MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN): Kế hoạch lãi trước thuế 216 tỷ đồng năm 2020

Ước tính lãi trước thuế năm 2020 của Tổng công ty Dược Việt Nam giảm hơn 10% so với năm 2019.

Ngày 28/5 tới đây Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm – mã chứng khoán DVN) sẽ tổ chức họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Hiện công ty đã công bố các tài liệu dự kiến trình Đại hội cổ đông lần này.

Kết quả kinh doanh năm 2019

Theo báo cáo của Hội đồng quản trị, ước tính doanh số bán dược phẩm trong cả nước năm 2019 đạt khoảng 6,6 tỷ USD và dự kiến chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam sẽ tăng trưởng trong các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, thông tư về việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập vừa được sử đổi, hoàn thiện, trong đó bổ sung thêm 483 loại thuốc sản xuất trong nước cũng giúp các doanh nghiệp ngành dược trong nước gia tăng doanh số.

Kết quả cụ thể, năm 2019, doanh thu thuần đạt 5.693 tỷ đồng giảm 5,1% cùng kỳ và LNTT đạt gần hơn 241 tỷ đồng tăng 10,8% cùng kỳ năm 2018. Với mục tiêu doanh thu 6.329 tỷ đồng và LNTT 218 tỷ đồng thì kết thúc năm 2019 DVN mới chỉ hoàn thành được 90% mục tiêu doanh thu và vượt 10,7% mục tiêu lợi nhuận. LNST đạt gần 229 tỷ đồng tăng 10,8% so với năm 2018 tương đương EPS đạt 822 đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 207 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của DVN ghi nhận gần 5.710 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với thời điểm đầu năm. Tài sản ngắn hạn ghi nhận 3.523 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho (chủ yếu là hàng hóa) vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt ghi nhận 1.582 tỷ đồng và 1.293 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh năm 2020

Năm 2020 dự kiến là năm nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đối với ngành dược Việt Nam, nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ (chiếm hơn 80% tổng giá trị nguyên liệu dược nhập khẩu) bị thiếu hụt trong ngắn hạn do dịch bệnh diễn ra mạnh ở một số tỉnh tập trung các cơ sở sản xuất kinh doanh nguyên liệu dược phẩm ở Trung Quốc khiên nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu khẩn cấp 13 loại hoạt chất thuộc nhóm giảm đau – hạ sốt và nhóm Vitamin do không nhập được nguyên liệu ban đầu từ Trung Quốc.

Ở trong nước, tiến độ hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài bị trì hoãn do việc di chuyển của các chuyên gia bị hạn chế...

Tuy vậy, đánh giá chung, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không đáng kể tới đầu ra các doanh nghiệp dược phẩm nội địa, doanh thu tăng do tâm lý tích trữ và nhu cầu bảo vệ sức khỏe. Nhu cầu về khẩu trang, nước rửa tay cũng tăng, tuy vậy không đáng kể do đây không phải là mặt hàng kinh doanh chính, và thị trường phân mảnh với sự cạnh tranh của hơn 100 doanh nghiệp sản xuất vật tư ý tế, sản phẩm vệ sinh cá nhân hoặc/và mỹ phẩm.

Nhu cầu các sản phẩm vitamin và tăng cường miễn dịch tăng, tuy nhiên thị phần lại thuộc về các sản phẩm nước ngoài, sự cạnh tranh của các sản phẩm nội địa thấp khi các doanh nghiệp Việt có khả năng sản xuất giảm từ 4.190 doanh nghiệp xuống còn 300 doanh nghiệp sau khi Nghị định siết chắc tiêu chuẩn sản xuất HS-GMP cho sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng có hiệu lực từ tháng 7/2019.

Nhận định chung, thị trường kinh doanh dược phẩm trong nước đang cạnh tranh rất gay gắt, trong đó đặc biệt là sự cạnh tranh về giá khiến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp giảm sút.

Do vậy năm 2020 Vinapharm đặt mục tiêu đạt 5.853 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng nhẹ 1% so với thực hiện năm 2019. Dự kiến các công ty liên doanh liên kết mang về khoảng 128 tỷ đồng lãi.

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 216,1 tỷ đồng, giảm 10,5% so với lợi nhuận đạt được năm 2019.

Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN): Kế hoạch lãi trước thuế 216 tỷ đồng năm 2020 - Ảnh 1.

Nguyên Phương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên