Tổ công tác đầu tư TP.HCM 'giải khó' cho 35 dự án có tổng mức đầu tư hơn 320.000 tỷ
Quang cảnh hội nghị "Sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư năm 2021". Ảnh: Huy Ngọc.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, sau 3 năm thành lập, Tổ công tác về đầu tư của UBND TP.HCM đã kết luận hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc cho 92 dự án. Trong đó, giải quyết được 35 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 320.000 tỷ đồng.
- 20-03-2021Doanh nghiệp dệt may đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2021
- 20-03-2021Bộ Nội vụ nói gì về việc Phó giám đốc Sở KH&ĐT 31 tuổi được bổ nhiệm ‘thần tốc’ ở Vĩnh Phúc
- 20-03-2021Rủi ro nợ công hiện hữu sau đại dịch
Sáng 19/3, Thường trực UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị "Sơ kết hoạt động của Tổ công tác về đầu tư và lấy ý kiến góp ý kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư của thành phố năm 2021".
Sự kiện do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM tổ chức, dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, sau 3 năm thành lập, Tổ công tác về đầu tư của UBND TP.HCM đã kết luận hướng dẫn xử lý vướng mắc cho 92 dự án.
Trong đó, Tổ công tác về đầu tư đã tập trung tháo gỡ vướng mắc cho 35 dự án với tổng mức đầu tư hơn 320.000 tỷ đồng. Đối với 57 dự án còn lại, các cơ quan chức năng cần đánh giá lại pháp lý, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lấy ý kiến hướng dẫn của các bộ ngành hoặc xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để củng cố hồ sơ pháp lý, làm cơ sở tiếp tục triển khai dự án.
Ngoài ra, Tổ công tác về đầu tư của TP.HCM cũng đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 108 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đáng chú ý, UBND TP.HCM đã đưa ra dự thảo kế hoạch những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 và các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư nhằm thực hiện chủ đề năm 2021 của UBND TP.HCM.
Theo đó, về cải cách thủ tục hành chính, các giải pháp chủ yếu là công khai, minh bạch quy trình xử lý công việc ở tất cả các cơ quan, đơn vị; theo dõi, đôn đốc việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn; sử dụng hóa đơn điện tử và tích hợp thủ tục hành chính lên cổng dịch vụ công quốc gia; tăng cường tổ chức các buổi gặp gỡ giữa chính quyền thành phố với hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước….
Với giải pháp nâng cao công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn, TP.HCM sẽ tập trung ban hành quyết định về cơ chế phối hợp trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư; quy chế phối hợp giải quyết thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất; tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp phép; xây dựng, triển khai kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistic và kế hoạch thực hiện Đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, ở nhóm giải pháp về tiếp cận nguồn lực đất đai, TP.HCM công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn; ban hành khung giá đất sát với thực tế thị trường; triển khai các công việc nhằm hoàn thiện các quy định làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện giao dịch điện tử về đất đai; xây dựng chương trình, chính sách thu hút đầu tư phát triển đô thị và nhà ở, ưu tiên các dự án phát triển đô thị quy mô lớn (trên 10 ha), có ứng dụng công nghệ đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở cao tầng dọc theo các trục và hành lang giao thông trọng điểm;
TP.HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình gắn liền với đất, thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà, đăng ký quyền sử dụng đất bảo đảm đúng quy hoạch;…
Ngoài ra, về chuyển đổi số và khoa học công nghệ, TP.HCM tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM theo Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 3/7/2020 của UBND TP.HCM; ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025; tích hợp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, nộp thuế thu nhập cá nhân trực tuyến; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sản phẩm; xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung về quản lý doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố…
Ở nhóm giải pháp về đầu tư công, TP.HCM sẽ ban hành quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BTL/BLT cho các dự án đốt rác phát điện, xử lý rác thải, nước thải hay quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP sau khi các Nghị định hướng dẫn Luật được ban hành; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng; trình HĐND thành phố phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025….
Cùng với đó, về nhóm giải pháp quy hoạch và xây dựng, TP.HCM sẽ công khai nội dung của các đồ án và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị đã được ban hành; thực hiện các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức; xây dựng quy trình về việc thẩm định hồ sơ quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, trong đó giảm thời gian 2 ngày so với quy định;…
Bên cạnh các nội dung nêu trên, UBND TP.HCM còn đưa ra một số giải pháp tập trung vào một số nội dung, như: Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tiếp cận nguồn lực tài chính; hoàn thiện thiết chế pháp lý, nâng cao ý thức thực thi pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; và khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, lấy lại đà phát triển cho thành phố.
Theo Nhà đầu tư