MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh từng xếp thứ 57/63 về GRDP bình quân, nay vươn lên lọt top 10 cao nhất cả nước

Tỉnh từng xếp thứ 57/63 về GRDP bình quân, nay vươn lên lọt top 10 cao nhất cả nước

Năm 1997, tỉnh có GRDP bình quân chưa đến 2 triệu đồng/người/năm, xếp thứ 57/63 tỉnh, thành nhưng hiện đã lọt top 10 cao nhất cả nước.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc đã có bước phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Trong giai đoạn 1997-2022, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân tăng khoảng 13,5%/năm.

Xét về GRDP bình quân đầu người, Vĩnh Phúc đã có sự phát triển vượt bậc. Cụ thể, GRDP bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm. Năm 1997, GRDP bình quân của tỉnh đạt chưa đầy 2 triệu đồng/người/năm, xếp thứ 57/63 tỉnh, thành.

Đến năm 2020, GRDP bình quân của tỉnh đã tăng lên đạt 105,5 triệu đồng/người, đứng thứ 5/11 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 10/63 tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2021, GRDP bình quân của tỉnh đạt 114,3 triệu đồng/người, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành.

Năm 2022, GRDP bình quân đầu người của Vĩnh Phúc ước đạt khoảng 127,8 triệu đồng/người/năm, tiếp tục nằm trong top 10 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước.

Tỉnh từng xếp thứ 57/63 về GRDP bình quân, nay vươn lên lọt top 10 cao nhất cả nước - Ảnh 1.

GRDP bình quân của Vĩnh Phúc giai đoạn 1997-2022. Nguồn: Cục thống kê tỉnh Vĩnh Phúc.

Về tình hình phát triển kinh tế, năm 2022, 17/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu; kinh tế của tỉnh đã có sự phục hồi, tăng trưởng 9,54%, cao nhất từ năm 2014 đến nay.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 35.700 tỷ đồng, bằng 111,94% dự toán, tăng 8,5% so với năm 2021. Vĩnh Phúc thu hút được 453 triệu USD vốn FDI, bằng 100,6% kế hoạch năm. Lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1.286 dự án, 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,41 tỷ USD và 828 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 125 nghìn tỷ đồng.

Về môi trường đầu tư, Vĩnh Phúc nằm trong nhóm 5 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt nhất cả nước; đứng thứ 5 về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), và đứng thứ 12 về chỉ số chuyển đổi số.

Nhờ vào chiến lược phát triển đúng đắn, Vĩnh Phúc đi từ một tỉnh có GRDP bình quân đầu người năm 1997 kém 4 lần nhưng đến nay đã gấp 1,3 lần cả nước. Sau 25 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đi từ tỉnh thuần nông, GRDP bình quân thấp, nay đã phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội.

Một trong những định hướng phát triển có đóng góp lớn vào kinh tế của tỉnh nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, thu nhập cho người dân là xu hướng thu hút nguồn vốn FDI. Hiện nay, tỉnh đang tập trung và thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, điển hình như ưu tiên các dự án phát triển công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp điện tử, nông nghiệp công nghệ cao.

Các khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc đang tạo việc làm cho hơn 110.000 lao động với thu nhập ổn định. Đối với lao động phổ thông có mức lương bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng; lao động kỹ thuật, lao động có trình độ chuyên môn tay nghề cao mức thu nhập 12 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với đó, việc tăng tốc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Vĩnh Phúc đã mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Qua đó, tỉnh góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc là địa phương có ngành sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu cả nước với những tên tuổi như Honda, Toyota, Piaggio hay Deawoo Bus. Để tạo ra được điều này, Vĩnh Phúc đã phải định hướng chính sách thu hút dòng vốn FDI ngày từ thời gian đầu.

Trước đây, Vĩnh Phúc được Chính phủ quy hoạch thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là khu vực trọng điểm để phát triển công nghiệp cơ khí ô tô, xe máy của các tỉnh phía Bắc. Do đó, ngành sản xuất ô tô, xe máy trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh.

Theo đó, công nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng lựa chọn các ngành hàng, sản phẩm sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có hàm lượng chất xám cao. Đồng thời, tỉnh ưu tiên phát triển một số sản phẩm mũi nhọn như cơ khí chế tạo ô tô, xe máy, điện tử, tin học, công nghiệp phần mềm, vật liệu mới.

Công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy là một trong những thế mạnh của tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đều có các nhà máy sản xuất, lắp ráp xe ô tô và sản xuất và lắp ráp xe máy cùng với sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy và dịch vụ cung cấp cho ngành này.

Minh Tiến

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên