Toàn cảnh thị trường nhôm hệ Việt 2017 và dự báo 2018
Tăng giá 4 lần chỉ tính riêng trong quý 3, nhôm trở thành kim loại có mức tăng giá nhiều nhất trong năm 2017. Năm 2018 được dự báo là một năm sôi động của thị trường nhôm hệ với nhiều thương hiệu mới với sự đầu tư phát triển sản phẩm và dịch vụ khách hàng.
Bạn đọc quan tâm, bám sát những bước chuyển động của ngành nhôm hệ Việt hẳn vẫn còn nhớ bức tranh “rối loạn” của thị trường giai đoạn 2014 – 2016. Trước sự đổ bộ xâm lược thị trường một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát của nhôm hệ nhập khẩu Trung Quốc và việc bỏ rơi chất lượng, chạy theo lợi nhuận trước mắt của chính những nhà nhập khẩu, phân phối, trung gian trong nước đã khiến các doanh nghiệp sản xuất nhôm hệ Việt làm thật, chất lượng thật lâm vào một cuộc khủng hoảng cục bộ. Vừa gồng mình chống chọi để tồn tại trong một cuộc cạnh tranh về giá thành, vừa phải đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng. Hệ lụy từ việc phát triển thiếu bền vững là điều không khó lý giải khi nhìn lại một năm 2017 đầy biến động của ngành nhôm hệ Việt.
Giá nhôm tăng phi mã do cắt giảm đột ngột nguồn cung khổng lồ từ Trung Quốc.
Mặc dù NAB (Ngân hàng Quốc gia Australia) dự báo giá nhôm 2017 sẽ tăng nhưng không lường hết được các yếu tố cơ bản của thị trường, nhất là những yếu tố liên quan đến chính trị. Chính sách kiểm soát ô nhiễm môi trường khiến nguồn cung nhôm từ Trung Quốc giảm mạnh hơn bất cứ dự báo nào của các nhà phân tích. Quyết định đóng cửa các cơ sở sản xuất bất hợp pháp và cắt giảm công xuất sản xuất của hàng loạt các nhà máy sản xuất nhôm tại Trung Quốc, trong khi cầu vẫn tiếp tục tăng lên dẫn tới dự trữ nhôm trên toàn thế giới giảm xuống ở mức thấp kỉ lục. Đó là lý do chính khiến giá nhôm đã đã tăng phi mã, đạt mức tăng lịch sử trong nhiều năm trở lại đây.
Giá nhôm đã tăng tới 34% trong năm 2017, từ mức 1693 USD/tấn lên 2268 USD/tấn. Cao hơn nhiều so với mức tăng của các kim loại khác như thép, đồng, kẽm. Đặc biệt là mặt hàng nhôm hệ, riêng trong quý 3/2017, đã trải qua 4 lần tăng giá với biên độ tăng từ 8 -10%. Nhôm hệ trở thành vật liệu xây dựng có mức độ biến động lớn nhất 2017.
Sang năm 2018, giá nhôm tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tuyên bố chung trong cuộc họp hồi tháng 9 của nhóm G20 về việc chống nguồn cung dư thừa trên toàn cầu. Tuy nhiên, giá nhôm có thể sẽ không tăng bởi kỳ vọng sự hoạt động trở lại của những cơ sở sản xuất đã từng đóng cửa với công nghệ mới hiệu quả hơn, sạch hơn, thay thế phần công suất trước đây sử dụng công nghệ cũ.
Nhức nhối vấn đề nhôm giả, kém chất lượng
Thị trường nhôm hệ Việt Nam, tất yếu cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đợt tăng giá kỉ lục này. Do nguồn cung thiếu thốn, nguồn sản xuất trong nước tạm thời chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, thị trường nhôm Việt chao đảo. Nếu trước đây, nhiều doanh nghiệp Việt phải “cắn răng” hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc thì trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp cũng phải đối diện với những khó khăn mới. Đó là tình trạng nhôm giả, kém chất lượng do chính doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và tiêu thụ trong sân nhà. Trong tháng 12/2017, một đường dây sản xuất nhôm giả hệ nhôm Xingfa Quảng Đông có quy mô lớn của một doanh nghiệp sản xuất nhôm lớn có tiếng tại Việt Nam đã bị các phóng viên và cơ quan chức năng phát giác và vào cuộc điều tra.
Với mức giá cạnh tranh, rẻ hơn từ 10 – 20 triệu đồng/tấn so với sản phẩm nhôm hệ thật, doanh nghiệp này đã lợi dụng tâm lý tham rẻ, sự thiếu hiểu biết của một số đại lý sản xuất và người tiêu dùng nhằm kinh doanh bất chính. Vụ việc đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về một thị trường nhôm hệ Việt còn nhiều bất cập cần sự nỗ lực từ các cơ quan chức năng và chính các doanh nghiệp để vượt qua sóng gió.
Những khoảng sáng 2017 của ngành nhôm Việt
Tuy vẫn còn đó ngổn ngang những vấn đề cần được giải quyết một cách triệt để, sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, không thể phủ nhận một số bước tiến của ngành nhôm Việt. Đó là những nỗ lực vươn lên không ngừng của các doanh nghiệp trong ngành: đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, cho ra đời những hệ nhôm mới tương tự như AG55 (theo thống kê, có khoảng trên 15 đơn vị ra hệ này); tinh thần chủ động thâm nhập khai phá và mở rộng thị trường thể hiện trong việc đa số các gian hàng tại Vietbuild Hà Nội tháng 3/2017 đều liên quan đến các sản phẩm nhôm kính.
Nhiều thương hiệu mới gia nhập kỳ vọng mang đến làn gió mới cho ngành nhôm Việt.
Đặc biệt là sự ra đời của những thương hiệu mới, là kết quả của việc gia nhập sân chơi của những “ông lớn” ngành vật liệu xây dựng với nhiều ưu điểm vượt trội về quy trình sản xuất, phương thức kinh doanh. Tiêu biểu như Nhôm hệ và phụ kiện Topal – một thương hiệu con của tập đoàn Austdoor, vốn là một “Ông lớn” trong ngành cửa cuốn.
Topal được kì vọng sẽ góp phần đem tới một làn gió mới cho thị trường ngành hàng cửa nhôm Việt với chiến lược phát triển sản phẩm và kinh doanh khác biệt: đề cao yếu tố nghiên cứu thị trường và đầu tư phát triển sản phẩm, chú trọng đến chất lượng, sự đồng bộ các bộ phận trong một bộ cửa nhôm, tổ chức hệ thống phân phối theo phương thức riêng nhằm xoá bỏ tình trạng kinh doanh lấn vùng, phá giá, có chính sách hỗ trợ và chăm sóc khách hàng tốt, đảm bảo quyền lợi cho đại lý và người tiêu dùng.
Năm 2018 khởi sắc cho Ngành nhôm hệ Việt
Năm 2018 được dự báo là một năm sôi động của thị trường nhôm hệ với sự gia nhập ngành của nhiều thương hiệu mới, mang tới những “giải pháp” mới mẻ cho thị trường. Các chuyên gia kinh tế cho rằng bối cảnh nhiều biến động của thị trường hiện tại chính là cơ hội vàng để các doanh nghiệp chinh phục người tiêu dùng. Cạnh tranh ngành nhôm năm nay sẽ cao hơn nhưng sẽ là cuộc cạnh tranh giữa chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ.
Sau “hồi chuông cảnh báo” về đường dây giả Xingfa, chắc chắn nhà sản xuất nhôm hệ nói riêng và sản xuất vật liệu xây dựng nói chung sẽ chú trọng nhiều hơn tới cuộc chiến chống lại các loại hàng giả, hàng nhái. Doanh nghiệp nhôm hệ Việt bắt đầu có ý thức về vấn đề bảo hộ thương hiệu cũng như xây dựng hệ thống phân phối ủy quyền để đảm bảo người tiêu dùng dễ dàng nhận biết được đâu là những đại lý uy tín để gửi gắm niềm tin.
Các nhà sản xuất nhôm hệ cũng đã bắt đầu chú trọng tới quyền lợi người tiêu dùng. Điển hình có thể kể đến việc xây dựng tổng đài CSKH toàn quốc của một thương hiệu nhôm mới ra mắt. Đây là một bước tiến hết sức quan trọng của thị trường nhôm hệ. Dịch vụ chăm sóc khách hàng được nâng cao và quản lý không chỉ bởi các đại lý mà bởi chính các doanh nghiệp sản xuất và phân phối. Cả người tiêu dùng, nhà kinh doanh và thương hiệu đều sẽ được lợi nhiều hơn từ một thị trường đang dần dần hoàn thiện theo hướng phát triển bền vững.