‘Tôi đã xin nghỉ việc và giờ rất hối tiếc’
Có nhiều người nghỉ việc để chuyển sang một công ty khác với mức lương cao hơn nhưng sau đó lại thấy hối tiếc. CEO công ty Korn Ferry gợi ý một số câu hỏi bạn nên trả lời khi cân nhắc việc quay lại công ty cũ.
- 04-11-2021Sếp “già” tái mặt khi đụng độ nhân viên Gen Z: Thích mới làm, không muốn ở văn phòng, liên tục xin nghỉ và dám giao việc cho cấp trên
- 15-07-2021Nghỉ hưu sớm ở tuổi 34 với 3 triệu USD, vài năm sau chàng trai vội vã đi xin việc trở lại nhưng bất thành
- 31-05-2021"Sau khi xem lén bảng lương của đồng nghiệp, tôi đã xin nghỉ việc vì xấu hổ": Khi còn trẻ phải sớm học kiếm tiền, lập kế hoạch và tiếp thu nhiều kiến thức kinh tế học
Bài viết là chia sẻ của Gary Burnison, tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy và CEO công ty tư vấn Korn Ferry.
Năm 2021, thị trường lao động Mỹ chứng kiến làn sóng nghỉ việc chưa từng có với khoảng 47,4 triệu người quyết định từ bỏ công việc của mình. Theo một cuộc thăm dò của ResumeBuilder.com với 1.250 người lao động Mỹ, 23% trong số đó sẽ tìm kiếm công việc mới trong năm nay.
Đây là thị trường việc làm nóng nhất mà chúng ta từng thấy. Nhưng không phải ai cũng thành công sau khi rời bỏ công việc cũ.
Với vai trò là CEO của công ty tư vấn Korn Ferry, tôi đã dành hơn một thập kỷ để tư vấn cho mọi người ở mọi giai đoạn trong hành trình tìm kiếm việc làm của họ. Và trong vài tháng qua, tôi thấy một chủ đề chung: Nhiều người ước rằng họ đã không bỏ việc đột ngột như vậy.
Một trong những câu hỏi gần đây tôi nhận được và thấy rất hay là : “Tôi đã rời bỏ công việc của mình để chuyển sang một vị trí lương cao hơn ở một công ty khác. Bây giờ tôi rất đau khổ và hối hận về điều đó. Tôi có nên đề nghị quay lại công ty cũ?”
Nhiều người ước rằng họ đã không bỏ việc một cách vội vàng. Ảnh: Getty Images
Phải làm gì khi bạn thấy hối hận vì đã bỏ việc?
Dù nó đem lại cảm giác không mấy dễ chịu, trải qua sự tiếc nuối khi nghỉ việc lại có thể là một cơ hội tuyệt vời giúp bạn hiểu thêm về bản thân mình và những gì bạn thật sự muốn trong sự nghiệp.
Sẽ chẳng có gì sai nếu bạn quyết định quay lại làm việc trong công ty cũ, nhưng điều quan trọng bạn cần lưu ý rằng có thể những lý do khiến bạn ra đi nó vẫn như vậy, chẳng có gì thay đổi cả. Và có thể bạn muốn quay lại chỉ đơn giản vì đó là con đường quen thuộc nhất.
Dưới đây là 5 câu hỏi bạn nên cân nhắc trước khi quay lại công ty cũ:
1. Bạn có cắt mất đường lùi của mình khi rời đi?
Hãy suy nghĩ kỹ về cách bạn đã cư xử trong những ngày cuối cùng ở công ty. Lý do nào khiến bạn nghỉ việc? Mọi người phản ứng ra sao?
Nếu bạn trút hết nỗi thất vọng và hành động một cách tiêu cực thì có thể bạn sẽ không còn đường quay lại. Nếu không có các mối quan hệ bền chặt, bạn cũng khó quay lại công việc một cách thoải mái.
Vì vậy, ngay cả trong những tình huống khiến bạn khó chịu, bạn cũng không nên “cắt đường lùi” của mình. Quay lại công việc cũ có thể là một cơ duyên. Bên cạnh đó, nghỉ việc không có nghĩa là mối quan hệ với các đồng nghiệp cũ chấm dứt. Rất có thể bạn sẽ cần họ hỗ trợ trong tương lai.
Cần suy nghĩ kỹ trước khi quay lại công ty cũ. Ảnh: Westend61 |
2. Tại sao bạn nghỉ việc?
Có nhiều lý do khiến bạn quyết định nghỉ việc. Có thể bạn không hòa hợp với đồng nghiệp của mình. Nếu đúng như vậy, liệu có gì thay đổi khi bạn quay trở lại không? Hãy đảm bảo bạn không gặp phải những vấn đề tương tự.
Quyết định nghỉ việc cũng có thể liên quan đến lương thưởng. Thông thường, mọi người bỏ việc để tìm một công việc được trả lương cao hơn mà không cân nhắc những chế độ phúc lợi khác.
Đúng, tiền rất quan trọng. Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng nó chỉ liên quan một chút đến sự hài lòng trong công việc. Công việc có ý nghĩa, các mối quan hệ bền chặt và cơ hội phát triển có thể có giá trị hơn nhiều
3. Bạn có phát triển được các kỹ năng của mình hay không?
Nếu bạn không thể học hỏi và phát triển trong công việc cũ, vậy tại sao bạn phải quay lại?
Lý do tốt nhất để đón nhận một cơ hội mới là để bạn có thể mở rộng kiến thức và học hỏi những kỹ năng mới. Điều này có thể giúp bạn tăng lương và thăng tiến.
Bạn không muốn trở lại với một vai trò giống hệt như khi bạn rời đi, đặc biệt là nếu bạn cảm thấy như mình đang bị “đóng khung” ở đó.
4. Bạn có thích sếp của mình không?
Đây không chỉ là vấn đề về tính cách. Sếp có ảnh hưởng nhiều hơn bất kỳ ai đến khả năng phát triển của bạn. Họ là người đưa ra quyết định có giao cho bạn những nhiệm vụ dài hơi hay bổ sung trách nhiệm nhằm xây dựng kỹ năng và kinh nghiệm hay không.
Trong sự nghiệp của mình, tôi từng nhận 4 công việc vì tôi muốn làm việc và học hỏi từ một vị sếp cụ thể. Không gì bằng làm việc cho một người hỗ trợ bạn, đầu tư vào thành công của bạn và cho bạn nhiều không gian để phát triển.
5. Bạn có cảm thấy việc quay trở lại giống một ý tưởng tồi không?
Giả sử vị trí của bạn đã có người thay thế; bạn đã cắt mất đường lùi; bạn không thể phát triển hoặc cấp trên của bạn không phải một vị sếp tốt. Cho dù bạn làm gì, đừng vội vã từ bỏ công việc hiện tại và dựa vào việc sẽ quay lại công ty cũ.
Hãy lập kế hoạch B và kiên trì thực hiện.
Phải làm gì nếu quay lại công việc cũ không phải là một lựa chọn
Mọi người từng tiếp cận con đường sự nghiệp của mình như những nấc thang, đi từ từ và ổn định lên phía trên với đôi mắt hướng về nơi họ muốn trong 10 năm nữa.
Tuy nhiên, ngày nay, những con đường sự nghiệp thường giống mê cung đầy quanh co và người tìm việc thường đặt ra các mục tiêu để tập trung trong khoảng 2-3 năm. Điều này cho phép bạn có thể chuyển dịch và khám phá nhiều hơn trong sự nghiệp của mình.
Với tư duy đó, hãy lập danh sách các công ty mà bạn muốn làm việc trong giai đoạn này của cuộc đời. Những vai trò nào sẽ phù hợp nhất với bạn? Bạn muốn làm việc cho những vị sếp như thế nào? Sau đó, có thể nhờ đến các mối quan hệ trong mạng lưới của mình giới thiệu cho bạn một công việc phù hợp.
Khi được mời đến phỏng vấn, hãy thực sự tập trung vào việc kể câu chuyện của bạn. Hãy khiến nhà tuyển dụng thấy bạn thật sự đáng tin tưởng và tạo sự kết nối. Với rất nhiều xu hướng và thay đổi xảy ra cùng một lúc trên thị trường việc làm, họ sẽ thấy chẳng có vấn đề gì khi bạn từ bỏ công việc cũ không phù hợp để tìm kiếm một cơ hội mới tốt đẹp hơn.
Người đồng hành