, còn xấp xỉ 1.360 tỷ đồng.

TCT36 cũng ghi nhận lượng tiền mặt giảm đáng kể. Cụ thể, cuối năm 2022, TCT36 đang nắm giữ gần 344 tỷ đồng tiền, giảm một nửa so với đầu năm.

Trong giai đoạn dòng tiền khó khăn, việc nắm giữ tiền mặt và các khoản tương đương tiền dồi dào giúp các doanh nghiệp giành được lợi thế cạnh tranh khi có thể thanh toán ngay các chi phí nguyên vật liệu, trả lương công nhân,.... Nhờ đó, các nhà thầu tạo được tiềm lực tài chính tốt, lịch sử thanh toán uy tín, tăng khả năng thắng thầu những dự án trong tương lai.

Đổi lại, việc nắm giữ lượng tiền mặt lớn sẽ khiến doanh nghiệp bỏ lỡ chi phí cơ hội từ đầu tư hoặc gửi ngân hàng dài hạn với mức lãi suất cao, có thể lên đến trên 10%/năm.

Theo Quỳnh Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên