Tôm nuôi chết hàng loạt ở 8 tỉnh ĐBSCL do nóng, mặn
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản tại tám tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đến ngày 17-5 đã có 81.413 ha tôm nuôi bị thiệt hại, cao gấp bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái.
- 28-04-2016Cá chết, tôm chết, nghêu chết, làng chài điêu đứng
- 09-04-2016Trà Vinh: Tôm chết hàng loạt vì nắng nóng và mặn
- 22-03-2016Hàu, tôm, cá chết vì nước mặn
Con số được nêu tại hội nghị giao ban nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang) ngày 19-5 tại tỉnh Bạc Liêu do Bộ NN&PTNT tổ chức.
Theo đó, địa phương có diện tích thiệt hại nhiều nhất là Cà Mau (52.467 ha), kế đến là Kiên Giang 13.776 ha, Bạc Liêu 12.322 ha… Hầu hết diện tích thiệt hại đều rơi vào mô hình lúa - tôm, nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến.
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, ngoài nguyên nhân tôm chết bất thường do thời tiết nắng nóng, độ mặn tăng cao (có nơi tăng tới 70 phần ngàn), tôm chết còn do chất lượng con giống, kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám yêu cầu các địa phương đặc biệt chú ý đến đời sống người nông dân ở mô hình lúa - tôm vì họ đã chịu thiệt hại từ cây lúa, nay lại thiệt hại về tôm khiến khó khăn chồng chất khó khăn.
Ông Tám cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT cần có dự báo kịp thời, thống nhất lịch thời vụ để nông dân nắm, xuống giống bù vào số diện tích đã thiệt hại.
Tuổi trẻ