MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tòa phạt tù nguyên lãnh đạo Công ty Mía đường Tây Ninh

16-05-2017 - 09:55 AM | Xã hội

Tòa đồng tình với cáo trạng của VKS cho rằng hành vi của ba bị cáo là vi phạm pháp luật hình sự.

Ngày 15-5, sau thời gian nghị án kéo dài, TAND tỉnh Tây Ninh đã tuyên án với ba bị cáo trong án vụ cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh.

Theo đó, tòa phạt bị cáo Trần Cảnh Lạc (nguyên tổng giám đốc) 10 năm tù; Nguyễn Xuân Danh (nguyên trưởng phòng Kinh doanh-thương mại) 10 năm tù và Nguyễn Thị Phúc (nguyên kế toán trưởng) bảy năm tù, cùng về tội danh trên. Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Lạc và Danh liên đới bồi thường hơn 25 tỉ đồng (mỗi bị cáo chịu một nửa). Ba bị cáo Lạc, Danh và Phúc liên đới bồi hoàn số tiền hơn 6 tỉ đồng.

Luật sư, bị cáo bảo oan

Theo cáo trạng, trong quá trình giao dịch mua bán gạo, tinh bột sắn với các đối tác Trung Quốc, ba bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 70 tỉ đồng. Năm 2009, Danh sang Trung Quốc tìm đối tác để xuất khẩu hàng nông sản cho công ty. Danh thỏa thuận bán hàng cho Đinh Thị Thảo, ngụ tỉnh Lạng Sơn (hiện bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) để Thảo đem hàng sang Trung Quốc bán lại. Thảo dùng hai công ty Trung Quốc để ký hợp đồng với Công ty Mía đường Tây Ninh. Việc mua bán được các bị cáo thống nhất và ông Lạc là người ký hợp đồng. Từ tháng 12-2009 đến tháng 8-2012, Danh và Phúc đã tham mưu cho ông Lạc ký 50 hợp đồng xuất khẩu tinh bột sắn. Dù bị chậm thanh toán nhưng các bị cáo vẫn ký tiếp hợp đồng khác gây thất thoát tiền...

Tại tòa, HĐXX tập trung làm rõ việc Công ty Mía đường Tây Ninh ký hợp đồng với đối tác chưa tuân thủ quy định về hợp đồng kinh tế; việc thực hiện các hợp đồng, mở tờ khai hải quan, xuất hóa đơn và thanh toán có sai phạm…

Các luật sư bảo vệ cho các bị cáo tranh tụng cho rằng thân chủ mình đã bị hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế. Vì thực tế hai công ty Trung Quốc đã quan hệ mua bán với Công ty Mía đường Tây Ninh từ năm 2009, tạo ra lợi nhuận hơn 21 tỉ đồng. Theo các luật sư, nếu các bị cáo có vi phạm thì là vi phạm các thủ tục hành chính hoặc nghĩa vụ giao dịch dân sự. Các vi phạm trên không có mối quan hệ nhân quả với hậu quả thiệt hại xảy ra. Cáo trạng chưa đủ chứng cứ quy kết về sự móc nối của ông Lạc và Danh, gây oan sai...

Trước khi tòa vào nghị án, nói lời sau cùng, cả ba bị cáo đều cho rằng mình bị truy tố oan.

Nhưng tòa nói có tội

Tòa nhận định các bị cáo là người có trình độ, được bổ nhiệm chức vụ tại công ty 100% vốn nhà nước, là người có kinh nghiệm trong kinh doanh nhưng đã làm trái quy định khi ký hai hợp đồng mua bán gạo với đối tác, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng chục tỉ đồng.

Đối với ba hợp đồng bán 4.000 tấn bột sắn có tổng trị giá hơn 35 tỉ đồng thì phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế tại TP.HCM vẫn còn hiệu lực. Nếu phán quyết này bị hủy thì với tư cách là chủ sở hữu, UBND tỉnh Tây Ninh có quyền khởi kiện ba bị cáo bồi thường trong vụ kiện khác.

Các bị cáo Lạc, Danh, Phúc trong quá trình điều hành kinh doanh đã ký xuất khẩu năm hợp đồng bán hàng hóa cho hai công ty Trung Quốc. Việc ký kết hợp đồng có nhiều sai phạm về thời hạn thanh toán, việc giao nhận hàng, không tìm hiểu tư cách pháp nhân, pháp lý của đối tác ký hợp đồng… tạo điều kiện cho đối tác vi phạm hợp đồng. Hậu quả là Công ty Mía đường Tây Ninh không thu hồi được 55 tỉ đồng.

Cụ thể, điều khoản thực hiện hợp đồng được ký kết với hai đối tác trên, trong đó đối tác phải thanh toán trước 10% giá trị hợp đồng, 90% còn lại thanh toán ngay khi nhận hàng. Nhưng quá trình thực hiện năm hợp đồng đều vi phạm thời hạn thanh toán, địa điểm giao hàng. Khi cách cửa khẩu 500 m đã giao hàng cho Đinh Thị Thảo, Thảo nhận hàng nhưng không mở tờ khai hải quan và chiếm đoạt số hàng hóa trên.

Các bị cáo chưa tuân thủ đúng pháp luật trong kinh doanh, không tìm hiểu năng lực tài chính, tư cách pháp nhân, pháp lý chính xác của đối tác tại thời điểm ký kết và thực hiện hợp đồng. Đến thời điểm bị khởi tố, truy tố, các bị cáo không cung cấp được hồ sơ để chứng minh công ty mía đường trực tiếp ký kết với hai đối tác Trung Quốc. Quá trình xuất khẩu không cử cán bộ áp tải hàng, không mở tờ khai hải quan mà bàn bạc, thống nhất cùng nhau để ký khống nhiều loại giấy tờ… từ đó gây ra thiệt hại cho Công ty Mía đường Tây Ninh.

Theo Hoàng Yến

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên