MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Tôi học giỏi, nhưng cô đơn" - Tâm sự của học sinh các trường top đầu về cơn ác mộng ám ảnh học đường: Bắt nạt và tẩy chay

22-08-2020 - 18:06 PM | Sống

Sự thật kỳ lạ, khi càng ở trường danh tiếng hàng đầu, nạn bắt nạt càng có thêm những khía cạnh mới.

Adrian (tên nhân vật đã được thay đổi) từng học tại một trường cấp 2 hàng đầu của Singapore. Lớp của cậu cũng thuộc hàng top về khoa học trong trường.

Với bất kỳ ai, vào được lớp học ấy là một thành tựu lớn. Nhưng Adrian chưa bao giờ cảm thấy thế. Thời đi học của cậu là một khoảng thời gian đen tối, với những trận bắt nạt không hồi kết.

Thời điểm trả lời phỏng vấn với tờ The New Paper vào năm 2015, Adrian khi đó 21 tuổi, chuẩn bị vào đại học. Anh chia sẻ mình đã trở thành tâm điểm của sự chú ý khi luôn đứng đầu trong các môn xã hội, trong khi thể hiện kém với những môn khoa học. Vì thế, bạn bè trong lớp bắt đầu xa lánh anh.

Tôi học giỏi, nhưng cô đơn - Tâm sự của học sinh các trường top đầu về cơn ác mộng ám ảnh học đường: Bắt nạt và tẩy chay - Ảnh 1.

"Mọi chuyện khởi đầu bằng những yêu cầu tôi phải tìm cách tự hạ điểm trong các môn xã hội. Sau đó là hò hét vui sướng mỗi khi tôi có điểm kém với các môn khoa học," - Adrian chia sẻ.

Họ tẩy chay Adrian. Cả lớp cô lập cậu trong các giờ ra chơi và vào giờ nghỉ giữa các bài học.

Adrian sau đó tham gia giành một chương trình học bổng xã hội của một trường cao đẳng - giải thưởng hết sức cao quý đối với các học sinh của trường. Nhưng tại đây, cậu lại bị bắt nạt.

Tại Singapore có nhiều trường cấp 2 với số năm học khác nhau. Học sinh có thể chọn học cao đẳng từ 17 tuổi, sau đó mới vào đại học.

"Tôi thấy mình rơi vào một tình huống rất không bình thường, khi lớp mới xem tôi là thằng đến từ khoa tự nhiên, còn bạn học cũ thì hăm dọa bởi tôi có thành tựu mới. Rốt cục, cả hai nhóm chẳng ai muốn chơi với tôi cả."

"Có vài người cũng tốt, nhưng nhìn chung tôi có cảm giác mình bị cô lập hoàn toàn," - Adrian trải lòng.

Cũng giống như thời cấp 2, bạn bè cùng lớp né tránh Adrian vào mỗi giờ nghỉ. Còn khi vào lớp, chẳng ai muốn ngồi chung với cậu.

Adrian chia sẻ, sự cô lập một phần đến từ việc cậu không thể thích nghi với định kiến học tập trong trường. Phần khác, là do cậu có những hành động khá kỳ quặc, khiến bạn bè né tránh. Theo lời cậu bạn cùng lớp của Adrian - một trong số những người bạn hiếm hoi mà cậu có được: "Thực sự rất khó nói chuyện với cậu ta, cảm giác chúng tôi không cùng tần số ấy."

"Đôi khi, cậu ta nhầm lẫn sự thân thiện với gần gũi, khiến người ngồi cạnh cảm thấy không thoải mái."

Và Adrian không phải học sinh duy nhất tại các trường top đầu Singapore từng chịu đựng việc bắt nạt. Trên thực tế, ở các ngôi trường có sự cạnh tranh cao cũng đồng nghĩa với một khía cạnh khác của việc bắt nạt. Tiến sĩ Lim Boon Leng, chuyên gia tâm lý từ Bệnh viện Gleneagles (Singapore) cho biết một số học sinh có thành tích cao có thể khiến bạn học ghen tị. Tuy nhiên, đa số các học sinh thể hiện thua sút so với mặt bằng chung mới bị cô lập.

"Việc bắt nạt có thể xảy ra với bất kỳ ngôi trường nào, nên tôi không thể nói các trường top đầu có nhiều người bị bắt nạt hơn. Tuy nhiên ở đó, học sinh thường có cái tôi rất lớn, ý thức cạnh tranh cao và có sự gắn kết thông qua chủ nghĩa tinh hoa," - ông Lim giải thích.

"Vì vậy, họ có xu hướng cô lập hoặc bắt nạt những người được cho là 'không cùng đẳng cấp'."

Hệ quả từ những kẻ bắt nạt

Tác động của việc bị bắt nạt là rất lớn - theo nhận định của ông Daniel Koh, nhà tâm lý học từ Insights Mind Centre. "Tại các trường hàng đầu, việc được ở trong một nhóm, được thừa nhận, hoặc trở nên nổi bật là điều gì đó khá quan trọng. Nếu bị cô lập, điều đó sẽ gây ra rất nhiều ảnh hưởng."

Trên thực tế, nạn bắt nạt tại các trường điểm không chỉ giới hạn ở Singapore. Năm 2009, đã có một vụ bắt nạt qua mạng (cyber-bullying) xảy ra tại Ascham - trường trung học tư nhân hàng đầu của Úc, và khiến 2 học sinh bị đuổi học. Theo báo cáo điều tra, 2 học sinh này đã đăng thông tin cá nhân của một số bạn trong lớp kèm theo những lời bình ác ý lên mạng xã hội.

Một cựu học sinh của trường từng là nạn nhân cho biết, bắt nạt là một nét văn hóa của ngôi trường này. Một số học sinh thậm chí đã bỏ học chỉ vì bị tẩy chay.

Và dĩ nhiên, người bị bắt nạt sẽ cảm thấy cô đơn cùng cực.

"Khi một người bị tẩy chay, những kẻ bắt nạt rõ ràng đang chơi một trò không cân bằng về quyền lực, khiến mối quan hệ của nạn nhân với bạn bè đồng trang lứa trở nên tách biệt," - bà Tan Kai Lin, cố vấn chương trình Bully-Free tại Singapore cho biết.

Tẩy chay là một dạng bắt nạt về cảm xúc. Nó để lại vết sẹo lớn trong lòng, và rất khó để phục hồi. Tiếc thay, vết thương ấy là vô hình, rất khó để nắm bắt.

Bà Tan cho biết, có 4 kiểu bắt nạt phổ biến: bằng lời nói, bằng mối quan hệ, bằng thể chất, và qua internet. Bắt nạt cảm xúc được phân vào 2 loại lời nói và quan hệ. Còn tẩy chay chính là một dạng bắt nạt quan hệ.

Tệ hơn nữa, việc bị tẩy chay là một dạng hành vi nhóm. Theo Daniel Koh, nạn nhân không chỉ bị một người tẩy chay, mà là rất nhiều người. Nó tạo ra chấn động tâm lý lớn hơn. Người bên ngoài cũng không sẵn sàng lên tiếng dù biết hành vi ấy là sai trái, vì sợ chính mình cũng bị tẩy chay.

Tiến sĩ Lim cho biết, nạn nhân bị tẩy chay có thể bị chấn động tâm lý, thậm chí hình thành rối loạn lo âu hoặc trầm cảm. Một số trường hợp dẫn đến tự sát.

Bắt nạt cần lý do không?

1. Sự khác biệt về hình thức

Ming (tên nhân vật đã được thay đổi) là một cựu học sinh trong trường top đầu, và cũng là nạn nhân bị bắt nạt. Lý do vì cậu bị thừa cân và được miễn khỏi bài kiểm tra thể dục của trường.

Trên thực tế, sự khác biệt về hình thức và thể chất thực sự rất khó giải quyết. Ming thừa cân, cậu chẳng thể che giấu nó được, và bị bắt nạt vì điều đó. "Tính nhỏ nhen và trẻ con là điều tồn tại ở bất kỳ đâu, dù là trường nào cũng vậy."

Tôi học giỏi, nhưng cô đơn - Tâm sự của học sinh các trường top đầu về cơn ác mộng ám ảnh học đường: Bắt nạt và tẩy chay - Ảnh 2.

Một người bạn cùng lớp đã đứng lên chống lại khi phải chứng kiến quá nhiều điều quá quắt xảy ra với Ming. "Dù đúng là cậu ta có khác biệt, nhưng đó không phải là lý do để làm thế (bắt nạt). Những kẻ đó đã đi quá xa," - cậu bạn giấu tên này cho biết.

Theo người bạn này thuật lại, những kẻ bắt nạt liên tục trêu chọc, cấu véo vào Ming, đặc biệt là tại vùng bụng. Ming không thể phản kháng vì không đủ sức - những kẻ bắt nạt cậu hầu hết đều có chơi thể thao.

"Nó xảy ra mỗi ngày. Chỉ cần xuất hiện trong lớp, tôi sẽ luôn là mục tiêu. Thế nên bất kỳ lúc nào có cơ hội, tôi trốn sang lớp khác." - Ming chia sẻ.

Một vài người bạn đứng về phía Ming, nhưng nỗ lực của họ là vô ích khi phải chống lại số đông. "Một số người còn đổi phe, lúc thì bênh vực tôi, lúc lại cùng với số đông tham gia chọc ghẹo, bắt nạt."

2. Những người thua sút trình độ

John (tên nạn nhân đã được thay đổi) cũng tham gia vào chương trình học bổng của một trường cao đẳng. Và cậu nhanh chóng nhận ra sự khác biệt.

"Có cảm giác tất cả đang cạnh tranh vì những suất học bổng danh giá. Hiển nhiên, nó mang lại áp lực."

John bị bắt nạt. Cậu cho biết, việc sách vở, máy tính bỏ túi biến mất ngay sát giờ kiểm tra là điều rất thường xuyên xảy ra.

Tôi học giỏi, nhưng cô đơn - Tâm sự của học sinh các trường top đầu về cơn ác mộng ám ảnh học đường: Bắt nạt và tẩy chay - Ảnh 3.

Theo lời một nữ sinh giấu tên cũng đạt học bổng, thì giải thưởng ấy đôi khi sẽ trở thành bệ phóng để tới được ĐH Oxford hoặc Cambridge. Đó quả thực là nguồn động lực lớn, nhưng sẽ khiến một số người cảm thấy tự ti.

Chẳng hạn khi một người cảm thấy chưa theo kịp và cần giúp đỡ, họ sẽ lập tức bị cô lập bởi những người khác. Đây là tình trạng rất phổ biến ở những ngôi trường hàng đầu, khi sự cạnh tranh giành học bổng và lời giới thiệu đến đại học danh giá là cực kỳ cao.

Nguồn: The New Paper

Theo J.D

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên