MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tồn kho ngành thép tăng nhẹ sau quý đầu năm, doanh nghiệp thép lại “đau đầu” vì giá

Tồn kho ngành thép tăng nhẹ sau quý đầu năm, doanh nghiệp thép lại “đau đầu” vì giá

Xu hướng giảm của giá thép nếu tiếp diễn sẽ khiến áp lực dự phòng tăng trở lại trên các doanh nghiệp thép trong thời gian tới dù mức độ có thể không lớn như giai đoạn tồn kho cao kỷ lục giữa năm ngoái.

Sau hai quý sụt giảm mạnh liên tiếp, tồn kho toàn ngành thép đã nhích nhẹ trở lại sau quý đầu năm nay. Tổng lượng tồn kho (đã bao gồm dự phòng giảm giá) của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán cuối quý 1 ước tính vào khoảng 68.000 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ so với thời điểm cuối năm ngoái.

Thực tế, sau khi đẩy lượng tồn kho lên mức kỷ lục vào cuối quý 2/2022, các doanh nghiệp thép đã đồng loạt giảm mạnh tích trữ trong nửa cuối năm. Tồn kho toàn ngành thép thời điểm 31/12 rơi xuống mức thấp nhất kể từ quý 1/2021. Dù tăng nhẹ sau quý đầu năm nay nhưng tồn kho của các doanh nghiệp thép vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung giai đoạn quý 2/2021 đến quý 3/2022.

Tồn kho ngành thép tăng nhẹ sau quý đầu năm, doanh nghiệp thép lại “đau đầu” vì giá - Ảnh 2.

Nhìn chung, tồn kho của các doanh nghiệp thép không có nhiều biến động lớn sau quý đầu năm. Hoa Sen Group (HSG) là cái tên duy nhất có lượng tồn kho tăng trên 1.000 tỷ đồng trong khi doanh nghiệp giảm mạnh tồn kho nhất là Thép Nam Kim (NKG) cũng chỉ có mức giảm hơn 500 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm ngoái.

Trong quý 1, tồn kho của “anh cả” Hòa Phát (HPG) gần như đi ngang ở mức 34.000 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng giá trị tồn kho của toàn ngành thép. Đáng chú ý, dự phòng giảm giá tại thời điểm 31/3 của doanh nghiệp này chỉ chưa đến 290 tỷ đồng trong khi con số cuối năm ngoái lên đến hơn 1.200 tỷ đồng.

Tồn kho ngành thép tăng nhẹ sau quý đầu năm, doanh nghiệp thép lại “đau đầu” vì giá - Ảnh 3.

Không chỉ riêng Hòa Phát, hầu hết các doanh nghiệp thép như Hoa Sen Group, Thép Nam Kim, VnSteel (TVN), Pomina (POM),… cũng đều đã giảm mạnh dự phòng giảm giá so với thời điểm cuối năm ngoái. Xu hướng tăng của giá thép trong 3 tháng đầu năm là yếu tố chủ yếu giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực dự phòng giảm giá.

Dù vậy, giá thép sau đó đã có dấu hiệu đảo chiều và bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 4 đến nay. Giá thép thanh vằn tại Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2022; giá một số loại thép trong nước cũng đã giảm khoảng 1 triệu đồng/tấn trong một tháng qua. Xu hướng này nếu tiếp diễn sẽ khiến áp lực dự phòng tăng trở lại trên các doanh nghiệp thép trong thời gian tới dù mức độ có thể không lớn như giai đoạn tồn kho cao kỷ lục giữa năm ngoái.

Tồn kho ngành thép tăng nhẹ sau quý đầu năm, doanh nghiệp thép lại “đau đầu” vì giá - Ảnh 4.

Mặt bằng giá thép duy trì ở mức thấp

Nhận định về xu hướng của loại mặt hàng này, VCBS kỳ vọng giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng giá thấp như hiện nay cho tới cuối 2023 do (1) Nhu cầu thép chưa hồi phục do thị trường nhà ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu ấm lên; (2) Các doanh nghiệp sản xuất thép cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho khi liên tục tái hoạt động nhà máy trong khi nhu cầu chưa bắt kịp, (3) các nhà máy tại Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa do động đất không ảnh hưởng quá lớn tới nguồn cung thật sự.

Giá thép trong nước sau đà giảm liên tiếp đã đi ngang ở mốc 14,5 triệu đồng/tấn (thấp nhất) và hồi phục nhẹ lên mức 15,5 triệu đồng/Tấn. Tình trạng này đến từ (1) Áp lực giảm giá theo giá thép thế giới; (2) Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước có mức sụt giảm mạnh trong Q3/2022 làm các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy bán nhanh hàng tồn kho; (3) Chi phí sản xuất thép sụt giảm.

Tồn kho ngành thép tăng nhẹ sau quý đầu năm, doanh nghiệp thép lại “đau đầu” vì giá - Ảnh 5.

VCBS đánh giá giá thép ở mức 14,5 triệu đồng/kg đã là mức đáy của thép thanh do ở mức giá này các doanh nghiệp sản xuất thép bằng công nghệ lò điện EAF duy trì mức biên lợi nhuận gộp hòa vốn hoặc lỗ. Tuy nhiên, chu kỳ giá thép sẽ có biến động tương quan với giá thép Trung Quốc như đã nhận định ở phần trước đó và khó có thể tăng giá mạnh trong thời gian tới.

Đánh giá chung về ngành thép, VCBS cho rằng rào cản lớn đối với tăng trưởng ngành thép 2023 đến từ khó khăn của ngành bất động sản. Đây là lĩnh vực chiếm tới 60% lượng tiêu thụ thép trong nước nhưng hiện đang gặp thách thức do khó tiếp cận nguồn vốn mới, rủi ro pháp lý vẫn hiện hữu. Đầu tư công được kỳ vọng sẽ tạo lực đỡ cho nhu cầu thép nhưng đóng góp chưa thực sự đáng kể do tỷ trọng của thép trong đầu tư công là không nhiều.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên