MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tính sai gần 1.900 tỷ đồng vì “áp dụng cơ chế đặc thù”

Sáng 7/6, trao đổi với báo chí về việc 8 dự án mở rộng Quốc lộ (QL) 1A bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ tính sai gần 1.900 tỷ đồng, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, do áp dụng một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, trả lương, cũng như tăng vốn dự phòng trượt giá, dự phòng khối lượng…

Theo ông Nguyễn Hồng Trường, việc tăng chi phí của các dự án trên là do tổng mức đầu tư tăng lên, tăng vốn dự phòng trượt giá và dự phòng khối lượng. “Hiện nay số vốn này chưa sử dụng đến mà vẫn để dự phòng trong thời gian 3 năm, phòng khi có vấn đề xảy ra thì có nguồn để chi. Những cái tăng đó chưa sử dụng nên không phải là vấn đề thất thoát, lãng phí”, ông Trường nói.

Cũng theo ông Trường, sau khi Bộ Tài chính có văn bản, hiện Bộ GTVT đang giải trình tất cả các vấn đề trong kết luận của Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dự án mở rộng QL1A cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm 2015 nên Bộ GTVT thống nhất áp dụng một số cơ chế đặc thù cho các địa phương để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, trả lương cho người lao động. Vì thế, tổng vốn dự án điều chỉnh không phải do thất thoát, tham nhũng mà việc điều chỉnh các hạng mục để phù hợp thực tế.

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong một số ý kiến cho rằng, lý giải của Bộ GTVT về việc tính sai số vốn gần 1.900 tỷ đồng là thiếu thuyết phục. Thực tế, trong năm 2015, sau khi dự án cải tạo nâng cấp QL1A hoàn thành, Bộ GTVT đã có báo cáo Chính phủ về tổng kinh phí để thực hiện các dự án mở rộng QL1A chỉ là 43.404 tỷ đồng (tổng nguồn vốn TPCP là trên 53.000 tỷ đồng), dư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Căn cứ vào báo cáo của Bộ GTVT, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII (tháng 11/2015), Chính phủ đã có tờ trình xin chuyển nguồn vốn dư khoảng 10.000 tỷ đồng sang thực hiện các dự án khác. Lý do dư vốn khi đó đã được Bộ GTVT khẳng định rõ là do không phải sử dụng vốn dự phòng trượt giá; điều chỉnh thiết kế cho phù hợp; sử dụng biện pháp tổ chức thi công hợp lý; tiết kiệm 5% dự toán...

Do đó, việc tính sai tổng mức đầu tư như kết luận thanh tra tài chính chỉ ra cho thấy, các đơn vị trong Bộ GTVT chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Bộ GTVT cần phải sớm điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư của 8 dự án trên theo đúng như kết luận thanh tra chỉ ra.

Cũng tại kỳ họp thứ 10, khi thẩm tra về tờ trình trên, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, tỷ trọng vốn dư lớn so với tổng vốn được bố trí (dư 23%) thể hiện việc lập dự toán, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư chưa sát với thực tiễn. Việc cắt giảm quy mô đầu tư một số dự án có thể ảnh hưởng tới chất lượng công trình, không bảo đảm thực hiện đúng quy mô ban đầu của công trình; chất lượng thi công một số đoạn, tuyến chưa thật sự bảo đảm chất lượng cần được khẩn trương sửa chữa.

Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, 8 dự án mở rộng nâng cấp QL1A có nhiều sai sót, dẫn đến tính toán sai gần 1.900 tỷ đồng. Bộ Tài chính khẳng định, các ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn thiết kế và các nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm. Bộ Tài chính kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các BQLDA và các đơn vị liên quan rà soát để điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư tại 8 dự án trên với số tiền là 1.866 tỷ đồng.

Theo Văn Kiên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên