MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổn thương đốt sống, gãy xương sườn sau khi nắn bẻ khớp

30-05-2023 - 08:59 AM | Sống

Không ít người trở thành nạn nhân của trào lưu nắn bẻ xương khớp trên TikTok khi bị tổn thương đốt sống, gãy xương…

Từ giữa năm 2021, anh Huỳnh Hà (35 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) cảm thấy nhức mỏi lưng nên đã tìm đến nhà một "thầy lang" để nắn bẻ khớp. Sau khi bẻ xương, anh Hà cảm thấy toàn thân bải hoải, suy sụp, sờ tay ra phía sau lưng các chỗ nắn cột sống đau nhói; cảm giác bị trượt, lệch đốt sống ra ngoài. Bên cạnh đó, khi vận động, hít thở mạnh hay tập thể dục đều thấy đau.

Bệnh nhân sau đó đi khám, điều trị nhiều nơi nhưng tình trạng vẫn không giảm. Vào ngày 26/5 vừa qua, đến khám tại Bệnh viện 1A (TPHCM), trên phim X-quang lồng ngực và cột sống, bác sĩ nhận thấy, đốt sống ngực T5-T6 của anh Hà bị tổn thương nứt vỡ ngay khớp sụn sườn hai bên. Xương sườn số 10 bên trái bị gãy zíc zắc gần khớp sụn xườn; khớp sụn sườn 11,12 bị tách so với các khớp khác.

Theo bác sĩ, do từ lúc tổn thương đến nay, bệnh nhân không nghỉ ngơi, vận động thường xuyên, vặn người… nên xương, khớp không lành trong thời gian dài.

Trước đó, bà P.K.A. (50 tuổi) cũng bị gãy xương sườn 12, phạm khớp sườn cột sống do đi bấm huyệt, bẻ khớp...

Trước khi nhập viện, do cảm thấy mệt mỏi và đau lưng nên bà A. được người quen giới thiệu đến một địa điểm trên địa bàn TP. Thủ Đức (TPHCM) để  bấm huyệt và bẻ khớp. Trong lúc thực hiện, bà A. cảm thấy đau nhói ở vùng thắt lưng phải nhưng nhân viên nói "không sao" và tiếp tục bẻ khớp.

Tổn thương đốt sống, gãy xương sườn vì sau khi nắn bẻ khớp - Ảnh 1.

Nhiều bệnh nhân là nạn nhân của nắn bẻ xương khớp, một trào lưu trên TikTok

Sau buổi thứ hai, bà A. cảm thấy quá đau, không đi lại được, khó thở, nằm mệt nên đến Bệnh viện 1A để thăm khám, điều trị. Để điều trị gãy xương, người bệnh phải dùng laser và thuốc giảm đau tại chỗ. Sau 15 phút, bệnh nhân có thể ngồi dậy và đi lại được. Người bệnh được kê đơn thuốc điều trị ngoại trú, kết hợp nghỉ ngơi, hạn chế cử động vùng thân trong một tháng để xương sườn lành. Sau khi ổn định, bà A. tiếp tục chữa đau thắt lưng và thoát vị đĩa đệm.

Bác sĩ Calvin Q Trịnh, Trưởng Trung tâm hiệu chỉnh cơ xương khớp - Bệnh viện 1A cho biết, gần đây, Bệnh viện tiếp nhận nhiều ca bệnh là nạn nhân của nắn bẻ xương khớp. Đây là hậu quả theo trào lưu trên TikTok, một số "thầy lang" hay kỹ thuật viên dùng lực quá mạnh với mục đích tạo tiếng kêu to như trên các video để chứng tỏ "tay nghề", chưa đề cập đến việc có đúng kỹ thuật hay không.

"Nắn bẻ các khớp, đặc biệt các khớp cột sống phải đảm bảo sức khỏe cột sống trước khi thực hiện kỹ thuật này, phải đảm bảo các đốt sống không bị trợt, xẹp, nứt vỡ.. nếu không có thể gây tổn thương tủy và liệt, thậm chí tử vong", bác sĩ Calvin Q Trịnh nói và lưu ý nắn chỉnh khớp là kỹ thuật làm tăng biên độ vận động của khớp, giảm căng mỏi, tê cứng, thư giãn trong thời gian ngắn. Không nên sử dụng thường xuyên và không phải cứ phải bẻ cho kêu to mới là hiệu quả mà phải đánh giá trước và sau điều trị.

Theo Đông Quân

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên