MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tốc độ thu nợ tăng lên nhiều đã giúp giảm tỷ lệ nợ xấu

22-05-2018 - 14:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng trong phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, sáng nay (22/5).

TS Nguyễn Đức Kiên
TS Nguyễn Đức Kiên
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội
40 bài viết

 Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, một đóng góp rất quan trọng của Quốc hội đối với ổn định vĩ mô là tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Đến nay Nghị quyết đã mang lại hiệu quả tích cực.

"Đây là thay đổi rất lớn trong cả hệ thống chính trị và trong những người làm công tác điều hành kinh tế", ông Kiên nhấn mạnh và lý giải, từ trước tới nay chúng ta cứ quan niệm, thiếu tiền thì ra ngân hàng vay; vay tiền rồi mà không trả được thì cứ từ từ và nếu không thì kêu lên...

“Triển khai Nghị quyết 42 có nghĩa rằng khách hàng có vay thì phải có trả và đã đưa tài sản bảo đảm vào cam kết phần vay, khi không thực hiện được trả được nợ thì phải thực hiện nghĩa vụ dân sự. Còn các chính sách về an sinh xã hội của Nhà nước thì chúng ta thực hiện riêng. Theo Nghị quyết 42 lần đầu chúng ta làm được như vậy”, TS. Nguyễn Đức Kiên phân tích.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai Nghị quyết 42 cũng giúp cho nền kinh tế vận hành, tiếp cận với quy luật thông thường của nền kinh tế thị trường.

“Chúng ta đã thấy rất nhiều hoạt động thu tài sản bảo đảm trong 4 tháng cuối năm 2017 và thu tài sản bảo đảm với giá trị rất lớn tới 5000 - 7000 tỷ đồng nhưng không làm bất ổn xã hội. Hay nói cách khác là vẫn đảm bảo trật tự xã hội ở khu vực ngân hàng thu hồi tài sản bảo đảm. Ví dụ như Tòa tháp Sài Gòn One có giá trị tới 6.700 tỷ đồng đã được thu nợ”, TS. Nguyễn Đức Kiên dẫn chứng và khẳng định, nhờ Nghị quyết 42 chỉ trong 4 tháng của năm 2017, tốc độ thu nợ đã tăng lên rất nhiều và giảm được tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế.

Nhớ lại quãng thời gian trước năm 2016, nợ xấu thường được xem là “cục máu đông” của nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian gần đây chúng ta đã đang làm tan “cục máu” đó. Quan trọng hơn, qua việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã nâng cao nhận thức người đi vay. Khi khách hàng nhận được nhắc nhở của ngân hàng thì hai bên đã ngồi lại với nhau để đưa ra hướng xử lý.

Trước đó, ngày 21/5, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội. Đối với lĩnh vực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Phó Thủ tướng cho rằng, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng đạt được những kết quả quan trọng. Các ngân hàng thương mại yếu kém được kiểm soát chặt chẽ, tập trung xử lý theo nguyên tắc thị trường. Đến cuối tháng 3/2018, tỷ lệ nợ xấu còn 2,18%...

Theo Đức Nghiêm

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên