MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng cục Thuế phản hồi việc Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc nói thất thu thuế 94%

Tổng cục Thuế đã có phản hồi về phát biểu của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc tại Quốc hội về con số thất thu thuế.

Ngày 16-11, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã tổ chức họp báo cũng cấp một số thông tin liên quan đến dự án Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) đang được thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Trong đó, đại diện Tổng cục Thuế cũng đã có những phản hồi liên quan đến phát biểu của Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc về việc cơ quan thuế để sót, lọt nguồn thu là hết sức lớn tại buổi thảo luận ở Quốc hội chiều 15-11. Ông Phớc dẫn ví dụ đối chiếu các DN ngoài quốc danh 2 năm vừa rồi, cho biết thất thu thuế 94% so với số đối chiếu.

Tại họp báo, ông Phạm Ngọc Lai, Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra thuộc Tổng cục Thuế, cho biết không bình luận về số liệu của Tổng KTNN Hồ Đức Phớc bởi đó là số liệu của cơ quan kiểm toán đưa ra và ngành thuế chưa nắm được việc này. Tuy nhiên, ông Lai khẳng định ngành thuế luôn phối hợp chặt chẽ với KTNN, Thanh tra Chính phủ.

Tổng cục Thuế phản hồi việc Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc nói thất thu thuế 94% - Ảnh 1.

Đại diện Tổng cục Thuế trả lời một số nội dung về dự án Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) - Ảnh: Minh Chiến

"Khi KTNN tiến hành kiểm toán ngân sách tại 1 địa phương, sẽ có 1 tổ kiểm toán tại cơ quan thuế. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đều đã có các văn bản chỉ đạo Cục Thuế các địa phương phối hợp chặt chẽ, cung cấp hồ sơ cho cơ quan kiểm toán" - ông Lai nói.

Ông Lai cho biết sau khi kết thúc, cơ quan kiểm toán sẽ lập biên bản kiểm soát, đối chiếu, từ đó ra số chênh lệch về thuế, những sai phạm về thuế của các doanh nghiệp. Theo ông Lai, có thể thời điểm KTNN vào kiểm toán thì doanh nghiệp chưa kê khai thuế, nhưng sau đó doanh nghiệp đã kê khai bổ sung vì Luật Quản lý thuế hiện hành cho phép khai bổ sung. "Tuy nhiên, lúc này cơ quan kiểm toán đã xếp doanh nghiệp đó vào diện sai phạm. Do vậy, một số doanh nghiệp phản ánh với chúng tôi kết luận họ sai phạm là chưa thật sự chính xác" - ông Lai nói.

Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra cũng nhấn mạnh theo kế hoạch thanh tra hàng năm của Tổng cục Thuế, số vụ việc phát hiện có vi phạm cũng rất lớn, tỉ lệ trên 90%. Theo ông Lai, cơ quan thuế áp dụng cơ chế quản lý rủi ro, nên hàng năm phân tích rủi ro để chọn các doanh nghiệp thanh tra, tỉ lệ phát hiện vi phạm cũng rất nhiều.

Tuy nhiên, ông Lai cho biết sai phạm này cũng tùy vào từng trường hợp, có doanh nghiệp chỉ sai phạm 500.000 đồng hoặc 1.000.000 đồng cũng được liệt kê là sai phạm, nên tỉ lệ lớn cũng phải xem xét trên nhiều bình diện.

"Những hành vi sai nhỏ đều tính vào, đánh đồng để nói về tỉ lệ tương đối thì rất khó. Có những doanh nghiệp sai phạm rất nhỏ, nhưng có những doanh nghiệp khi chúng tôi vào truy thu đến 1.850 tỉ đồng" - ông Phạm Ngọc Lai nói.

Ông Lai cũng chỉ ra những bất cập về chính sách hiện nay chưa theo kịp, chưa đồng bộ với tất cả các hành vi ở thực tiễn nên phải liên tục sửa đổi. Ngoài ra, quản lý thuế theo cơ chế tự khai tự nộp nên cần "thông cảm" cho các doanh nghiệp về những hiểu biết chưa đầy đủ và quan niệm chưa chuẩn về pháp luật thuế.

Ông Phạm Ngọc Lai cho biết thêm trước đó vào đầu năm 2018, phát biểu trên một tờ báo, Tổng KTNN đã đề cập đến việc cơ quan kiểm toán không tiếp cận được trực tiếp doanh nghiệp, cơ quan thuế không muốn cho cơ quan kiểm toán vào vì e ngại. "Thời điểm đó, chúng tôi đã làm việc với cơ quan báo chí, cơ quan kiểm toán về phát biểu này. Bộ Tài chính sau đó cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về phát biểu của Tổng KTNN" - ông Lai cho hay.

"Theo quy định của pháp luật thì cơ quan thuế đảm bảo giữ bí mật thông tin của người nộp thuế (trong đó có thông tin về tài khoản ngân hàng) là phù hợp với quy định của pháp Điều 14 Luật các tổ chức tín dụng và pháp luật về an toàn thông tin mạng" - ông Huy nhấn mạnh.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên