Tôi đã có một căn nhà mơ ước nhờ đầu tư vào cổ phiếu này
Tôi biết bạn nghĩ gì khi nhìn bản kế hoạch đầu tư cổ phiếu với mức lãi 133%/ năm của tôi. Nhưng cuối cùng, ước mơ sở hữu căn nhà mơ ước đã nằm trong tầm tay tôi.
Tôi 28 tuổi. Với mọi người, tuổi của tôi chẳng có ý nghĩa gì cả. Còn với tôi, con số 28 tuổi hết sức quan trọng. Tôi cũng đã không định nói điều này ra cho đến khi tôi vô tình đọc được quan điểm của một cô gái trẻ: đàn ông 28 tuổi mà không có 500 triệu thì vứt đi. Tôi cũng không có ý định tranh cãi về quan điểm này vì mỗi người một khác còn bản thân tôi cũng đặt mục tiêu cho mình ít nhất như vậy.
Hồi tết ra, sau hơn 5 năm đi làm, tôi đã lên kế hoạch năm nay sẽ mua được căn nhà và (/để) cưới vợ. Lúc đó, tôi mới có trong tay gần 350 triệu đồng. Số tiền, mà như giới trẻ gần đây hay bàn tán, thì tôi thuộc vào dạng “nhục” nếu năm nay tôi không tích lũy thêm được một khoản đáng kể nữa.
Trong thâm tâm, tôi không cảm thấy mình nhục kể cả không có 500 triệu đồng trước tuổi 28 như một số cô gái mong muốn. Cho đến đầu năm nay, tôi nghĩ mình đã đi đúng con đường đã lựa chọn khi mới ra trường và tích lũy được khoản không nhiều nhưng đã vừa với kỳ vọng của tôi.
Bước sang tuổi 28 khi vừa tết ra, tôi đã lên kế hoạch tậu nhà và (/để) cưới vợ. Nghe thì có vẻ to tát nhưng ở tuổi này, việc cưới vợ cũng không có gì lạ. Còn nhà, tôi nghĩ với người có công ăn việc làm ổn định với mức lương hàng tháng ~20 triệu đồng như tôi thì cũng không quá khó vì bây giờ ngân hàng sẵn sàng cho vay mua nhà (tôi định mua chung cư dưới 1,7 tỷ) với tỷ lệ cho vay lên đến 70% giá trị căn hộ. Tức, tôi cần khoảng hơn 520 triệu để đóng khoản ban đầu và khoảng trên dưới 150 triệu để mua sắm vật dụng tối thiểu.
Hay nói nhanh gọn hơn, tôi đặt kế hoạch kiếm thêm được khoảng 320 triệu trong năm 2016 này để có thể mua được căn chung cư mong muốn.
Tôi lên kế hoạch ngay đầu năm.
-Tôi dự kiến mỗi năm tiết kiệm từ lương 10 triệu đồng/ tháng tương đương 120 triệu đồng/năm. Công việc của tôi ổn định nên tính toán này tôi cho là rất an toàn và thực hiện được. Tôi khá ít nhu cầu tiêu tiền nên thậm chí tôi còn có thể tiết kiệm nhiều hơn.
-Tôi hiện đã có 350 triệu đồng. Trước tết năm nay tôi vẫn gửi tiết kiệm, lãi suất 6,4%/ năm tức nếu tôi vẫn để tiền tiết kiệm thì cuối năm tôi có thêm tầm 20-25 triệu đồng. Đây là điều tôi băn khoăn nhất.
Nếu cứ để tiền tiết kiệm, tôi chắc chắn sẽ không có đủ tiền mua nhà như kế hoạch. Tôi cũng không thể kinh doanh gì thêm vì công việc của tôi làm văn phòng, tôi không đủ thời gian cho việc kinh doanh và bản thân tôi cũng không muốn kinh doanh thêm.
Tôi cho rằng, hợp lý nhất với tôi là đầu tư chứng khoán. Trước đây tôi cũng đã từng đầu tư một chút ít nhưng sau đó để tài khoản vào lãng quên khi thị trường vào giai đoạn không có sóng lớn. Giờ, định mua nhà nên tôi nghĩ tôi sẽ dùng một phần tiền đã có để mua cổ phiếu.
Bài học rủi ro tôi đã nếm từ trước nên tôi tính toán rất kỹ. Tôi quyết định vẫn giữ 200 triệu đồng gửi tiết kiệm còn 150 triệu đồng sẽ mang đi đầu tư. Phần tiết kiệm từ tiền lương hàng tháng tôi vẫn đem gửi tiết kiệm để dễ quản lý và tránh lòng tham, tôi cũng đã từng bị lòng tham khi đầu tư chứng khoán cho ăn trái đắng rồi nên lần này tôi quyết tâm làm theo kế hoạch.
Vậy là, tôi quyết định "bơm" vào thị trường chứng khoán 150 triệu đồng và có sử dụng margin. Tôi chỉ có thể mua nhà nếu 150 triệu đồng của tôi sinh lãi 200 triệu đồng. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn 133%/ năm.
Tôi biết bạn đang nghĩ gì.
Tôi cũng biết kế hoạch của tôi là quá tham vọng và tôi cũng đã đọc bài viết đầy cảnh báo: Đừng quên 70% nhà đầu tư thua lỗ năm 2015 mà CafeF đã đưa ra dịp tết. Tôi hiểu, việc kiếm lãi trên thị trường chứng khoán là khó. Thắng với mức lợi nhuận tôi kỳ vọng thì thật quá ảo tưởng. Nhưng, tôi đã nghĩ rằng: Tôi nào có lựa chọn nào nữa đâu, muốn có nhà thì tôi phải ước mơ. Muốn ước mơ thành hiện thực thì tôi bắt buộc phải hành động. Hành động, tôi chấp nhận rủi ro cao nhất là "cháy tài khoản", quay về với 200 triệu đồng tiết kiệm + 120 triệu đồng tiết kiệm từ lương và từ bỏ ngôi nhà mơ ước ở tuổi 28.
Bạn có nhớ, hồi trước tết năm nay ngành gì hút tiền của thị trường không? Nếu không nhớ, tôi sẽ nhắc lại cho bạn qua bài viết này: Nếu mua nhóm cổ phiếu này trước Tết, nhà đầu tư có thể yên tâm đi du xuân trẩy hội . Thực tế, không phải đến bài viết này tôi mới để ý đến ngành dược, đến cổ phiếu T.. Hồi gần cuối năm 2015, tôi cũng đã đọc bài viết về Phân phối dược phẩm, chiến lược 'rẽ ngang' của T.? và tôi đã để mắt rất nhiều đến cổ phiếu T. cùng chiến lược của doanh nghiệp này. Tôi cũng để tâm đến con sóng mà người ta gọi là "sóng thoái vốn SCIC".
-Một công ty tăng trưởng đều đặn ít nhất 5-7 năm liền
-Một công ty năm nào cũng cổ tức (bằng tiền) đều đặn cho cổ đông
-Một công ty đang có cụm từ "SCIC". Tôi vốn dĩ chỉ cần cụm từ này và tôi không quan tâm nhiều đến nội tình những khúc mắc phía trong đâu.
-Còn cái rẽ ngang nữa. Tôi nghĩ nhiều về chiến lược này của T. Nó tốt gì, nó không tốt gì? Và rồi, tôi hiểu ra, T. không mất gì trong chiến lược này mà đây sẽ là mấu chốt để công ty đạt tăng trưởng đột biến so với chữ "đều đặn" có được dăm bảy năm nay (có lẽ là hơn nhưng tôi chỉ nghiên cứu 5-7 năm qua).
-Còn cái nữa, room ngoại
-Còn cái nữa, thoái vốn...
Tôi tìm được hàng chục lý do ngay trong buổi sáng tôi đọc bài viết yên tâm du xuân trẩy hội để ra quyết định đầu tư vào cổ phiếu T. ngay trong ngày 29/2/2016. Nói là làm, tôi đặt lệnh mua 2.500 cổ phiếu T. (dùng cả tiền margin) với mức giá 91.000 đồng/cổ phiếu nhưng không khớp lệnh. Tôi miệt mài đăng ký mua mấy ngày sau đó nhưng phải đến tận 7/3/2016 tôi mới gom xong 2.500 cổ phiếu tôi cần vì cổ phiếu này giao dịch ít lắm. Giá giao dịch bình quân của tôi là gần 103.000 đồng/cổ phiếu.
Tức, gần 260 triệu đồng đã được tôi sử dụng cho công cuộc đi tìm giấc mơ mua nhà của tôi. Tỷ lệ đòn bẩy vốn của tôi là 72%. Lý do chỉ dùng đến tỷ lệ margin này là vì tôi không mong muốn việc bị "call margin" trong trường hợp cổ phiếu mà tôi lựa chọn giảm giá ngắn hạn. Tôi kiểm soát margin ở mức thấp để rủi ro phải nộp tiền cứu tài khoản về mức thấp.
Không phụ công sức nghiên cứu của tôi, cổ phiếu T. đã tăng lên đến 107.000 đồng/cổ phiếu. Tất nhiên, tôi không bán. Sau đó là chuỗi giảm mấy ngày liền, tôi vẫn không động tĩnh gì. Tôi tin vào nhận định của mình và yên tâm công tác. Làm việc chăm chỉ và kiếm lương đều đặn. Tôi hiểu rằng, bên cạnh giấc mơ mua nhà, tôi còn công việc sẽ nuôi sống tôi và tôi cần trách nhiệm với nó.
Gần 4 tháng đã trôi qua kể từ cái tết với quyết tâm cao độ, tôi nhìn lại khoản đầu tư của mình. Bạn nghĩ, kế hoạch mua nhà của tôi thế nào?
Ngày cuối tuần này, khi tôi ngồi chia sẻ bài viết này, cổ phiếu T. mà tôi đang nắm giữ đạt 118.000 đồng/cổ phiếu. Tôi đã bán cổ phiếu T. hiện có vào 15/6/2016 sau khi đã "lăn chốt" cổ tức và cổ phiếu thưởng (giao dịch không hưởng quyền vào 10/6 vừa qua).
Từ 150 triệu đồng quyết định đầu tư 2.500 cổ phiếu T. từ 29/2/2016, tôi đã đạt thực lãi trước phí giao dịch và lãi vay margin 150 triệu đồng. Cứ xông xênh trừ thuế phí đi 20 triệu đồng (mấy hôm nay tôi bận rộn chưa tính toán được chi ly thuế phí), tôi đạt thực lãi 130 triệu đồng.
Giấc mơ mua nhà của tôi, tôi tin là đã thực hiện được khi mà tôi đã "lăn chốt" cổ phiếu thưởng 10:4 và cổ tức 10% vào 10/6/2016 vừa qua. Lượng cổ tức chờ về (10%) đạt 2,5 triệu đồng trước thuế và lượng cổ phiếu thưởng mà tôi sẽ nhận được là 1.000 cổ phiếu. Lượng cổ phiếu này nếu tính mức giá thị trường hiện tại là 120.000 đồng/cổ phiếu thì tôi sẽ có thêm 120 triệu đồng khi cổ phiếu thưởng được phép giao dịch (thông thường khoảng 3-4 tháng).
Tôi vẫn tin rằng cổ phiếu T. sẽ tăng tiếp thời gian tới đây nhưng tôi tin rằng, giấc mơ mua nhà của tôi đã thực sự trong tầm tay dù bây giờ mới cuối tháng 6. Vì giấc mơ của mình đã thành hiện thực (tôi chỉ còn chờ cổ phiếu thưởng về tài khoản là bán nốt để lấy tiền mua nhà), tôi quyết định không tái đầu tư khoản tiền vừa bán 2.500 cổ phiếu T. nữa. Tôi rút hết toàn bộ thành quả gần 4 tháng qua, gửi tiết kiệm.
Kể câu chuyện này vào ngày cuối tuần tuyệt vời của tháng 6, tôi hy vọng những bạn bè, nhất là những người đồng trang lứa và mang trong mình giấc mơ lớn của mình, khi ước mơ thì hãy cố hết sức thực hiện nó, may mắn sẽ đến với bạn như đã đến với tôi. Tôi cũng chỉ là một người làm việc văn phòng bình thường.